Phát triển đô thị ở 2 nút giao

Ông Nguyễn Ngọc Thức, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết, Hà Trung là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển toàn diện, từ văn hóa, lịch sử đến kinh tế – xã hội. Với tiềm năng sẵn có và sự đầu tư đúng hướng, Hà Trung hứa hẹn trở thành một trong những điểm sáng kinh tế và văn hóa của tỉnh.

Năm 2021, sau khi quy hoạch xây dựng vùng huyện Hà Trung được UBND tỉnh phê duyệt, huyện đã tập trung lập và trình tỉnh phê duyệt quy hoạch chung đô thị là Thị trấn, Hà Long, Hà Lĩnh, Cừ, Gũ; 11 Quy hoạch chung xây dựng xã và hơn 40 đồ án quy hoạch chi tiết, bao gồm: Các cụm công nghiệp, khu đô thị và điểm dân cư nông thôn… giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị trên địa bàn huyện. Tập trung hệ thống các quy hoạch có chất lượng cao, đồng bộ. Đến nay Hà Trung đã hoàn thành đề án thành lập thị trấn Hà Long và Hà Linh.

anh 1.jpg
Huyện Hà Trung mục tiêu đến năm 2030 lên đô thị loại IV

Ông Thức cho biết, sở dĩ xã Hà Long và Hà Lĩnh được xây dựng đề án thành lập thị trấn bởi, Hà Long là vùng đất có nhiều giá trị lịch sử – văn hóa, là nơi phát tích của các vua, chúa và vương triều Nguyễn nên có nhiều cơ hội để hình thành đô thị du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái gắn với bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử Quốc Miếu nhà Nguyễn. 

Bên cạnh đó, xã Hà Long có một nút giao cao tốc Bắc – Nam và Quốc lộ 217B (là một trong bảy nút giao đường cao tốc qua địa phận tỉnh Thanh Hóa). Đồng thời, xã cũng đã được quy hoạch phát triển dịch vụ cao cấp (du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf)… 

Với lợi thế vừa là cửa ngõ phía Tây Bắc của huyện Hà Trung, vừa là điểm kết nối các huyện vùng đồng bằng ven biển như: Nga Sơn, Bỉm Sơn, Hậu Lộc; các huyện miền núi như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước đi các tỉnh lân cận và các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM là lợi thế để địa phương phát triển đô thị theo hướng dịch vụ thương mại, logistic. Mặt khác, xã Hà Long tiếp giáp trực tiếp với một trong bốn đô thị động lực của tỉnh, là cơ sở quan trọng để hình thành đô thị công nghiệp với sự lan tỏa mạnh mẽ của đô thị công nghiệp Bỉm Sơn, cụm công nghiệp Hà Long – Bỉm Sơn.

anh 2.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Thức, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung

Đối với Hà Lĩnh, là xã trung du miền núi nằm trong vùng kinh tế phía nam của huyện Hà Trung. Nằm trên tuyến Quốc Lộ 217, xã Hà Lĩnh là cửa ngõ của huyện Hà Trung cũng như các huyện vùng đồng bằng ven biển kết nối với các huyện lân cận như: Vĩnh Lộc, Yên Ðịnh và các huyện miền núi phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa. 

Hà Lĩnh còn là đầu mối giao thông vùng đông bắc tỉnh Thanh Hóa khi hình thành nút giao lên xuống giữa Quốc lộ 217 và đường bộ cao tốc Bắc Nam. Đây là đầu mối giao thông vùng đông bắc tỉnh Thanh Hóa gắn với dịch vụ kho vận, thương mại cấp vùng; Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp gắn liền với các cụm công nghiệp Hà Lĩnh, đây là cơ hội lớn để phát triển đô thị theo đúng các định hướng phát triển chung của tỉnh, của huyện.

anh 3.jpg
Nút giao Gia Miêu (xã Hà Long) là một yếu tố đưa xã này lên thị trấn

Huy động tối đa các nguồn lực

Theo ông Thức, để sớm đưa Hà Trung trở thành đô thị loại IV, huyện đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển công nghiệp, đô thị một cách toàn diện theo hướng hiện đại. Xác định xúc tiến đầu tư huy động nguồn lực từ bên ngoài là đột phá, huy động nội lực là quan trọng để hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện.  

Tổng số vốn huy động các năm 2021, 2022, 2023, 2024, mỗi năm Hà Trung đạt 2000 tỷ đồng. Công tác kêu gọi đầu tư đạt kết quả tốt, các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất ổn định và đầu tư mở rộng sản xuất.

anh 4.jpg
Một góc xã Hà Lĩnh

Ngoài ra, Hà Trung còn thực hiện các dự án quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện, như: Dự án nhà khám, chữa bệnh trung tâm Bệnh viện đa khoa huyện Hà Trung; Trường THPT Hoàng Lê Kha; Trung tâm Y tế huyện Hà Trung; Hạ tầng khu dân cư mới phía Đông Thị Trấn (Phân khu 1, 2, 3); Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường xã Hà Long; Đường giao thông từ trung tâm huyện Hà Trung đi trung tâm thị xã Bỉm Sơn; Đường giao thông từ Đô thị Gũ, xã Lĩnh Toại đi cầu Báo Văn, xã Hà Hải; Đường giao thông từ xã Hà Tân đi Yên Dương; Đường giao thông kết nối QL217 đi tỉnh lộ 508; Đường giao thông kết nối khu đô thị Hà Lĩnh (nút giao cao tốc tại xã Hà Lĩnh) – Cụm di tích Đền Hàn, Cô Bơ, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung); Đường giao thông từ Hà Lai – Hà Thái – Lĩnh Toại. 

anh 5.jpg
Đời sống của người dân huyện Hà Trung được nâng lên nhờ phát triển đô thị

“Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, huyện đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo sự kết nối giữa các vùng trong huyện và các huyện lân cận để mở rộng không gian phát triển. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn để sớm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa Hà Trung lên đô thị loại IV, ông Thức cho biết.

Lê Dương