Trung Quốc vừa phê duyệt giấy chứng nhận an toàn của đậu tương chỉnh sửa gien. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chấp nhận áp dụng công nghệ chỉnh sửa gien trong một loại cây trồng trong bối cảnh quốc gia tỷ dân này ngày càng trông chờ vào khoa học để thúc đẩy sản xuất lương thực.
Công nghệ chỉnh sửa gien có thể giúp đẩy mạnh năng suất cây trồng |
Theo hãng tin Reuters, loại đậu tương do công ty Công nghệ sinh học Shandong Shunfeng có hai gien biến đổi, giúp tăng đáng kể mức axit oleic béo lành mạnh trong cây.
Dựa trên một tài liệu do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc công bố ngày 21/4, Trung Quốc đã phê duyệt giấy chứng nhận an toàn đối với giống cây đậu tương chỉnh sửa gien kéo dài trong 5 năm.
Không giống như việc biến đổi gien bằng cách đưa gien ngoại lai vào cây trồng (GM), chỉnh sửa gien làm thay đổi các gien sẵn có. Công nghệ này được coi là ít rủi ro hơn so với GMO và được quản lý ít nghiêm ngặt hơn ở một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc.
“Việc phê duyệt giấy chứng nhận an toàn là điều khích lệ đối với Shunfeng”, một đại diện công ty cho biết ngày 4/5.
Shunfeng tự nhận là công ty đầu tiên ở Trung Quốc tìm cách thương mại hóa cây trồng chỉnh sửa gien. Đại diện công ty tiết lộ đơn vị này đang nghiên cứu khoảng 20 loại cây trồng chỉnh sửa gien khác, bao gồm lúa, lúa mì và ngô cho năng suất cao hơn, lúa kháng thuốc diệt cỏ và đậu tương cũng như rau diếp giàu vitamin C.
Quyết định phê duyệt chứng nhận an toàn cho cây trồng chỉnh sửa gien đầu tiên tại Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại, thời tiết thất thường và chiến tranh ở nước xuất khẩu ngũ cốc then chốt Ukraine đã làm gia tăng mối lo ngại ở Bắc Kinh về việc cung cấp lương thực cho 1,4 tỷ dân trong nước.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy cây trồng biến đổi gien, bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn ngô biến đổi gien trong năm nay. Tuy nhiên, việc đưa cây trồng chỉnh sửa gien ra thị trường dự kiến sẽ nhanh hơn do ít bước hơn trong quy trình quản lý.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng đã phê duyệt các loại thực phẩm chỉnh sửa gien.
The vnanet.vn