Kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 – 27/11/2024)
Ngày 27/11/1961, Đoàn thăm dò dầu lửa 36 trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở miền Bắc được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ mặc dù điều kiện còn hết sức khó khăn và thiếu thốn khi đất nước đang trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí trên cả nước bắt đầu được đẩy mạnh: Ở miền Bắc, công tác thăm dò và thẩm lượng các cấu tạo tiềm năng trên Bồn trũng sông Hồng vẫn tiếp tục. Ở miền Nam, sau ngày thống nhất đất nước, các cán bộ kỹ thuật đã nhanh chóng tiếp cận, nghiên cứu tài liệu địa chất, kết quả các giếng thăm dò đã thực hiện trước năm 1975 với những lưu ý đặc biệt về phát hiện ở cấu tạo Dừa ở Bồn trũng Nam Côn Sơn và cấu tạo Bạch Hổ ở Bồn trũng Cửu Long.
Nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp Dầu khí, Đảng và Nhà nước đã quyết định hợp tác toàn diện với Liên Xô. Theo đó, vào tháng 7/1980, hai Nhà nước đã ký kết Hiệp định hợp tác Việt – Xô về thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam.
Lễ ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam tại Điện Kremli tháng 7/1980.
Tiếp theo, vào ngày 19/6/1981, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được ký kết, đánh dấu sự ra đời của Vietsovpetro – Nhà điều hành công tác tìm kiếm – thăm dò – khai thác dầu khí lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam cho đến hiện nay.
Triển khai Hiệp định, hai Phía đã khẩn trương tiến hành các công tác chuẩn bị để ngày 19/11/1981 Vietsovpetro chính thức đi vào hoạt động, bắt đầu nghiên cứu tài liệu địa chất, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Nam Việt Nam.
Tháng 2/1983, nhóm đề tài của Trung tâm nghiên cứu khoa học và thiết kế thuộc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã tổng hợp và phân tích một khối lượng lớn các thông tin địa chất và địa vật lý về cấu trúc của Bạch Hổ, đồng thời xây dựng bản đồ cấu trúc về mái của vỉa có ích thuộc trầm tích Miocen dưới, Oligocen và trên bề mặt của đá móng; đồng thời xác định được kết cấu địa chất của cấu tạo. Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng, những phá hủy kiến tạo trước đó dự kiến là có tồn tại, với đặc tính tách cấu trúc thành các khối nhỏ, thực ra không tồn tại, vì thế có thể phải điều chỉnh trình tự cũng như khối lượng các công việc về thăm dò địa chất. Thì ra, một trong các cấu tạo định đưa vào khoan (gọi là cấu tạo số 3) hoàn toàn không tồn tại, còn cấu tạo Ba Vì cần được nghiên cứu thêm và chưa sẵn sàng cho việc khoan thăm dò. Vì vậy, theo ý tưởng của Ban lãnh đạo Xí nghiệp Liên doanh, để thực hiện “Chương trình 1985” phải tập trung vào công việc ở hai mỏ Bạch Hổ và Rồng, nên cần khoan thêm 4 giếng khoan thăm dò.
Tàu khoan Mikhail Mirchink nhận hợp đồng thầu trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 6/1984 có nhiệm vụ khoan giếng khoan thăm dò số 5-BT tại cấu tạo Bạch Hổ. Kết quả là lại một lần nữa phát hiện ra mỏ dầu ở các vỉa thuộc tầng Miocen dưới. Giếng khoan được đục thông trong khoảng 2.782 – 2.826m và nhận được dòng dầu đầu tiên là 26,2m3 mỗi ngày, ngoài ra còn 2.600m3 khí đốt và 5m3 nước vỉa.
Ngày 24/5/1984 được coi là ngày phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ và ngày 6/11/1984 Vietsovpetro hạ thủy chân đế giàn khoan cố định MSP-1 tại mỏ Bạch Hổ.
Tàu khoan Mikhail Mirchink nhận dòng dầu công nghiệp từ tầng trầm tích của mỏ Bạch Hổ
Ngày 27/2/1985, tàu Mikhail Mirchink bắt đầu tiến hành khoan tại cấu tạo Rồng. Giếng khoan này dừng lại ở độ sâu 2.571m vì đã xuyên qua gần hết lớp vỏ trầm tích và gần lật tới tầng đá móng. Một dòng dầu đã phun lên trong khi thử nghiệm giếng. Vậy là vào tháng 5/1985, nhờ có giếng khoan đầu tiên mà đã phát hiện ra mỏ Rồng.
Ngày 26/6/1986, khai thác tấn dầu thô thương mại đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam, từ giàn MSP-1, chính thức mở ra ngành công nghiệp mới của đất nước – công nghiệp khai thác dầu khí. Chỉ trong vòng hơn 5 năm, những người làm công tác dầu khí ở Vietsovpetro đã biến những tấn dầu trong “sách vở”, trong tư duy tưởng tượng của các nhà địa chất thành những tấn dầu hiện thực, từ trong lòng đất, đưa lên hệ thống công nghệ để thu gom, vận chuyển, xử lý thành những tấn dầu thương phẩm, xuất bán và mang về những đồng ngoại tệ quý giá cho đất nước.
Niềm vui vỡ òa, lan tỏa từ Vũng Tàu ra khắp cả nước. Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, quyết định tập trung nguồn lực để đầu tư cho ngành Dầu khí đã gặt hái được quả ngọt đầu tiên.
Giàn MSP1 khai thác tấn dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ năm 1986.
Đến năm 1988, Vietsovpetro phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với dòng dầu tự phun, có lưu lượng đạt tới 407 tấn/ngày đêm và mỏ này được xếp vào trong số các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á. Sau Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới ở tầng móng như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc… đã lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác. Việc phát hiện và khai thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ là một thành tựu có giá trị to lớn về khoa học và kinh tế, làm thay đổi rất lớn về đối tượng thăm dò dầu khí truyền thống. Các thành quả này đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới, đánh dấu một bước tiến vững chắc, khẳng định một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.
Kể từ sự kiện khai thác tấn dầu đầu tiên năm 1986, sản lượng dầu thô khai thác của Liên doanh Vietsovpetro liên tục tăng: năm 1990 đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 5 triệu, vào năm 1992 – 10 triệu tấn dầu, năm 1993 – 20 triệu tấn dầu, năm 1997 – 50 triệu tấn dầu, năm 2001 – 100 triệu tấn dầu, năm 2005 – 150 triệu tấn dầu, năm 2012 – 200 triệu tấn dầu. Đây là những bước tiến khổng lồ đối với một liên doanh có vốn đầu tư ban đầu chỉ 1,5 tỷ USD. Và đến năm 2024, Liên doanh Vietsovpetro đã đạt mốc sản lượng 250 triệu tấn dầu, khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu trong công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã khai thác được khoảng 450 triệu tấn dầu ở trong nước, mang lại nhiều lợi ích to lớn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng cho Tổ quốc. Tuy nhiên, nhìn lại vào thời điểm gần 40 năm về trước, khi tấn dầu thương mại đầu tiên được khai thác lên không chỉ hiện thực hóa mong ước của Bác Hồ vĩ đại về một đất nước “có biển ắt có dầu” mà còn là điểm tựa giúp Việt Nam bước vào thời kỳ “đổi mới” một cách mạnh mẽ, toàn diện, phát triển đến lúc có “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” như ngày hôm nay.
PV
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/fbaaa52d-cbaf-4e75-8433-3e0b7914911e