Vòng vèo qua con đường nhỏ đi dần ra khỏi những cụm dân cư, xuyên qua rẫy thanh long đang trổ hoa, rừng đã xanh ngắt trước mắt. Bưng Thị, cái tên của vùng rừng này vốn xuất phát từ việc có rất nhiều cây thị mọc giữa những động cát trắng trải dài bên cạnh hệ đầm lầy (bưng) nước lợ lớn gần chân núi Tà Kóu.
Có 4 động cát chính, dài và hẹp chạy ngoằn ngoèo xung quanh hệ đầm lầy giữa rừng Tà Kóu, nhìn từ trên cao xuống giống như mấy luống khoai khổng lồ giữa cánh đồng. Động cát hơi gồ cao lên ở giữa, mọc trên đó là những bụi cây gai lúp xúp – đặc trưng của hệ sinh thái xavan (savane). Dọc hai bên rìa động cát, đất hơi trũng xuống là dải rừng khộp.
Bên bờ đầm lầy là hệ dây leo mọc chằng chịt với đủ các loại: rau dớn, dây nắp ấm leo, dây bìm (tơ hồng)… còn trên mặt đầm lầy mọc đầy loại cỏ thân cao có hoa vàng, dập dờn theo từng cơn gió đang say mê trong vũ điệu hoang dã. Thật là một vùng rừng kì lạ bởi có đến 3 hệ sinh thái kề nhau: xavan – rừng khộp – đầm lầy nước lợ.
Cạnh nguồn nước, một hồ nhân tạo nhỏ chứa nước nóng đã được tạo nên để du khách ngâm mình thư giãn. Ngoài ra, còn một vài điểm ngâm chân nước nóng cho du khách. Chúng tôi dựng lều, căng võng bên gốc cây găng lớn gần hồ nước nóng và nhóm than để nướng thịt gà. Rừng vắng, chỉ có hai anh em cùng “thằng” Tăng – chú chó nhỏ của tôi – bên đống lửa.
Chúng tôi thay nhau vừa canh lửa, vừa nhào xuống ngâm mình trong hồ nước khoáng nóng giữa đất trời. Một điều kì lạ nữa, giữa vùng nước khoáng nóng và lợ dưới lòng đất, người ta lại khoan được một giếng nước ngọt và mát lạnh. Sau 3 lần ngâm nước khoáng nóng và tráng người bằng nước ngọt mát lạnh, chúng tôi thưởng thức bữa tối trong không gian núi rừng hoang sơ mà tĩnh lặng.
Tạp chí Heritage