Có mặt tại Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 từ sớm, chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương (39 tuổi, Hà Nội) tất bật chuẩn bị cho ngày mới. Công việc nhân viên tư vấn, vận động hiến mô, tạng và giác mạc mang lại cho chị ý nghĩa lớn lao hơn mọi thứ khác. Việc làm này cũng là cách chị tiếp nối câu chuyện của con gái Hải An, truyền cảm hứng và lòng nhân ái đến cộng đồng.
“Tôi tin rằng khi làm việc với cả trái tim, những khó khăn sẽ trở thành động lực. Dù công việc tư vấn vận động hiến mô, tạng, và giác mạc có thể gặp nhiều vất vả, nhưng ý nghĩa mà nó mang lại là vô giá”, chị Dương nói.
Sau ngày con gái qua đời, chị Dương mất thời gian dài mới có thể ổn định tâm lý và trở lại cuộc sống. Học ngành y, ra trường chị trở thành nhân viên y tế trường mầm non. Bên cạnh chăm sóc sức khỏe cho những đứa trẻ, chị Dương cũng tham gia các câu lạc bộ vận động hiến mô, tạng cứu người, lan toả câu chuyện của chính cô con gái bé nhỏ đến cộng đồng.
Bất cứ ai cần tư vấn đăng ký hiến mô tạng hay cần vận động người thân để đồng ý cho hiến mô tạng sau khi qua đời, chị đều có mặt. Người phụ nữ ấy hy vọng với kiến thức y học của mình có thể giải thích cho mọi người hiểu hơn về hiến mô tạng để có thêm nhiều người được cứu sống.
Gần đây, chị Dương nghỉ công việc nhân viên y tế ở trường mầm non, chuyển sang làm chuyên viên tư vấn vận động hiến mô, tạng, và giác mạc tại Ngân hàng Mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
Tuy mới gắn bó với công việc tư vấn vận động hiến mô, tạng, và giác mạc song có rất nhiều câu chuyện khiến chị nhớ mãi. Đó là ca bệnh 20 tuổi, không may mắc bệnh lý giác mạc chóp, thị lực suy giảm. Gia đình bệnh nhân rơi vào tuyệt vọng, nhưng nhờ vào giác mạc hiến tặng của một người lạ, em có thể nhìn thấy ánh sáng trở lại.
“Nhìn thấy nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc của em và gia đình sau ca phẫu thuật thành công, tôi rất xúc động. Câu chuyện này không chỉ là minh chứng cho sự kỳ diệu của y học và lòng nhân ái, mà còn là nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục cống hiến, giúp đỡ nhiều người hơn nữa”, chị Dương xúc động nói.
Chị cũng nhớ mãi câu chuyện về phụ nữ 65 tuổi, quê Yên Bái, 10 năm trước mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc, không thể nhìn thấy người và vật xung quanh. Bà luôn mong muốn được ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng nhưng giải pháp này rất khó thực hiện bởi tỷ lệ người hiến ở Việt Nam cực hiếm, phải chờ đợi thời gian dài.
Hôm 25/9, người phụ nữ được ghép giác mạc từ một người qua đời hiến tặng. Sau ca phẫu thuật, khoảnh khắc bác sĩ gỡ băng gạc ở mắt xuống, bệnh nhân vỡ oà sung sướng khi nhìn thấy mọi người xung quanh rõ rệt.
Để những câu chuyện hiến giác mạc như Hải An được nhân rộng, ngoài làm việc tại ngân hàng mô, chị còn tham gia vào rất nhiều hoạt động xã hội, chia sẻ câu chuyện của con với mọi người. Chị mong muốn, sắp tới sẽ tạo được cộng đồng gia đình hiến tạng – nơi giúp mọi người hiểu rõ hơn về hiến ghép mô tạng, từ đó xóa bỏ định kiến.
Giúp con hoàn thành tâm nguyện
Tháng 9/2017, chị Dương phát hiện con gái Hải An có dấu hiệu bệnh bất thường như méo miệng, hai mắt có hiện tượng song thị nên đưa đi châm cứu. Sau trị liệu, dấu hiệu bệnh thuyên giảm nhưng không triệt để. Lúc này các bác sĩ khuyên chị nên đưa con gái đi chụp chiếu để chữa trị tận gốc.
Khám qua nhiều bệnh viện, chị Dương nhận được chung một kết quả, Hải An bị u não, khối u hiện chèn lên dây thần kinh. Trong những ngày điều trị, người mẹ ấy hay kể cho con nghe về chuyện hiến tặng nội tạng cho người bị bệnh. Một lần, khi còn tỉnh táo Hải An tâm sự với mẹ “Con muốn khi mất đi, những bộ phận của con sống được trên cơ thể người khác”.
Chiều 22/8/2018, bé Hải An từ biệt cuộc sống khi mới qua tuổi thứ 7 được 3 tháng. Chị Dương gọi điện đến trung tâm điều phối tạng để đăng ký hiến mô tạng của con cho những người mắc bệnh mãn tính. Do quy định chỉ nhận tạng của người đủ 18 tuổi trở lên nên bệnh viện chỉ có thể nhận giác mạc của bé. Chiều tối cùng ngày, các bác sĩ của Bệnh viện Mắt trung ương đến tận nhà bé để nhận giác mạc.
Nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An và mẹ khiến nhiều người xúc động. Phong trào hiến mô tạng, giác mạc lan rộng khắp cả nước, số người đăng ký và hiến tặng mô tạng tăng lên nhanh chóng. Chị Dương được nhiều kênh truyền thông, tổ chức giáo dục, thiện nguyện mời chia sẻ, truyền cảm hứng. Câu chuyện của bé Hải An cũng được đưa vào thơ, văn, đề thi ở nhiều cấp học khác nhau.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ, chị Dương rất dũng cảm, vượt qua được nỗi đau mất mát người thân để lan tỏa câu chuyện thật đẹp đến với cộng đồng.
Hiện khi hoạt động vận động hiến mô tạng đang ngày càng phát triển, chị Dương vẫn lặng lẽ chia sẻ những câu chuyện nhân văn về hiến mô tạng để ngày càng nhiều người tiếp cận đăng ký hiến mô tạng. “Việc làm của chị rất đáng trân trọng”, ông Phúc nói.
Nguồn: https://vtcnews.vn/chia-se-xuc-dong-cua-nguoi-me-co-con-hien-giac-mac-cuu-hai-cuoc-doi-khac-ar906987.html