Thành công của FPT trong việc chinh phục các thị trường công nghệ lớn trên thế giới tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… với những hợp đồng trị giá triệu USD đã khơi dậy tinh thần “vươn khơi” của nhiều doanh nghiệp công nghệ khác, tiếp sức cho họ trong hành trình kiến tạo và xây dựng sản phẩm công nghệ thông tin “make in Vietnam” cạnh tranh cùng doanh nghiệp nước ngoài.
Nhiều kinh nghiệm trên bước đường chinh phục thế giới đã được các CEO công nghệ chia sẻ.
Giống như FPT, MISA là một doanh nghiệp công nghệ Việt ra đời sau thời kỳ đổi mới và được biết đến như một công ty cung cấp phần mềm về tài chính kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phổ biến nhất. Sau hơn 20 năm “định vị” mình với sản phẩm phần mềm phục vụ thị trường trong nước, MISA mới có “bước rẽ muộn” sang cung cấp sản phẩm ra thị trường nước ngoài (go global) với mong muốn lớn mạnh gấp nhiều lần.
Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần MISA cho biết, việc đưa phần mềm kế toán ra nước ngoài không dễ dàng, bởi vì luật pháp về tài chính, kế toán của mỗi quốc gia lại có sự khác biệt. Vì thế, MISA thiết kế một phần mềm khác, là sản phẩm chiến lược được “đo ni đóng giày” cho thị trường nước ngoài.
Năm 2017, MISA công bố bước ra thị trường quốc tế với sản phẩm Phần mềm quản lý nhà hàng CukCuk. Đây là phần mềm quản lý nhà hàng toàn diện, đáp ứng mọi nghiệp vụ từ cơ bản đến chuyên sâu của tất cả các mô hình dịch vụ ẩm thực nhà hàng (F&B) như đặt chỗ, gọi món, thanh toán, xuất hóa đơn, tổng hợp báo cáo theo thời gian thực…
“Đầu tiên chúng tôi nghĩ rất đơn giản là mình làm được sản phẩm tốt, thế giới giờ cũng phẳng rồi, có thể dễ dàng quảng bá, bán sản phẩm đến các quốc gia khác nhau. Nhưng khi bước vào làm thực tế thì điều này không dễ dàng”, ông Lữ Thành Long bày tỏ.
Các nhà hàng đều e ngại chuyện nếu dùng hệ thống quản lý của những nhà cung cấp không có đối tác tại địa phương thì khi có trục trặc sẽ mất nhiều thời gian bị gián đoạn hoạt động.
“Sau khi nghiêm túc đánh giá lại thực tiễn, chúng tôi thay đổi chiến lược: Tìm đối tác để phân phối sản phẩm tại mỗi quốc gia. Lúc đấy mới dần có thành công bước đầu”, ông Long nói.
Ông Lữ Thành Long so sánh, với thị trường nội địa, mình ở đây, trực tiếp tiếp xúc được với khách hàng, hiểu được văn hóa, con người ở đây. Thương hiệu của mình đã khá thân thuộc với người sử dụng. Vì thế thuận lợi hơn so với thị trường quốc tế rất nhiều.
Bước chân ra nước ngoài thì cái khó nhất là mỗi thị trường có những văn hóa bản địa khác nhau. Nếu mình không nắm được sự khác biệt về văn hóa, luật pháp thì sẽ rất khó phát triển sản phẩm, thị phần.
Thị trường châu Âu đang là thị trường phát triển mạnh mẽ nhất của MISA. Đặc biệt, CukCuk đã có mặt nhiều ở nhiều chuỗi nhà hàng uy tín tại Đức. Ngoài ra, MISA sẽ mở rộng thêm ở thị trường Australia trong năm nay.
Khó tính nhất có lẽ là thị trường Mỹ. Khách hàng Mỹ sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, phần mềm, nhưng thị trường Mỹ cũng là “sân chơi” cạnh tranh rất khốc liệt. MISA đã có nhiều khách hàng Mỹ, và đang bắt đầu tiến hành xây dựng mạng lưới đối tác triển khai toàn diện tại thị trường này.
Một thị trường khó vào khác nữa là Philippines. Muốn vào thị trường này thì phải có license (giấy phép) thì mới bán được sản phẩm cho nhà hàng.
Ở châu Phi, MISA cũng có khá nhiều khách hàng lẻ, nhưng chưa tìm được đối tác đủ mạnh để có thể triển khai rộng rãi.
Sau gần 7 năm tiến ra thị trường quốc tế, MISA CukCuk đã có mặt tại hơn 22 quốc gia trên thế giới và đạt doanh thu gần 2 triệu USD.
“Tinh thần “chiến binh”, một nét văn hóa đặc trưng của MISA, là yếu tố then chốt giúp hiện thực hóa khát vọng ghi danh MISA như một thương hiệu Việt uy tín về cung cấp sản phẩm phần mềm trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới”, CEO MISA bày tỏ quyết tâm.
Sau CukCuk, ông Long cho biết MISA sẽ còn phát triển nhiều sản phẩm khác có thể bước chân ra thị trường thế giới, thí dụ như những sản phẩm phục vụ các tiệm nail, shop tạp hóa, cửa hàng thời trang…
Ông Long kỳ vọng, sắp tới, CukCuk sẽ đem lại doanh số 50 triệu USD. Tương đương với doanh số đó sẽ là sự gia tăng số lượng khách hàng sử dụng phần mềm này trên thị trường quốc tế. Điều đó đồng nghĩa sản phẩm, dịch vụ của MISA, của Việt Nam, dưới tư cách sản phẩm thương mại, đã bắt đầu có tên trên bản đồ công nghệ thông tin của thế giới.
Nhờ kinh nghiệm từ những doanh nghiệp đi trước, nhiều doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” đã sớm hái quả ngọt khi đặt mục tiêu đi ra thế giới (go global) ngay từ đầu. Sau 5 năm phát triển DrAid™, VinBrain đã trở thành một “ông lớn” trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính trên thế giới, giúp sàng lọc ung thư với độ chính xác cao lên tới 95%.
Lựa chọn chinh phục thị trường Mỹ, để làm tấm giấy thông hành đi khắp các nước khác trên thế giới là một chiến lược hoàn hảo của VinBrain. Trước khi bắt tay vào xây dựng sản phẩm, ông Trương Quốc Hùng, nhà sáng lập kiêm CEO VinBrain đã đặt ra mục tiêu lớn, xây dựng một sản phẩm AI “make in Vietnam” chuẩn quốc tế, xuất khẩu ra thế giới. Bởi vậy, DrAidTM là một sản phẩm số nền tảng toàn diện đáp ứng nhiều tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Hùng kể lại, con đường chinh phục các thị trường quốc tế hoàn toàn không dễ dàng. Nhưng, VinBrain đã chiếm lĩnh được một vài thị trường lớn, trọng điểm và hiện tại đang tăng tốc. Thành quả này là nhờ VinBrain đã có lập trường và chiến lược tập trung.
Đầu tiên, VinBrain chọn việc phát hiện sớm bệnh lý ung thư, đặc biệt ung thư gan làm trọng tâm của sản phẩm AI, với việc xây dựng những tính năng phát hiện được khối u và ung thư ở kích thước rất nhỏ từ 5mm từ ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT).
Để “dọn đường” cho mục tiêu bán sản phẩm ra thị trường Mỹ, phải có chứng nhận của FDA. VinBrain đã làm được điều này từ sớm. VinBrain nhận được chứng nhận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ sau 3 năm kể từ công ty thành lập, được xem là cực kỳ sớm, trong khi đối thủ ở Hàn Quốc cần tới 7 năm.
Năm 2022, VinBrain là đơn vị đầu tiên Đông Nam Á và Việt Nam được cấp chứng nhận FDA với sản phẩm DrAid™ X-quang ngực – chẩn đoán Tràn khí màng phổi. Sản phẩm này cũng đạt chứng nhận ISO về chất lượng. VinBrain cũng đã ký kết với Microsoft, NVIDIA, và Stanford. “Có “kiềng 3 chân” vững chắc này rồi thì nền tảng ứng dụng sẽ đi rất xa”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Trương Quốc Hùng cho hay, hiện VinBrain cũng đã nộp hồ sơ, thực hiện xin cấp chứng nhận FDA thứ 2 cho sản phẩm DrAid™ CT Ung thư gan, hy vọng sẽ có tin vui vào quý 3 năm 2024.
VinBrain đã có chương trình marketing toàn cầu để lan tỏa sản phẩm. Ông Hùng đề ra chiến lược: “Một khi sản phẩm AI của Việt Nam được sự đón nhận của thị trường Mỹ thì việc vào các thị trường khác sẽ thuận lợi hơn. Mũi nhọn của chúng tôi là bao phủ cả thị trường Đông Nam Á gần 1 tỷ người và sau đó mở rộng thêm nữa”.
DrAid™ hiện đang được sử dụng tại hơn 182 bệnh viện trong nước và quốc tế. Tính đến nay, DrAid™ sở hữu nền tảng AI-bộ dữ liệu lớn nhất Việt Nam với 4,26 triệu dữ liệu y tế đa dạng từ các nước châu Á, Âu và Mỹ. “Chúng tôi đã đạt doanh thu 3 triệu USD khi đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Hùng tự hào chia sẻ.
VinBrain đã ký kết hợp tác với nhiều chuỗi bệnh viện, tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Thái Lan và Malaysia. Nổi bật, có thể kể đến Hợp đồng hợp tác triển khai (MOA) với Samitivej Hospitals – Chuỗi bệnh viện lớn tại Thái Lan; ký kết hợp tác với một tập đoàn lớn tại Malaysia để thâm nhập và triển khai phân phối DrAid tại hệ thống y tế tại nước bạn. Một số các đối tác tại Singapore cũng đã tìm hiểu và làm việc chi tiết với VinBrain về lộ trình.
Có VinGroup hậu thuẫn, CEO là ông Trương Quốc Hùng, người đã có 12 năm làm việc tại Microsoft, đảm nhiệm đến chức vụ Giám đốc Kỹ thuật và ươm tạo AI, VinBrain như “hổ mọc thêm cánh” trên hành trình mang sản phẩm công nghệ số Việt Nam ra thế giới, ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong ứng dụng AI vào y tế vốn vẫn còn đang bỏ ngỏ vị trí người dẫn đầu.
Cũng với tư duy tấn công vào thị trường Mỹ để làm bệ phóng cho doanh nghiệp, VMO Holdings đã thực sự gây được tiếng vang lớn trong ngành phần mềm Việt với sự tăng trưởng thần tốc. Từ 3 nhà sáng lập và vài chục thành viên ban đầu, sau 12 năm, VMO đạt 1.200 thành viên.
Bà Nguyễn Khánh Diệp, Phó Tổng giám đốc VMO Holdings cho biết, để tạo ra sự khác biệt khi mình là công ty còn non trẻ, VMO quyết định khởi nghiệp với các hợp đồng từ Mỹ. “Thời điểm này, hầu hết các công ty outsourcing Việt Nam chủ yếu làm với khách hàng Nhật Bản”, bà Diệp phân tích.
12 năm qua, VMO đã triển khai các tác vụ, dịch vụ trong việc chuyển đổi số tới nhiều đối tác lớn trên toàn cầu, giải quyết nhiều và đa dạng các bài toán khó cho khách hàng. Trong đó một số lĩnh vực mà đơn vị triển khai tiêu biểu bao gồm Oil&Gas, Healthcare, Logistic….
Sau thị trường Mỹ, VMO Holdings đã nhìn ra được cơ hội để phát triển tại thị trường Nhật Bản và thành lập VMO Japan vào năm 2019. Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, tưởng chừng có lúc phải tạm dừng đầu tư, VMO đã có một chiến lược kinh doanh mới. VMO Japan đã thành công trong việc thuyết phục nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của VMO và đưa việc về Việt Nam. VMO chọn lọc ra đối tượng khách hàng mục tiêu và đề xuất các giải pháp phù hợp cho họ và nhanh chóng đạt được những kết quả không ngờ. Từ đó, VMO Japan đã tăng từ một vài nhân sự lên 300 nhân sự chỉ trong hơn 2 năm đại dịch hoành hành.
“Hiện tại, VMO Global có 2 thị trường cốt lõi là châu Mỹ và châu Á. Chúng tôi bắt đầu từ thị trường Mỹ và đang khẳng định được mình ở đây. Trước đây, người ta có thể chỉ biết tới các công ty outsourcing của Ấn Độ nhưng bây giờ, vị thế của các công ty phần mềm Việt đang dần được cải thiện trên bản đồ công nghệ toàn cầu”, bà Diệp cho biết.
Doanh thu của VMO Japan tăng trưởng trung bình 250% mỗi năm. 80% doanh thu của VMO Japan đến từ các khách hàng tập đoàn công nghệ, tư vấn lớn của Nhật. VMO có dự án về tư vấn cho những tập đoàn viễn thông rất lớn với đơn giá rất cao, tương đương với các công ty tư vấn của Nhật Bản.
Hơn 14 năm chinh phục thị trường Nhật Bản, NTQ Solution, một doanh nghiệp về phần mềm và tư vấn công nghệ thông tin, đã và đang khẳng định vị thế công ty công nghệ uy tín về sản xuất phần mềm và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, là đối tác tin cậy của nhiều công ty, tập đoàn lớn tại Nhật Bản và quốc tế.
NTQ Solution được thành lập vào năm 2011 chỉ với 5 thành viên – tất cả đều là các chuyên gia, quản lý có kinh nghiệm làm tại các tập đoàn IT lớn tại Việt Nam và ở nước ngoài. Ông Phạm Thái Sơn, CEO của NTQ Solution cho hay, NTQ được thành lập với quyết tâm rằng, bằng niềm tin và khối óc của người Việt có thể làm những sản phẩm, dịch vụ công nghệ “Make in Vietnam” được đón nhận và tin dùng trên thế giới.
Kỳ vọng lớn lao khi ấy của NTQ là bằng mọi cách phải đưa thương hiệu vươn tới những thị trường quốc tế, học hỏi những công nghệ hiện đại tân tiến nhất trên thế giới, từ đó tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế, và hơn hết là nâng tầm người Việt trên bản đồ số thế giới. Nhật Bản được lựa chọn là một trong những quốc gia đầu tiên mà NTQ Solution hướng đến cho chiến lược này. NTQ Solution tập trung vào mảng dịch vụ phát triển phần mềm là lĩnh vực dịch vụ chủ lực để phát triển nền tảng cho NTQ.
“Ngay sau khi có được những định hướng ban đầu, chúng tôi ngay lập tức tiến hành các bước tìm hiểu thị trường, sẵn sàng phái cử một số anh em sang thị trường Nhật để học hỏi, có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức triển khai các dự án quốc tế và thấu hiểu thêm về văn hóa bản địa.
Chính sự kiên định với mục tiêu của mình đã giúp chúng tôi mạnh mẽ vượt qua mọi rào cản, khó khăn để từng bước chinh phục được những mục tiêu đề ra. Chỉ sau 5 năm, chúng tôi đã tạo dựng được mạng lưới khách hàng, đối tác rộng khắp tại Nhật, đồng thời cũng chính thức đánh dấu việc thiết lập văn phòng quốc tế đầu tiên tại đây. NTQ Japan duy trì tốc độ phát triển 40% hàng năm về cả quy mô doanh thu và nhân sự”, ông Sơn cho hay.
Cột mốc đó cũng đã giúp NTQ có được một bước đệm để tiếp tục hành trình vươn ra toàn cầu của mình sau này. NTQ đóng gói mô hình thành công của NTQ Japan, để từ đó thành lập NTQ Hàn Quốc, NTQ Hồng Kông (Trung Quốc) (hiện tại mở rộng là NTQ APAC), NTQ châu Âu, và NTQ Mỹ. Dù là Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) hay châu Âu và Mỹ, NTQ đều hướng đến việc không chỉ đơn thuần thiết lập sự hiện diện mà luôn trau dồi kiến thức, có sự thấu hiểu về thị trường để từ đó đưa ra được những mô hình sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt cho từng quốc gia, xây dựng uy tín và thương hiệu vững chắc tại các thị trường này.
Tiết lộ về chiến lược thành công của mình, anh Phạm Thái Sơn cho hay, NTQ Solution sử dụng chiến lược mồi câu và chiến lược sử dụng công nghệ là đòn bẩy tạo ra giá trị lớn cho khách hàng trong quá trình chuyển đổi số.
Một trong những chiến lược mà NTQ Solution đã thành công trong việc tận dụng là áp dụng phương thức “mồi câu thị trường Việt Nam”. Thị trường này được coi là một môi trường phát triển sôi động với dân số đông, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nhiều ưu điểm hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài. NTQ Solution đã khéo léo tận dụng những ưu thế này để xây dựng mối liên kết hợp tác với khách hàng.
Ngoài ra, khi NTQ Solution đã củng cố vị thế ở các thị trường quốc tế khác. NTQ cũng tận dụng triệt để có thêm những cơ hội và đa dạng hóa các phương thức hợp tác như “mồi câu” để hợp tác với các đối tác mới, tăng thêm giá trị cho các mối quan hệ hiện có. Nhờ đó mà NTQ Solution có thể không ngừng mở rộng hợp tác cùng khách hàng, đồng thời liên tục củng cố chất lượng giải pháp, dịch vụ của mình, mang đến những giá trị thiết thực cho hoạt động kinh doanh, phát triển doanh nghiệp của khách hàng.
Song hành với các khía cạnh gia tăng giá trị hợp tác với khách hàng, NTQ cũng chú trọng vào việc xây dựng hệ thống đối tác 4P toàn diện. Hệ thống đối tác 4P của NTQ bao gồm: Đối tác bán hàng, đối tác công nghệ, đối tác tư vấn và đối tác liên minh (alliance partners). Việc tổ chức bài bản và có hệ thống về đối tác giúp NTQ phát triển nhanh chóng các giá trị có thể mang đến cho khách hàng.
Về khía cạnh nhân sự, NTQ chú trọng xây dựng và cường hóa vận hành phù hợp để có thể đáp ứng với tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. “Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện để đạt tần suất từ 10-20% nhân sự NTQ được phái cử ra nước ngoài làm việc, đồng thời duy trì từ 5-10% tỷ lệ nhân sự là người nước ngoài làm việc tại công ty”, ông Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ luôn là ưu tiên trọng tâm của NTQ. Định hướng phát triển các giải pháp dịch vụ công nghệ và sử dụng công nghệ mới như AI làm đòn bẩy trong việc tạo giá trị cho khách hàng khi chuyển đổi số, NTQ tập trung kiến tạo 3 giá trị cốt lõi trong các dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng, bao gồm: Kiến tạo trải nghiệm khách hàng xuất sắc, tối ưu vận hành và góp phần hình thành các mô hình kinh doanh mới.
Chính nhờ những giá trị thiết thực này đã giúp NTQ định vị là một nhà cung cấp dịch vụ IT toàn cầu (Global IT Service Provider) và được khách hàng tin tưởng và có mối quan hệ lâu dài, tốt đẹp với NTQ tại nhiều thị trường quốc tế.
Lựa chọn thị trường Nhật Bản để đặt những viên gạch thành công đầu tiên, CEO của Rikkei, ông Tạ Sơn Tùng với 3 năm tu nghiệp tại Nhật Bản đã mơ ước quay trở lại chinh phục thị trường này. Người tác động lớn nhất tới Tùng ở thời điểm năm 2015 là ông Trương Gia Bình. “Ông nói với tôi, nếu muốn thành công ở thị trường Nhật thì đừng làm tản mát, phải tập trung vào đối tượng khách hàng. Như vậy, Tùng phải sang Nhật để làm việc, tiếp xúc trực tiếp với người Nhật”.
Đầu năm 2016, Tạ Sơn Tùng đưa cả nhà sang Nhật. Đó cũng là năm, Rikkei Soft thành lập pháp nhân tại Nhật Bản là Rikkei Japan.
Từ vài chục nhân viên của 8 năm trước, tính đến tháng 5/2023, Rikkei Soft có trên 1.600 nhân viên, 100% nhân viên sử dụng ngoại ngữ, 94% là đại học, còn lại là trên đại học. 43% là nhân viên có thâm niên dưới 3 năm. Hiện Rikkei Soft có 4 chi nhánh tại Việt Nam, 4 chi nhánh tại Nhật Bản (Tokyo, Osaka, Fukuoka và Nagoya).
Với tư duy “Rikkei đi ra thế giới từ Nhật Bản” (Go Global from Japan), trong năm 2023, Rikkei Japan đã lập thêm chi nhánh tại Thái Lan, sau tiến tới thị trường Hàn Quốc và một số nước khác. Quan điểm của doanh nghiệp này là đi ra từ một nước phát triển như Nhật thì sẽ tiếp cận các thị trường khác thuận lợi hơn.
Hệ sinh thái của Rikkei Soft bao gồm nhiều doanh nghiệp thành viên, sản phẩm và giải pháp như: Rikkei Digital chuyên về chuyển đổi số và thị trường Đông Nam Á; Rikkei Academy đào tạo tiếng Nhật và công nghệ thông tin cho cựu du học sinh và thực tập sinh để họ có thể quay lại trở lại hoặc ở lại Nhật với tư cách là kỹ sư công nghệ thông tin (tập trung vào du học sinh từng học tại Nhật), đồng thời cũng đào tạo cho du học sinh tại Nhật với mục tiêu có 1.000 học viên; Rikkei Incubator cung cấp tài trợ cho các startup; Rikkei AI cung cấp các giải pháp sử dụng AI; Rikkei IT Service cung cấp các dịch vụ phần mềm. Một trong những thế mạnh của Rikkei Soft là cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các ngân hàng Nhật Bản.
Có rất nhiều công ty công nghệ Việt hoạt động ở Nhật Bản, nhưng tại thị trường Mỹ lại chưa có nhiều doanh nghiệp Việt hiện diện tại đây. Với việc mở công ty con tại Mỹ, Rikkeisoft tiết lộ kế hoạch từng bước thực hiện tham vọng sẽ trở thành doanh nghiệp tỉ đô la Mỹ trong tương lai.
Tinh thần sẵn sàng đi ra biển lớn, “săn cá voi” với những chiêu thức riêng, không chỉ thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới của người Việt mà còn truyền đi cảm hứng về việc cùng nhau gây dựng, phát triển cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam một cách bền vững tại nước ngoài.
Nguồn:https://special.nhandan.vn/bi-kip-san-ca-voi/index.html