Ninh Bình không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo mà còn có nhiều di tích lịch sử – văn hóa đặc biệt quan trọng.

Với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt), đây là những tiềm năng, lợi thế lớn của Ninh Bình trong phát triển du lịch..

Với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước phát triển đồng bộ, hiện đại, cùng nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, những năm qua, Ninh Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, 9 tháng của năm 2024, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 7,3 triệu lượt khách, tăng 32,03% so với cùng kỳ năm trước, đạt 97,28% so với kế hoạch năm 2024. 

Trong đó khách trong nước đạt gần 6,4 triệu lượt, khách quốc tế đạt trên 900.000 lượt, số lượt khách đến cơ sở lưu trú ước đạt trên 1.506,2 nghìn lượt, gấp trên 1,5 lần; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 1.701,5 nghìn ngày khách, tăng 33,83%.

Du lịch phát triển đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt, có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển.

Đồng thời, nhờ phát triển du lịch đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên và môi trường cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư.

z5505977854875_580c57672c10651843b77164124e1207.jpg
Hội chọi dê Ninh Bình năm 2024. Ảnh: Trần Nghị

Cùng với yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương, định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045. 

Theo đó, mục tiêu tạo bước đột phá phát triển toàn diện các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm hiệu quả, bền vững. 

Đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến “An toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn”. 

Đến năm 2045, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% GRDP.

Để thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, du lịch số, coi đây là đòn bẩy cho ngành du lịch phát triển bền vững hơn.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Binh Bình, ngành du lịch địa phương đã tập trung triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số. 

Trong đó, tỉnh đã xây dựng hệ thống thông tin số du lịch tỉnh Ninh Bình phục vụ công tác quản lý nhà nước; kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch; tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ khách du lịch.

Ngoài ra, Sở Du lịch cũng đã triển khai phần mềm tiện ích du lịch thông minh; hệ thống wifi hỗ trợ các ứng dụng du lịch thông minh, các ki-ốt du lịch hỗ trợ khách tại các khu, điểm du lịch chính trên địa bàn tỉnh; phần mềm ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo tích hợp trên nền tảng website và thiết bị di động.

Đặc biệt, địa phương cũng đã số hóa 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật dữ liệu của ngành trên hệ thống chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh (OIC)….

Đến nay, đơn vị đã xây dựng phần mềm thuyết minh du lịch ảo Chatbox AI đưa vào sử dụng và đã tạo lập gần 100 tài khoản cho các doanh nghiệp để đưa dịch vụ trên phần mềm du lịch thông minh của ngành; triển khai marketing trên 7 nền tảng số của mạng xã hội; xây dựng hơn 120 clip quảng bá với hơn 7 triệu lượt tương tác. 

Chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy thu hút du khách đến với Ninh Bình, nhờ đó du lịch Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. 

Ninh Bình cũng là địa phương được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế bình chọn là điểm đến hấp dẫn, điểm du lịch hiếu khách và được yêu thích nhất.

Đình Sơn