Tôm càng được thu hoạch thủ công, cần nhiều người mới thu hoạch nhanh. Mỗi lần thu hoạch tôm cần 40-60 người, vì vậy những người nuôi tôm càng ở ấp Vĩnh Bình luôn giúp nhau thu hoạch.
Nhà nào thu hoạch tôm chỉ cần chuẩn bị đồ ăn sáng, hàng xóm đến giúp. Hôm nay, mọi người thu hoạch tôm cho nhà này, ngày mai thu hoạch tôm cho nhà kia, người dân giúp nhau xoay vòng đến hết vụ.
Nhiều người dân đến vần công thu hoạch tôm tại ruộng của anh Phạm Thanh Bình, ngụ ấp Vĩnh Phong, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao (Kiên Giang).
Thành thói quen, cứ hộ gia đình nào thu hoạch tôm là mọi người đến phụ giúp. Anh Phạm Thanh Bình, ngụ ấp Vĩnh Phong, xã Vĩnh Thắng có gần 7 năm thuê đất nuôi tôm tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Tuy. Khi đến vụ thu hoạch tôm, anh được người dân nhiệt tình giúp đỡ nên anh không phải thuê nhân công, từ đó tiết kiệm chi phí.
Còn anh Võ Văn Trinh, ngụ ấp Vĩnh Bình chia sẻ: “Nhờ làm dần công, mỗi khi đến vụ thu hoạch tôm gia đình tôi không lo thuê nhân công. Đến ngày thu hoạch tôm, mọi người đến giúp, nhiều người ở xa cũng đến. Xong việc, chúng tôi cùng ăn cơm, chuyện trò, nhờ vậy tình cảm xóm giềng thêm gắn bó”.
Chúng tôi tham gia thu hoạch tôm tại ruộng nhà anh Bình. Khoảng 5 giờ, chị Võ Thị Hồng Thi – vợ anh Bình cùng một số phụ nữ nấu đồ ăn sáng cho mọi người. Từ sáng sớm, nhiều người có mặt tại ruộng, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, bao tay… sẵn sàng thu hoạch tôm.
Hơn 6 giờ sáng, trên cánh đồng cạn nước của gia đình anh Bình, gần 30 người đàn ông lội đồng thu hoạch tôm. Mỗi người một việc, mọi người phối hợp nhịp nhàng. Người kéo lưới, người dùng máy bơm khuấy nước để tôm nổi đầu dạt vào mé ruộng, người bắt tôm bỏ vào bao, người chạy xuồng mang tôm vào nhà, người khiêng tôm lên bờ.
Phụ nữ phân loại tôm.
Những người phụ nữ tay thoăn thoắt phân loại tôm. Chị Nguyễn Thị Loan, ngụ ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Tuy cho biết: “Vợ chồng tôi cùng đi vần công thu hoạch tôm, có bữa 2-3 hộ thu hoạch tôm cùng một lúc, tôi và chồng chia nhau giúp. Đến vụ thu hoạch tôm có khi cả tháng vợ chồng tôi không ăn cơm nhà, hôm nào cũng vậy sáng sớm là chúng tôi đi làm vần công, tuy cực mà vui”.
Anh Nguyễn Văn Quýt Em chia sẻ: “Ở đây mọi người giúp đỡ nhau, ngoài làm vần công thu hoạch tôm, chúng tôi còn giúp nhau cải tạo nước, vận chuyển con giống, sang tôm, đám tiệc, làm nhà, bắc cầu… ”. Làm vần công giúp người dân đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN