(NADS) – Chiều ngày 18/11, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Hội thảo “50 năm nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cùng đất nước”.
Chủ trì Hội thảo gồm các đại biểu NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; NSNA – Nhà báo Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội, Trưởng Ban Lý luận phê bình nhiếp ảnh và NSNA Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật.
Tham dự buổi lễ có: PGS.TS – nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Nguyên UV TWĐ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương; NSND – họa sĩ Vương Duy Biên Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSNA Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển Lãm, Bộ VHTTDL; ông Đinh Văn Thuần, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.
Về phía Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, có NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; NSNA – Nhà báo Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội, Trưởng Ban Lý luận phê bình nhiếp ảnh; NSNA Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật.
Sau ngày đất nước thống nhất, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh ghi lại những hình ảnh chân thực, sinh động tố cáo quân xâm lược biên giới ở phía Nam, phía Bắc, hình ảnh về sự giúp đỡ tận tình của nhân dân Việt Nam với các nước bạn bè và ngược lại hình ảnh bạn bè các nước trên thể giới giúp đỡ đầu tư vào sự phát triển của Việt Nam. Nhiều hình ảnh vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng đã được giới thiệu với nhân dân thế giới, được lưu giữ thành tư liệu lịch sử. phản ảnh các dấu mốc quan trọng của lịch sử phát triển đất nước Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ.
Nửa thế kỷ vừa qua cũng là thời kỳ quan trọng ghi nhận đội ngũ các nhà nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ 71 hội viên tham dự Đại hội NSNA lần thứ nhất năm 1965, đến nay Hội NSNAVN đã có 1.075 hội viên. Với tinh thần lớp trước bồi dưỡng kèm cặp lớp sau, lớp sau kính trọng và học hỏi lớp trước, mở rộng các hình thức hoạt động, Hội viên Hội NSNAVN đã đang hoạt động sáng tạo ở tất cả các tỉnh thành, các chi hội trong cả nước, đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc phát triển văn hóa đa dân tộc, phong phú trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhiếp ảnh đang thật sự trở thành hoạt động phát triển văn hóa không thể thiếu trong đời sống hoạt động nghệ thuật, đời sống văn hóa tinh thần của con người không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới
Hội NSNAVN, Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam, mãi ghi nhớ lời dặn, nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước đã giao cho trong Sắc lệnh số 147/SL ngày 15/3/1953: “Nhiếp ảnh phải vì dân, vì nước, phải phản ánh cuộc sống chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, phải mở rộng giao lưu quốc tế”…
Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung ương, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc HNSNA VN lần thứ IX, Ban Chấp hành Hội NSNAVN quyết định tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nhiếp ảnh Việt Nam – 50 năm phát triển cùng đất nước” nhằm khẳng định những thành tựu cơ bản của Hội với tư cách là Hội Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp. Cũng qua cuộc hội thảo này để tiếp thu những đóng góp trí tuệ của tập thể, của các nhà khoa học của hội viên tâm huyết, đồng thời nhận ra những điều chưa làm được, cần phải tiếp tục đổi mới để Nhiếp ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trước những yêu cầu đổi mới của đất nước.
Hội thảo cũng tập trung đánh giá sâu sắc, toàn diện nền nhiếp ảnh Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhât; khẳng định thành tựu, chỉ rõ hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ giải pháp phát triển Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thông qua các hoạt động hội thảo tổng kết 50 năm, khẳng định vai trò, những đóng góp quan trọng của nhiếp ảnh, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật; đồng thời tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn học, nghệ thuật, từ đó xác định rõ trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân trong giai đoạn mới.
Cổ vũ, động viên, phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo các tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao, góp phần bồi đắp, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hội thảo đã nhận được 27 bài tham luận của 26 tác giả, trong đó 25 tác giả là hội viên của hội và một tác giả ở ngoài hội là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành nghệ thuật thị giác. Các bài viết có nội dung tốt, có sự đầu tư công phu, trí tuệ, tâm huyết với nhiếp ảnh, có sự nghiên cửu, tìm tòi khai thác tư liệu một cách bài bản, nhiều tác giả là những nhân chứng lịch sử sống, đã kinh qua nhiều vị trí công tác ở Hội và đang giữ các vị trí chủ chốt của Hội. Nhiều bài viết có chất lượng với nhiều tư liệu thông tin mới làm sâu sắc thêm giá trị và tầm quan trọng của nhiếp ảnh trong chặng đường 50 năm qua
Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện và sâu sắc những thành tựu nổi bật của Nhiếp ảnh Việt Nam qua chặng đường nửa thế kỷ, cùng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển, thực hiện mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam:
Những vấn đề cần được nhấn mạnh, quan tâm hiện nay như: cơ chế, chính sách cụ thể về nhiếp ảnh, đào tạo nhân lực, nhất là tài năng trẻ, việc xây dựng công nghiệp nhiếp ảnh, sự kết hợp giữa nhiếp ảnh và các ngành kinh tế khác như du lịch, công tác lý luận phê bình, việc chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ số để quảng bá, thương mai tác phẩm ảnh nghệ thuật…
Đề xuất giải pháp hữu ích xây dựng và phát triển nhiếp ảnh Việt Nam thời gian tới để nhiếp ảnh cần tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác quản lý nhà nước cũng như công tác hội, phát huy tiềm năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên, vai trò phản biện xã hội của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam với các cơ quan quản lý Nhà nước để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhiếp ảnh, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, phát triển nền công nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Một số hình ảnh tại hội thảo
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/hoi-thao-50-nam-nhiep-anh-viet-nam-phat-trien-cung-dat-nuoc-15521.html