Hiện nay, một bộ phận nhỏ người dân Việt Nam, chủ yếu là ở vùng núi, dân tộc thiểu số chưa biết chữ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thụ hưởng quyền con người.
Đẩy mạnh xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học luôn là nhiệm vụ then chốt được Việt Nam quan tâm, thúc đẩy nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Học viên hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 được xét vào học tiếp chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở. (Nguồn: VGP) |
Những tác động đến quyền con người
Biết chữ là một trong những nền tảng của giáo dục và kỹ năng đọc viết đóng vai trò quan trọng đối với việc hưởng thụ một loạt quyền con người và chất lượng cuộc sống. Biết chữ là nền tảng cho nền giáo dục chất lượng, tạo ra các cơ hội trong cuộc sống tương lai, cho phép các cá nhân tiếp cận thông tin dưới dạng viết và do đó đưa ra quyết định sáng suốt hơn về cuộc sống của họ.
Biết chữ là một trong những mục tiêu của Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG 4), để bảo đảm giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng, đồng thời thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Việc không biết chữ làm thu hẹp khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Họ không thể chủ động tìm kiếm, bổ sung thông tin mình muốn, chỉ có thể thông qua người khác và phụ thuộc vào hệ thống truyền thông; khó mở rộng tìm kiếm thông tin qua phương thức đọc, Internet, mạng xã hội…, thậm chí khó phân định thông tin chính thống, tin sai sự thật.
Biết đọc, biết viết mở ra khả năng tiếp cận với giáo dục, là điều kiện tiên quyết cho việc học tập mở rộng kiến thức, kỹ năng, thái độ và những giá trị cần thiết khác nhằm góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững. Không biết chữ làm giảm các cơ hội bình đẳng, là lực cản đối với quá trình phát triển và hội nhập của đất nước. Nguy hại hơn, những người mù chữ, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi dễ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo, mua bán người… do hạn chế về kiến thức, kỹ năng…
Trong thời kỳ của hội nhập và khoa học, kỹ thuật hiện nay đòi hỏi người lao động phải có hiểu biết, chuyên môn, kỹ năng; biết đọc, biết chỉ là yêu cầu ban đầu. Hầu hết những người không biết chữ chỉ có thể tham gia ở các lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản hay những công việc chân tay.
Không biết chữ còn khiến người dân không tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật mới, dẫn đến năng suất lao động, thu nhập không cao, nguy cơ đói nghèo luôn tiềm ẩn; quyền kinh tế (quyền tham gia vào nền kinh tế thị trường, quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động…) của người dân cũng vì thế mà bị thu hẹp.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người vùng dân tộc và miền núi năm 2019, trong số những người nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số đang chiếm khoảng 90%; trong 21% mù chữ, phụ nữ dân tộc thiểu số cũng chiếm tới 95%.
Hầu hết người không biết chữ sẽ không am hiểu về lĩnh vực chính trị, pháp luật; khó có thể hiểu biết sâu sắc, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Nhận thức về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, đất nước cũng vì thế mà hạn chế; họ không biết mình được làm gì, không được làm gì để thực hiện cho đúng, đầy đủ, thậm chí không thực hiện hoặc thực hiện sai. Người mù chữ gần như không thể tham gia vào quyền ứng cử. Nhiều khi do nhận thức hạn chế, họ cũng không thực hiện quyền bầu cử của mình, nhờ người khác thực hiện hộ…
Một lớp học tại làng Mơ Nú, xã Chư Á, thành phốPleiku, tỉnh Gia Lai có đông học viên lớn tuổi. (Nguồn: Báo Gia Lai) |
Hành trình không ngừng mở rộng
Xoá mù chữ, phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mở chiến dịch chống nạn mù chữ đến nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phổ cập giáo dục, xóa mù chữ: Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông… và các chính sách xóa mù chữ cho các đối tượng cụ thể như người dân tộc thiểu số, người khiếm thị, thanh thiếu niên, phụ nữ, người cao tuổi…
Trên cơ sở đó, nhiều lớp học xóa mù chữ được thành lập trên khắp cả nước. Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023, cả nước đã huy động được hơn 79.000 người học xóa mù chữ; các tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được gần 54.000 người.
Trong đó có hơn 33.000 người theo học lớp mức độ 1 với 86,2% học viên là người dân tộc thiểu số; hơn 21.600 người theo học lớp mức độ 2 với 74,9% học viên là người dân tộc thiểu số; nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực vận động người dân ra các lớp xóa mù chữ như: Hà Giang (5.897 học viên), Lai Châu (5.176 học viên), Lào Cai (2.325 học viên), Yên Bái (2.088 học viên), Sơn La (2.303 học viên), Lạng Sơn (1.269 học viên), TP. Hồ Chí Minh (1.547 học viên), Điện Biên (1.416 học viên), Thừa Thiên – Huế (1.176 học viên)….
Công tác xóa mù chữ không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục. Nhiều năm qua, các bộ, ban, ngành khác đã tổng lực tham gia vào cuộc chiến chống mù chữ như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… Các chương trình phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội, Hội Liên hiệp phụ nữ… được ký kết nhằm tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho các phạm nhân tại trại giam, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi…
Những chiến sĩ công an, bộ đội, bác sĩ… đều trở thành những người thầy giáo dạy chữ, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng núi, trong các trại tạm giam, trại giam…
Tính đến tháng 12/2023, Bộ đội biên phòng đã duy trì hơn 30 lớp học xóa mù chữ và lớp học tình thương, với trên 700 học viên là đồng bào dân tộc tại các khu vực biên giới và biển đảo; vận động hơn 6.000 học sinh bỏ học quay lại trường; nhiều đơn vị Bộ đội biên phòng như Nghệ An, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Long An, Bình Phước, Cà Mau… đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động nâng cao khả năng tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp 1 như các trò chơi, tham quan di tích lịch sử và các tiết học tại vùng biên.
Lớp học tình thương ở đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) do Thiếu tá Trần Bình Phục – Đội phó Đội công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối đứng lớp. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chính nhờ vậy, tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,85% và 97,29%. Đến nay, tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 lần lượt là gần 99% và hơn 97%. Tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 48/63 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (76,19%), trong đó có 4 tỉnh nâng chuẩn xóa mù chữ từ mức độ 1 lên mức độ 2 so với năm học trước là Phú Yên, Kiên Giang, Sóc Trăng và Quảng Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xóa mù chữ cho người dân con gặp không ít khó khăn, thách thức. Người mù chữ tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện còn 19,1% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt (tương đương với khoảng 1,89 triệu người).
Người dân mù chữ chủ yếu ở độ tuổi lao động, là lao động chính trong gia đình, người dân tộc thiểu số mù chữ sống phân bố rải rác tại các xã, bản làng vùng sâu, vùng xa, kinh tế cơ bản còn khó khăn. Nhận thức về tầm quan trọng của việc biết chữ chưa đầy đủ, còn tâm lý mặc cảm, ngại học nên việc huy động họ ra lớp học xóa mù chữ và duy trì sĩ số còn gặp khó khăn, có trường hợp bỏ dở giữa chừng.
Thời gian học xóa mù chữ còn phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết và một số phong tục, tập quán của người dân; điều kiện giao thông đi lại, cơ sở vật chất còn khó khăn. Vẫn còn tình trạng tái mù chữ. Việc điều tra, rà soát số người mù chữ, người tái mù chữ hằng năm tại một số địa phương chưa thực sự chính xác. Hệ thống trường lớp chưa được xây dựng kiên cố, chủ yếu tổ chức tại các điểm trường tiểu học, nhà văn hóa thôn, bản; chế độ, chính sách cho người dạy và tham gia xóa mù chữ còn nhiều bất cập…
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2. (Nguồn: Bộ GD&ĐT) |
Những giải pháp cần thiết
Công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy để duy trì thành tựu xóa mù chữ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập trên, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về sự cần thiết phải xóa mù chữ. Xác định biết chữ là điều kiện cần và là “cánh cửa” đầu tiên để tham gia vào mọi hoạt động của cuộc sống, xã hội cũng như bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân; là điều kiện để phát triển toàn diện con người.
Cần đẩy mạnh thông tin thông tin, tuyên truyền về công tác xóa mù chữ cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc), thông qua hệ thống truyền thông đại chúng (phát thanh, truyền hình) và địa phương (truyền thanh của thôn, bản, xã…)
Hai là, phát huy vai trò “đầu tàu” của ngành giáo dục trong xóa mù chữ; tiếp tục phát huy, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang… trong công cuộc xóa mù chữ. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị; tổ chức tập huấn về dạy học chương trình xóa mù chữ không chỉ cho giáo viên các trường học mà còn hướng đến cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các ban, ngành khác.
Ba là, gắn công tác xóa mù chữ vào các phong trào thi đua của các địa phương. Lấy kết quả công tác xóa mù chữ là một tiêu chí để đánh giá, công nhận gia đình học tập, dòng họ học tập… “cộng đồng học tập” cấp xã và địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Đề cao vai trò của những người có uy tín trong dòng họ, tôn giáo trong việc vận động, duy trì các lớp xóa mù chữ.
Bốn là, tổ chức lớp học phù hợp. Việc tổ chức lớp học, biên soạn tài liệu giảng dạy phải dựa trên cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo và căn cứ, phù hợp với với phong tục, tập quán của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; lớp học được bố trí thuận tiện cho việc đi lại, cần được đặt tại thôn, bản ở vùng sâu, xa, nơi mà giao thông khó khăn. Thực hiện phương châm xã hội học tập, huy động người dân biết chữ hỗ trợ cho người chưa biết chữ.
Năm là, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước cần huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác xóa mù chữ, nhất là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, mạnh thường quân để xây dựng các điểm trường kiên cố, bảo đảm các phòng học có đẩy đủ các trang thiết bị dạy học thiết yếu. Quan tâm, có chính sách đãi ngộ hợp lý cho người dạy học.
Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023, cả nước đã huy động được hơn 79.000 người ra học xóa mù chữ; các tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được gần 54.000 người. Trong đó có hơn 33.000 người theo học lớp mức độ 1 với 86,2% học viên là người dân tộc thiểu số; hơn 21.600 người theo học lớp mức độ 2 với 74,9% học viên là người dân tộc thiểu số. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/xoa-mu-chu-la-nhiem-vu-chinh-tri-quan-trong-dam-bao-phat-trien-toan-dien-con-nguoi-293876.html