Người tìm việc xếp hàng bên ngoài một hội chợ việc làm ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây vào ngày 18/2/2023. |
Ngày 15/3, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo, trong 2 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của nước này tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược sự sụt giảm trong 3 tháng trước đó. Đây là một chỉ số quan trọng về sức mua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo NBS, 2 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đạt 7.700 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1.120 tỷ USD).
Doanh số bán lẻ tăng trở lại trong bối cảnh Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, mở cửa lại biên giới và đón mừng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mức tăng trưởng 3,5% trên phù hợp với kỳ vọng và tốt hơn nhiều so với mức giảm 1,8% trong tháng 12/2022, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi.
Cùng với việc Bắc Kinh tuần này nối lại cấp thị thực du lịch, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tiếp tục cải thiện trong năm 2023.
Song song với đó, trong 2 tháng đầu năm, đầu tư vào tài sản cố định, chẳng hạn như bất động sản và cơ sở hạ tầng, tăng 5,5%, vượt qua ước tính. Đặc biệt, chi tiêu vốn cho điện, cơ sở sưởi ấm và đường sắt tăng khoảng 20%.
Ông Zhiwei Zhang, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định: “Dữ liệu kinh tế nói trên xác nhận sự phục hồi ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đi đúng hướng. Các số liệu nói trên cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc”.
Các nhà phân tích từ Capital Economics thì cho rằng, sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 giảm dần đã dẫn đến sự cải thiện nhanh chóng trong các điều kiện kinh tế vào đầu năm nay.
Nhưng có một số điểm yếu trong dữ liệu được NBS công bố ngày 15/3.
Thanh niên thất nghiệp đang gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi đạt 18,1% trong hai tháng đầu năm nay, so với 16,7% trong tháng 12. Tỷ lệ thất nghiệp chung cũng tăng lên 5,6%.
Theo Công ty dữ liệu BigOne Lab có trụ sở tại Bắc Kinh, tổng số việc làm được đăng tuyển trên các nền tảng tuyển dụng lớn ở Trung Quốc trong hai tháng đầu năm giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ thế, lĩnh vực bất động sản vẫn sa lầy trong sự sụt giảm sâu.
Đầu tư bất động sản đã giảm 5,7% trong hai tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã cải thiện so với mức giảm 12,2% trong tháng 12/2022, tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn giảm 3,6% trong hai tháng đầu năm 2023.
Ngoài ra, xuất khẩu – động lực chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đã chậm lại đáng kể. Nhu cầu từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ đang giảm khi các nền kinh tế lớn đối mặt với lạm phát gia tăng và tăng trưởng trì trệ.
Tại phiên họp vừa kết thúc của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra một kế hoạch tăng trưởng thận trọng cho năm nay, với mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% và tạo thêm 12 triệu việc làm.
Nhưng tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thừa nhận, đó là “nhiệm vụ không dễ dàng”.
Chuyên gia kinh tế trưởng Alicia Garcia-Herrero khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis cũng nhận thấy, mục tiêu tạo 12 triệu việc làm trong năm nay là khá tham vọng. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ là một chỉ số quan trọng để đo lường sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay.
Bà Alicia Garcia-Herrero nói: “Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi hơn nữa trong vài tháng tới”.
Tiềm năng còn lâu mới cạn kiệt, kinh tế Trung Quốc bắt kịp Mỹ – xu thế không thể đảo ngược? Kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 5% trong năm 2023 – tại sao lại đặt mục tiêu thấp nhất trong hàng chục năm … |
Không chỉ Nga và Trung Quốc, ‘những người bạn thân’ của Mỹ cũng đang rời xa USD Đồng USD đã thống trị thế giới tài chính trong gần 8 thập niên. Hiện tại, một loạt các quốc gia đang rời xa USD … |
Kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ vẫn không đủ ‘phương thuốc’ cho toàn cầu Giữa ma trận khó khăn của nền kinh tế thế giới, người ta đã từng kỳ vọng lớn vào sự phục hồi của Trung Quốc, … |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các doanh nghiệp “quẳng gánh lo đi, trút bỏ gánh nặng, mạnh dạn phát triển” trong … |
Cỗ máy kinh tế đang bị tổn thương, Trung Quốc vẫn tự tin với vị thế ‘công xưởng thế giới’ Trung Quốc có thể mất một thời gian nữa để vận hành lại cỗ máy kinh tế đang bị tổn thương, nhưng quốc gia này … |