Giá cà phê thế giới
Đầu giờ sáng 18/11 (giờ Việt Nam), trên sàn London, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2025 ở mức 4.773 USD/tấn, không đổi so với đầu giờ sáng qua. Kỳ hạn giao tháng 3/2025 giao dịch ở mức 4.699 USD/tấn, bằng với phiên giao dịch liền trước.
Giá cà phê trong nước
Giá cà phê trong nước hôm nay không ghi nhận sự biến động, giao dịch ở mức 112.800 – 113.400 đồng/kg.
Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 112.800 đồng/kg, bằng mức giao dịch hôm qua.
Tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê hôm nay ở mức 113.200 đồng/kg, không có biến động so với mức giao dịch một ngày trước.
Giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông hôm nay được thu mua ở mức 113.400 đồng/kg, bằng phiên giao dịch liền trước.
Tại Gia Lai, giá cà phê hôm nay giao dịch ở mức 113.100 đồng/kg, không thay đổi so với phiên giao dịch trước.
Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch chính của niên vụ 2024-2025 trong bối cảnh thị trường lo ngại ảnh hưởng của La Nina, mưa lớn có thể làm gián đoạn tiến độ thu hoạch và giảm sản lượng cà phê. Trong khi đó, Brazil cũng đứng trước rủi ro thiếu nước cho cây cà phê phát triển và thu hoạch niên vụ 2025-2026. Nhà khí tượng học Climatempo cho biết sau đợt mưa ngắn vào giữa tuần tại Minas Gerais, bang trồng cà phê Arabica lớn nhất Brazil, khu vực này dự kiến sẽ nóng hơn và khô hơn trong 10 ngày tới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE) công bố trong tháng 10 quốc gia này xuất đi 4,93 triệu bao cà phê các loại, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Việc đẩy mạnh xuất khẩu được hỗ trợ từ nguồn cung sẵn có sau vụ thu hoạch năm 2024 và nhu cầu cà phê từ nước ngoài tăng cao.
Ngày 13-14/11, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc hoãn thi hành Quy định chống phá rừng (EUDR) thêm 12 tháng. Đồng thời, EP cũng tìm cách nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng như thịt bò và đậu nành.
Với lộ trình mới, hoạt động nhập khẩu sẽ tạm thời chững lại, giúp cung và cầu cà phê trên thế giới có xu hướng cân bằng hơn, đặc biệt khi Việt Nam chuẩn bị đưa ra nguồn cung mới.
EP đã đưa ra 15 đề xuất sửa đổi, trong đó đề xuất kéo dài thời gian trì hoãn lên hai năm, lập danh mục các quốc gia “không rủi ro” và miễn phần lớn nghĩa vụ báo cáo cho các thương nhân. Theo nhóm này, các đề xuất thay đổi nhằm giảm bớt gánh nặng hành chính không cần thiết và tránh phát sinh thêm chi phí.
Nguồn: https://vtcnews.vn/gia-ca-phe-hom-nay-18-11-thi-truong-lang-song-ar907979.html