Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, trước những thách thức mới, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng phát triển, để từng thầy cô giỏi hơn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: Thanh Hùng) |
Sáng 18/11, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Thách thức từ trong quá trình đổi mới giáo dục
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, giáo dục và đào tạo của nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
“Có lẽ lớn nhất là thách thức từ bên trong, từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển. Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Theo ông Sơn, để vượt qua những thách thức đó, ngành giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cần nỗ lực vô cùng lớn, sáng tạo không ngừng và có giải pháp trúng, đúng.
“Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức; yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao… đã thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó. Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII xác định là đột phá chiến lược và đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV…”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Nhân kỷ niệm ngày 20/11, Bộ trưởng GD&ĐT cũng có đôi điều trao đổi với các nhà giáo. Theo ông Sơn, giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo, người máy, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, siêu máy tính, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới. Những nhân tố mới xuất hiện khiến cho nhiều người đặt câu hỏi và nghi ngờ sự tồn tại của giáo dục trường học và vai trò những người thầy trong tương lai.
“Chúng ta cần đối mặt với thách thức, không lảng tránh, không sợ hãi. Chúng ta đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục và bản lĩnh của người thầy để đón nhận những điểm lợi thế của thời đại, để tranh thủ lợi thế, để phát triển nhanh hơn. Trí tuệ nhân tạo không và không thể thay thế con người. Vai trò nhà giáo không thể thay thế”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, nền giáo dục mới sẽ thất bại nếu chỉ chạy theo trang bị kiến thức, nhưng sẽ là sai lầm nếu lại buông bỏ hoàn toàn kiến thức. Cần trang bị những kiến thức cơ bản để học sinh lấy đó làm công cụ cho tư duy, dạy cho các em khả năng thích ứng và tự học để phát triển bản thân trong tương lai.
Kiến tạo một đội ngũ nhà giáo mới
Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh, trước những thách thức mới, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng phát triển, để từng thầy cô giỏi hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Cần tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu…”. |
Thách thức càng lớn nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới. Những giá trị từ truyền thống như “học không biết chán, dạy không biết mỏi”, tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò.
Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn.
Người đứng đầu ngành giáo dục nhắn nhủ tới các em học sinh, sinh viên: “Chính các em đã làm nên các thành tích của giáo dục và sự thành công, lớn mạnh của các thầy cô. Không có học sinh ắt không có gì để thầy làm được thầy. Trong thời đại mới, mong các em học tập tiến bộ, tự tin để thể hiện bản thân, học tập chủ động tích cực. Các em cần tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tích cực thể hiện và khẳng định bản thân trong học tập, nhưng lại vẫn phải giữ lễ, kính trọng những người thầy”.