(Dân trí) – Trung tâm sản phẩm OCOP đầu tiên tại Hội An hướng đến 2 mục đích, giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương đến du khách trong và ngoài nước; tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Ngày 27/9, UBND thành phố Hội An, Quảng Nam khánh thành trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP đầu tiên tại đường Nguyễn Thái Học – trung tâm phố cổ Hội An. Tại cửa hàng trưng bày hơn 200 sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ của Hội An và các địa phương tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An – cho biết, việc phố cổ Hội An có cửa hàng OCOP là nỗ lực của nhiều sở, ngành, đơn vị hỗ trợ.
“Sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở tham gia chương trình này góp phần làm cho Hội An đẹp hơn, dễ thương hơn và tạo được dấu ấn tốt, góp phần trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố Hội An”, ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch thành phố Hội An cũng cho rằng, cửa hàng OCOP đầu tiên của tỉnh Quảng Nam là trung tâm kết nối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng các chủ thể OCOP của Hội An nói riêng và các địa phương tỉnh Quảng Nam nói chung.
Lãnh đạo thành phố Hội An tin tưởng, trung tâm OCOP Hội An sẽ trở thành địa chỉ được du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm.
Ông Trần Văn Noa – đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam – cho rằng, việc Hội An xây dựng trung tâm OCOP đầu tiên là nỗ lực, quyết tâm của chính quyền thành phố Hội An cũng như các chủ cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
“Một trong những khâu cuối cùng và khó khăn nhất của chương trình OCOP là việc xúc tiến thương mại. Hy vọng trong tương lai, trung tâm sản phẩm OCOP Hội An sẽ kết nối với hơn 400 sản phẩm của tỉnh Quảng Nam để quảng bá cho sản phẩm địa phương”, ông Trần Văn Noa nói.
Bà Hồ Thị Bông – chủ cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP Hội An – cho biết, hiện tại cửa hàng có hơn 200 sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập thấp nhất 6,5 triệu đồng/tháng/lao động.
Tuy nhiên, theo chị Bông, trung tâm đang tạo việc làm gián tiếp cho hàng trăm lao động thông qua các chủ thể, cơ sở sản xuất hàng OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ.
“Tôi hy vọng trung tâm sẽ là nơi trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương cho du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm, từ đó tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương”, bà Hồ Thị Bông chia sẻ.
Dantri.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/hoi-an-co-trung-tam-gioi-thieu-san-pham-ocop-dau-tien-20240927165200222.htm