(Dân trí) – “TP Thủ Đức cần làm là đầu tư cho bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ để đủ sức vận hành một đô thị trên một triệu dân, thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền”, TS Trần Du Lịch nói.
Sau gần 4 năm được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận cũ (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức), TP Thủ Đức trở thành mô hình thành phố trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước. Qua từng năm, tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm địa bàn (GRDP), thu ngân sách, vốn thu hút đầu tư của thành phố mới không ngừng tăng lên, từng bước tiến tới mục tiêu trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng mới của TPHCM như kỳ vọng đặt ra ban đầu.
Tuy nhiên, TP Thủ Đức chưa tạo được đột phá về hạ tầng, vẫn còn công trình, dự án lớn dang dở, những vấn đề cố hữu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như kẹt xe, ngập nước chưa thể giải quyết dứt điểm. Các chuyên gia quy hoạch, đô thị, chính sách cũng nhìn nhận, TP Thủ Đức còn hàng loạt điểm nghẽn bên trong cần được tháo gỡ, sự cảm nhận của người dân về thành tựu phát triển của nơi đây còn khá mờ nhạt.
Trong cuộc phỏng vấn với Dân trí, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, nhìn nhận, “kỳ vọng càng lớn – thách thức càng cao” là điều TP Thủ Đức đang gặp phải. Bên trong sự chuyển mình của một đô thị đặc biệt, Thủ Đức còn đó những ngổn ngang phải giải quyết, những tương phản giữa hạ tầng với vai trò, vị thế cần phải thu hẹp khoảng cách và những vấn đề cũ, vấn đề mới cần tìm ra lời giải.
Thủ Đức thực chất mới lên thành phố 1 năm
Sau gần 4 năm được sáp nhập để hình thành thành phố trong lòng thành phố đầu tiên của cả nước với kỳ vọng rất lớn, ông đánh giá ra sao về sự phát triển của TP Thủ Đức quãng thời gian qua?
– Trước tiên, tôi muốn nói việc thành lập mô hình thành phố trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thủ Đức là điều cần thiết vào thời điểm đó. Nhận định này được đưa ra dựa trên tính chất, quy mô, tiềm năng, lợi thế của cả 3 quận trước đây.
Với diện tích đất hơn 211km2, dân số trên 1 triệu người, đây là khu vực tập trung rất nhiều tiềm năng để tạo sự phát triển đột phá. Trong số các trung tâm được định hình là động lực phát triển, Khu đô thị mới Thủ Thiêm được định hình là một trung tâm tài chính lớn; Khu công nghệ cao cùng một phần Đại học Quốc gia được định hình là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao.
Thủ Đức có lợi thế cạnh tranh lớn khi có cảng Cát Lái là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Nằm gần đó là cảng Phú Hữu với vị trí thuận lợi bên sông Đồng Nai. Đặc biệt, TP Thủ Đức tập trung các đầu mối, cơ sở hạ tầng để phát triển ngành logistics.
Các địa phương trước khi sáp nhập là quận 2, quận 9, quận Thủ Đức có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Địa bàn đã hình thành những khu đô thị mới kiểu mẫu.
TP Thủ Đức được công bố thành lập cuối năm 2020 và chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2021. Tuy nhiên, tôi đánh giá TP Thủ Đức thực chất chỉ mới lên thành phố hơn một năm. Mốc thời gian là từ khi Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực.
Trước thời điểm bản nghị quyết có hiệu lực, dù được gọi là thành phố trong lòng thành phố, Thủ Đức vẫn chỉ như một địa phương cấp quận, huyện. Điều này khiến cơ chế, thể chế, mô hình tổ chức, tính tự chủ, năng động, sáng tạo bị bó hẹp.
Sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, những thay đổi lớn nào theo ông đã diễn ra đối với TP Thủ Đức?
– Trước đây, TPHCM từng có một số cơ chế phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức nhưng giới hạn về phạm vi. Trong quá trình xây dựng Nghị quyết 98 của Quốc hội, TPHCM đã kiến nghị, đề nghị xây dựng cơ chế mới, phân cấp, phân quyền cho TP Thủ Đức mạnh mẽ hơn.
Những cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 98 đã cho mô hình thành phố trực thuộc TPHCM được phân cấp, phân quyền một số nội dung trước đây thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của cấp sở, ngành. Nghị quyết cũng có một số nội dung tạo sự chủ động hơn về tổ chức bộ máy TP Thủ Đức, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, ngân sách…
Từ đó, loạt dự án đang phải chờ sở, ngành điều chỉnh quy hoạch, cấp phép cũng được chuyển giao cho TP Thủ Đức. Đây là những bước đệm để TP Thủ Đức phát triển mạnh mẽ và tiến tới đạt kỳ vọng lớn được đặt lên vai.
Với một người theo dõi quá trình thực hiện Nghị quyết 98 tại TPHCM, tôi cho rằng TP Thủ Đức đã triển khai nhanh, hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù. Không chỉ các nội dung phân cấp, ủy quyền, TP Thủ Đức còn tận dụng, huy động nguồn lực xã hội để tạo ra một số công trình phúc lợi, tạo điểm nhấn cảnh quan và cải thiện diện mạo đô thị như Công viên bờ sông Sài Gòn nằm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Công cụ để xóa yếu kém về hạ tầng
Những điểm nghẽn về hạ tầng của TP Thủ Đức đã được đề cập thời gian qua. So với kỳ vọng lớn của người dân, ông có nghĩ rằng TP Thủ Đức đang bị chậm trong khắc phục vấn đề này?
– Tôi cho rằng với vị thế, vai trò và tiềm năng đang có, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của TP Thủ Đức đang ở mức cực kỳ yếu kém. Chưa cần so sánh với các đô thị trên thế giới, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này khi đặt TP Thủ Đức cạnh các thành phố lớn trong nước.
Ví dụ điển hình là Đà Nẵng, nếu không tính huyện đảo Hoàng Sa và huyện Hòa Vang, thì nơi đây chỉ nhỉnh hơn khoảng 20km2 so với TP Thủ Đức. Thế nhưng, hạ tầng giao thông của TP Đà Nẵng so với TP Thủ Đức là một khoảng cách rất xa.
Tại TP Thủ Đức, ngoài những công trình giao thông do địa phương này quản lý thì còn các công trình khác có quy mô, thẩm quyền của TPHCM, thậm chí có cả dự án liên vùng do Trung ương chịu trách nhiệm, như tuyến vành đai 3. Bài toán về nguồn lực đầu tư để tháo gỡ bất cập hạ tầng cũng là vấn đề được TPHCM và TP Thủ Đức, các cơ quan liên quan đặt ra một cách gay gắt.
Chúng ta thấy rõ được giữa vai trò và tiềm năng với hạ tầng đô thị của TP Thủ Đức luôn có một sự chênh lệch quá lớn. Nhiều dự án nhà ở, khu dân cư phát triển, khu đô thị tại TP Thủ Đức dù hoàn thành cũng chưa thu hút được dân cư, xuất phát từ lý do hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện, chưa được đầu tư đúng mức, hoặc chậm tiến độ.
Điểm nghẽn này khiến TP Thủ Đức chưa tận dụng được động lực sẵn có về phát triển ngành logistics. Các lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng vì phải chịu chi phí logistics cao.
Dựa trên những tiềm năng, thế mạnh và hạn chế, bất cập đã nói ở trên, theo ông, đâu là điều TP Thủ Đức cùng các cơ quan cần sớm thực hiện để tạo ra sự thay đổi, bứt phá?
– Về mặt cơ chế, chính sách, TP Thủ Đức đã có khung pháp lý mạnh mẽ với Nghị quyết 98, được phân cấp, phân quyền trong nhiều lĩnh vực. Nhưng chúng ta cần nhớ, chiếc áo cơ chế của TP Thủ Đức mới chỉ được nới ra khoảng 1 năm, sẽ còn đó những bất cập khi áp dụng vào thực tế.
Việc TP Thủ Đức cần làm là đầu tư hơn cho bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ để đủ sức vận hành một đô thị trên một triệu dân, quy mô kinh tế rất lớn và đủ sức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền. Với quy mô kinh tế, dân số bằng nhiều tỉnh cộng lại, nhưng tôi cho rằng, bộ máy của TP Thủ Đức chưa tương xứng về cả chất lượng cũng như số lượng.
Đối với những bất cập về hạ tầng, chúng ta cũng không thể nóng vội tạo sự chuyển biến ngay. Qua theo dõi, tôi thấy TP Thủ Đức đã nỗ lực cùng TPHCM tìm giải pháp, nhưng thời gian 3-4 năm kể từ ngày thành lập chưa đủ để địa phương giải quyết những ngổn ngang.
Từ ngày thành lập tới nay, Thủ Đức đã phải thực hiện song song 2 việc là phát triển đô thị mới đi kèm chỉnh trang đô thị cũ, xử lý những tồn đọng của giai đoạn trước. Nhiều vấn đề vượt ngoài khả năng của TP Thủ Đức và cần sự nỗ lực của TPHCM, thậm chí cần cả cấp Trung ương hỗ trợ.
Vừa qua, TP Thủ Đức đã tích cực phối hợp với các cơ quan và trình Chính phủ đồ án Quy hoạch xây dựng TP Thủ Đức đến năm 2045, tầm nhìn 2060. Theo tôi biết, quy hoạch này sắp được phê duyệt.
Sau khi có đồ án quy hoạch, Thủ Đức sẽ có công cụ rất quan trọng để thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết, hình thành các dự án trong tương lai và tạo tiền đề phát triển. Đây cũng là cơ sở để địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án, xử lý những tồn đọng hiện có.
Ngoài ra, TP Thủ Đức đang có một lợi thế mà các nơi khác không có được là tiềm năng phát triển thị trường bất động sản. Tôi hi vọng một thời điểm nào đó, Trung ương chấp thuận cho TPHCM và TP Thủ Đức thí điểm công cụ tài chính chống đầu cơ đất đai là đánh thuế nhà, đất thứ 2.
Bằng công cụ quy hoạch và công cụ tài chính này, TP Thủ Đức sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn thông qua việc điều hành, điều tiết và lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Trước đây, TPHCM từng đề xuất nội dung này, nhưng chưa được thông qua.
Tôi tin rằng, khi những tiềm năng, lợi thế sẵn có kết hợp với công cụ cần thiết, TP Thủ Đức sẽ hóa giải những điểm nghẽn, hoàn thiện và đưa vào hoạt động hàng loạt công trình hạ tầng, dự án giao thông. Khi đó, thành phố trong lòng TPHCM sẽ tạo ra sự đột phá xứng tầm về cả kinh tế – xã hội lẫn diện mạo đô thị.
Xin cảm ơn ông!
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/viec-tp-thu-duc-can-lam-de-tao-dot-pha-thuc-day-tang-truong-cho-tphcm-20241111115625460.htm