Các nhà khoa học phát hiện hoạt động bất thường ở Cực Bắc trong lúc cực từ Bắc di chuyển gần Nga hơn theo cách thức chưa từng có trước đây.
Kim la bàn chỉ hướng theo cực từ Bắc, và vị trí của cực từ thay đổi theo kết quả trên thực tế của hoạt động trường địa từ.
Vị trí của cực từ Bắc khác với vị trí địa lý của Bắc Cực luôn cố định ở giao điểm của toàn bộ các đường kinh độ.
Tiến sĩ William Brown, nhà mô hình về trường địa từ toàn cầu của cơ quan Khảo sát Địa chất Anh (BGS), cho biết cực từ Bắc đã di chuyển dọc theo bờ biển miền bắc Canada trong nhiều thế kỷ qua. Đến thập niên 1990, cực từ dạt vào Bắc Băng Dương, và sau đó tăng tốc di chuyển đến Nga, cụ thể là thẳng tiến đến Siberia.
Từ năm 1600 đến 1990, ước tính cực từ Bắc di chuyển khoảng 10-15 km/năm. Vào đầu thập niên 2000, tốc độ của cực từ tăng lên khoảng 55 km/năm, theo tiến sĩ Brown chia sẻ với The Independent.
Dữ liệu trên đến từ Mô hình Địa từ Thế giới, do BGS tạo ra cùng với cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA). Mô hình dự báo kế tiếp sẽ được công bố vào tháng 12.
Trong 5 năm qua, cực từ Bắc đã giảm tốc chỉ còn khoảng 25 km/năm.
Mô hình của BGS và NOAA được công bố nhằm hỗ trợ các công cụ la bàn trên điện thoại di động, cũng như các hệ thống GPS và cho phép quân đội sử dụng trong quá trình tàu ngầm di chuyển ở Bắc Băng Dương.
“Mô hình Địa từ Thế giới được tích hợp vào bất kỳ thiết bị công nghệ nào, từ điện thoại di động đến ô tô và các tiêm kích”, tiến sĩ Brown cho biết.
Việc dự đoán chuyển động chính xác của cực từ Bắc là điều không khả thi, nhưng BGS có thể theo dõi trường địa từ. Các nhà khoa học Anh đang sử dụng mạng lưới các trạm đo đạc trên mặt đất và các vệ tinh để lập bản đồ địa từ ở nhiều vị trí khác nhau.
Nga bác bỏ yêu sách của Mỹ về thềm lục địa mở rộng
Nguồn: https://thanhnien.vn/cuc-tu-bac-di-chuyen-bi-an-gan-nga-hon-185241118090658235.htm