(ĐCSVN) –Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá được xem là giải pháp quan trọng để giảm tỷ lệ hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nếu thiếu lộ trình hợp lý, chính sách này có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng thuốc lá lậu, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và hoạt động của ngành sản xuất hợp pháp.
Hình ảnh tại buổi Toạ đàm (Ảnh: M.P) |
Chiều 19/11, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá – những vấn đề đặt ra”. Sự kiện có sự thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 (đợt 2). Theo đó, Chính phủ đề xuất hai phương án: Phương án 1: Giữ nguyên thuế suất 75% và áp dụng mức thuế tuyệt đối tăng thêm 2.000 đồng/bao từ năm 2025, sau đó tăng dần đến 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án 2: Áp dụng mức tăng ngay từ đầu với 5.000 đồng/bao từ năm 2025 và tiếp tục điều chỉnh đến 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Cả hai phương án đều hướng tới mục tiêu kép: giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thực hiện cần tính toán kỹ lưỡng để tránh các hệ lụy như thất thu thuế do buôn lậu gia tăng, ảnh hưởng tới ngành sản xuất hợp pháp và việc làm của người lao động.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng đầu năm 2024, hơn 1.067 vụ vi phạm bị phát hiện, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến 5,6 tỷ đồng. Những con số này cho thấy, dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực kiểm soát, thuốc lá lậu vẫn là vấn đề nhức nhối.
Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn Điều tra (Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ đội Biên phòng), cảnh báo rằng nếu thuế tăng mạnh, giá thuốc lá hợp pháp sẽ đội lên, kích thích người tiêu dùng chuyển sang thuốc lá nhập lậu giá rẻ. Việc này không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý mà còn làm giảm nguồn thu ngân sách. Ông nhấn mạnh: “Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách để các lực lượng chống buôn lậu có thời gian lên kế hoạch ứng phó hiệu quả.”
Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính đã thực hiện phân tích tác động của việc tăng thuế và dự báo những kịch bản tiêu cực nếu lộ trình tăng không được thiết kế hợp lý.
Cụ thể: Ở phương án 1, sản lượng thuốc lá hợp pháp sẽ giảm 30% vào năm 2030, trong khi thuốc lá lậu dự kiến tăng 205%. Ở phương án 2, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm mạnh hơn, tới 36%, còn lượng thuốc lá lậu có thể tăng 230%.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), nhận định: “Tăng thuế TTĐB là cần thiết để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là hạn chế thế hệ trẻ tiếp cận sản phẩm có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu giá bán tăng quá cao, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các sản phẩm nhập lậu, không kiểm soát chất lượng.”
Đồng quan điểm, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật (VCCI), nhấn mạnh rằng mức thuế tuyệt đối như đề xuất hiện nay sẽ khiến ngành sản xuất thuốc lá hợp pháp gặp khó khăn lớn, giảm khả năng cạnh tranh. “Thuế tăng đột ngột không chỉ khiến giá bán tăng cao, mà còn khiến các doanh nghiệp sản xuất hợp pháp không có đủ thời gian để điều chỉnh sản xuất và thích nghi với thay đổi chính sách.”
Trước thực trạng này, nhiều đại biểu đã đưa ra các giải pháp cụ thể để đảm bảo việc tăng thuế đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng thuốc lá, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá 15, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng thuế TTĐB cần hướng tới điều chỉnh hành vi thay vì chỉ tập trung tăng nguồn thu. Ông nhấn mạnh: “Nếu tăng thuế quá cao, người tiêu dùng sẽ chuyển từ thuốc lá hợp pháp sang các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Điều này không những không đạt được mục tiêu sức khỏe mà còn làm thất thu ngân sách.”
Bà Thủy (VCCI) đề xuất áp dụng mức tăng thuế hợp lý hơn, với lộ trình tăng mỗi 2-3 năm/lần thay vì tăng liên tục hàng năm. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian chuẩn bị, tái cơ cấu sản xuất và ổn định hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Thượng tá Lê Thiện Thành kiến nghị sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP, tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển và kinh doanh thuốc lá nhập lậu. Đây là biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ thuốc lá lậu tràn lan khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh.
Tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá” đã nêu các thách thức và cơ hội khi áp dụng chính sách tăng thuế đối với mặt hàng này. Các ý kiến thống nhất rằng, việc tăng thuế là cần thiết để giảm tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhưng cần một lộ trình hợp lý, tránh tăng đột ngột, gây xáo trộn thị trường và kích thích buôn lậu.
Một chiến lược toàn diện, bao gồm tăng thuế hợp lý, giãn cách lộ trình và tăng cường chế tài chống buôn lậu, sẽ là chìa khóa để chính sách thuế TTĐB phát huy hiệu quả, đảm bảo mục tiêu kép về sức khỏe và nguồn thu ngân sách một cách bền vững./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-thuoc-la-can-lo-trinh-hop-ly-de-tranh-gia-tang-buon-lau-683694.html