Quy định này áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm bớt phần nào khó khăn do sửa đổi Nghị định đã kéo dài từ 2023 đến nay.
Bộ Tài chính vừa có hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định 132 (trước đó là Nghị định 20) được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, ‘vốn mỏng’… trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung một số quy định rất quan trọng, giải quyết được nhiều vướng mắc.
Cụ thể, đã quy định cụ thể về “các bên có quan hệ liên kết” đối với trường hợp “một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức”. Điều kiện là tổng dư nợ các khoản vốn vay của doanh nghiệp đi vay với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Ngoài ra, dự thảo đã quy định cụ thể về “trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Trong đó quy định Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết trên cơ sở danh sách do Cơ quan thuế yêu cầu.
Các thông tin này bao gồm dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) và các thông tin liên quan khác (nếu có).
Nghiên cứu hồ sơ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP, ông Lê Hoàng Châu, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), đánh giá cao Bộ Tài chính đã rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của nhiều tổ chức từ Trung ương đến địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia để xây dựng “Dự thảo Nghị định”.
“Về cơ bản dự thảo Nghị định đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, vừa đảm bảo tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống gian lận thuế, chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, vừa vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh”, ông Châu đánh giá.
Trong văn bản khẩn vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, HoREA đặc biệt lưu ý đến việc Nghị định này áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Theo HoREA, điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm bớt phần nào khó khăn do sửa đổi Nghị định đã kéo dài từ 2023 đến nay. Đồng thời, giảm thiểu phần nào tác động bất lợi vì việc chậm khấu trừ chi phí để tính thuế của doanh nghiệp.
Để kịp tiến độ áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2024, các bộ ngành sẽ phải rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ mới có thể giúp Chính phủ ban hành được Nghị định này sớm.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP nâng mức tổng chi phí lãi vay được trừ không vượt quá 50% (hiện là 30%) của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Về lâu dài, sau khi Nhà nước đã ban hành “thuế tối thiểu toàn cầu” đối với các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn đa quốc gia, HoREA đề nghị không khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay được khấu trừ thuế đối với “doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết”. Điều này để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời “bức tranh” hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh doanh nghiệp có hành vi “chuyển giá”, kê khống chi phí để trốn lậu thuế.
Ngoài ra, Hiệp hội này cho rằng, Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã quy định “thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ” là tương đối ngắn, mà nếu trong thời hạn này doanh nghiệp chưa được khấu trừ hết “tổng chi phí lãi vay được trừ” thì doanh nghiệp lại bị mất khoản tiền này là tài sản của doanh nghiệp.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị nâng thời hạn khấu trừ lên 7 năm (mà nếu “rộng rãi” thì nên là 10 năm) thì hợp tình hợp lý hơn vì chi phí lãi vay là tài sản của doanh nghiệp.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bo-tai-chinh-go-vuong-cho-quy-dinh-von-mong-can-ap-dung-ngay-nam-nay-2343688.html