Thanh Hóa bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng thời kỳ hội nhập, phát triển.
Trẻ khuyết tật cùng hòa nhập
Đến thăm Trường mầm non Tân Phong 2 ở thị trấn huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa tôi bắt gặp cháu Ngô Tiến Xuân Bách đang học tập tại lớp Hoa Hồng 2 cùng các bạn 5-6 tuổi. Bách bị khuyết tật vận động, còi, suy dinh dưỡng nên các cô giáo đặc biệt quan tâm, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của Bách, áp dụng phương pháp “chơi mà học, học bằng chơi”, tạo môi trường thân thiện, cởi mở cho học sinh kém may mắn học tập, hội nhập với các bạn cùng trang lứa.
Cô giáo chăm sóc trẻ thấp, còi. |
Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Phong 2 Nguyễn Thị Nhung trao đổi: Lấy trẻ làm trung tâm, tạo môi trường sư phạm công bằng, yêu thương và khuyến khích sáng tạo, năm học vừa qua tập thể nhà trường được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, trẻ cuối độ tuổi được đánh giá đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ 98,9%.
Tại Trường tiểu học Tân Phong 1 có 18 học sinh khuyết tật theo học hòa nhập tại các lớp, nhưng chỉ 10 học sinh có hồ sơ. Cùng với bảo đảm chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh theo quy định hiện hành, Ban Giám hiệu phân công nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên và các cô giáo luôn tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu, dành cho học sinh khuyết tật, kém may mắn sự quan tâm sâu sắc, tạo cơ hội cho học sinh vươn lên trong học tập, rèn luyện.
Giáo viên chỉ bảo, hướng dẫn học sinh kém may mắn. |
Với Phạm Phú Hưng đang theo học lớp 1C, cô giáo Phạm Thị Phương bố trí học sinh kém may mắn ngồi dãy bàn đầu gần bục giảng, thường chăm sóc, hướng dẫn, tương tác với học sinh nên Hưng đọc tốt, dần cải thiện khả năng ghi nhớ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài chủ nhiệm lớp 2E còn phân công nhóm bạn học tập, vui chơi cùng, giúp Trần Nguyên Lâm hòa nhập trong tập thể lớp; phối hợp với gia đình can thiệp, hướng dẫn, giáo dục con trẻ. Theo đó, các học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ đã hợp tác, bảo đảm trật tự trong giờ lên lớp, lắng nghe cô giáo giảng, tiếp thu được kiến thức, cải thiện khiếm khuyết khó phát âm tròn vành, rõ chữ. Phụ huynh tin tưởng, kỳ vọng kết quả giáo dục, phối hợp cùng nhà trường quản lý, giáo dục hòa nhập.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương Viên Đình Huy cho biết: Các cơ sở giáo dục huy động triệt để trẻ em trong độ tuổi đi học đến lớp, đến trường, bảo đảm quyền học tập của trẻ em kém may mắn. Huyện đã phê duyệt danh sách, chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập.
Năm học 2023-2024 có 60 giáo viên mầm non, 252 giáo viên tiểu học, 442 giáo viên trung học cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên đã được thanh toán phụ cấp ưu đãi theo tổng số tiết giảng dạy học sinh khuyết tật.
Thực hiện Luật Người khuyết tật, Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trong tỉnh Thanh Hóa phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động trẻ khuyết tật tham gia học tập tại trường đúng quy định.
Năm học vừa qua, Thanh Hóa có 3.043 học sinh khuyết tật được theo học hòa nhập và tỉnh bảo đảm các chính sách đối với học sinh khuyết tật, giáo viên dạy hòa nhập học sinh khuyết tật theo quy định hiện hành.
Bảo đảm quyền học tập của mọi người.
Tại vùng thượng du Thanh Hóa, trẻ em các dân tộc thiểu số đến trường đạt tỷ lệ gần 73% và hơn 3.600 giáo viên tăng cường dạy tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non các dân tộc thiểu số.
Học sinh các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa. |
Theo báo cáo, các cơ sở giáo dục mầm non kiểm tra sức khỏe cho 100% trẻ đến trường, đẩy mạnh giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, luyện tập, dần hình thành thói quen tự phục vụ, giữ gìn sức khỏe.
Trẻ em được chăm sóc, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi, hạn chế tình trạng trẻ thừa cân, béo phì; theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của tổ chức y tế thế giới.
Các trường học chủ động thực thi giải pháp hỗ trợ, nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ em ở vùng khó, giúp trẻ hình thành nhiều kỹ năng, thói quen ăn uống khoa học, bảo vệ sức khỏe.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động áp dụng các hình thức, phương pháp giảng dạy, đánh giá phù hợp với học sinh học hòa nhập; lựa chọn, bổ sung những nội dung, phương pháp, mô hình giáo dục phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Chương trình giáo dục mầm non và khả năng, nhu cầu của trẻ.
Các cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của trẻ và gia đình trẻ, phù hợp với điều kiện của địa phương. Theo đó, có 286 trường mầm non với 41.914 trẻ mẫu giáo được làm quen tiếng Anh.
Đoàn thanh niên cùng Bộ đội Biên phòng trao tặng xe đạp cho học sinh miền núi đến trường học tập. |
Thanh Hóa duy trì chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi theo học tại địa bàn, nhất là bảo đảm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật được học tập, hoàn thành chương trình học tập.
Kết quả, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 100%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào trung học cơ sở đạt 99 %. Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục triển khai dạy học chương trình tiếng Anh 10 năm đối với các cấp học; khuyến khích các nhà trường thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học tiếng Anh nhằm tăng thời lượng học tiếng Anh, tạo các sân chơi, giao lưu tiếng Anh, khuyến khích đọc sách, truyện tiếng Anh.
Thanh Hóa có gần 700 nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Thổ, Mường, Dao, H’Mông, Khơ Mú sinh sống, cư trú chủ yếu ở 11 huyện miền núi. Tỉnh quan tâm phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú ở miền núi nên học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn, nâng cao chất lượng, phổ cập giáo dục.
Các cơ sở giáo dục thực thi đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, kiến thức địa phương, hoạt động văn nghệ, thể thao, thắt chặt truyền thống đoàn kết, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giáo dục toàn diện cho học sinh.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú huy động tối đa học sinh trung học sở sở trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, học sinh lưu ban. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần quan trọng vào việc củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã Trung Lý, huyện Mường Lát khen thưởng các cá nhân ở bản Tà Cóm hoàn thành chương trình xóa mù chữ. |
Qua khảo sát, trên địa bàn 11 huyện vùng thượng du Thanh Hóa còn 12.430 người từ 15 tuổi đến 60 tuổi mù chữ mức độ 2. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình xóa mù chữ gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 học viên học các môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, tổng 1.005 tiết; Giai đoạn 2 học viên học các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, tổng 949 tiết. Bộ đội Biên phòng đóng quân tại các huyện vùng cao, biên giới tiếp tục tham gia giảng dạy, xóa mù chữ cho người dân khu vực này.
Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Nghị quyết số 16/QĐ-HĐND quy định nội dung, mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người.
Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp Trung ương cấp thực hiện Tiểu dự án 1, dự án 5, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.
Nguồn: https://nhandan.vn/thanh-hoa-bao-dam-quyen-loi-co-hoi-hoc-tap-cho-moi-nguoi-post844648.html