Hôm nay, tại Hà Nội, hơn 2.000 người dân trên địa bàn, gồm người có công, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do, đã tham gia khám sàng lọc nhiều bệnh lý.
Hôm nay, tại Hà Nội, hơn 2.000 người dân trên địa bàn, gồm người có công, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do, đã tham gia khám sàng lọc nhiều bệnh lý.
Sáng 16/11/2024, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức tổng kết “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 – Thầy thuốc trẻ vì một Việt Nam khỏe mạnh”, cùng chương trình khám, sàng lọc bệnh mạn tính cho hơn 2.000 người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Người dân Hà Nội được khám bệnh miễn phí. |
Theo TS. Hà Anh Đức, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, trải qua 6 tháng từ tháng 5 đến tháng 11, chúng ta tự hào khi đã có 21.217 thầy thuốc trẻ tham gia cả trực tiếp lẫn trực tuyến; 1.136.135 lượt người dân được tư vấn khám bệnh trực tiếp, hơn 1 triệu lượt người dân được chẩn đoán các bệnh mạn tính về phổi qua nền tảng trí tuệ nhân tạo.
Các hoạt động nổi bật như chương trình “CAREME – Khám tầm soát bệnh tim mạch, thận, chuyển hóa” và “Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi” đã trở thành những điểm sáng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh mạn tính, các biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh cũng như ý thức phòng chống tác hại của các yếu tố nguy cơ.
Đặc biệt, chương trình CAREME đã tiếp cận, tư vấn và khám tầm soát cho 7.616 người dân tại cộng đồng và 5 bệnh viện lớn trên cả nước, phát hiện nhiều ca bệnh thận mạn tính – nguyên nhân tử vong đứng thứ 8 tại Việt Nam.
Việc áp dụng các phương pháp sàng lọc tiên tiến, kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho người dân. Đây là một bước tiến lớn trong lĩnh vực y tế cộng đồng, khi chúng ta đưa công nghệ hiện đại vào phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, chương trình “Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi” đã áp dụng nền tảng kỹ thuật số nhằm hỗ trợ quá trình chẩn đoán và theo dõi sức khỏe phổi cho người dân. Chương trình này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán, giảm thời gian chờ đợi mà còn giúp người dân ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại ngay tại nơi cư trú.
Sau chương trình, ban tổ chức đã tiến hành tổng kết và thống kê, cho thấy tỉ lệ có dấu hiệu bệnh thận mạn xấp xỉ 16,2% tại cộng đồng (so với thống kê 12% dân số và 17% dân số là người trưởng thành).
Kết quả này cho thấy gánh nặng bệnh thận mạn – nguyên nhân tử vong đứng thứ 8 tại Việt Nam – cần được quan tâm hơn từ các ngành, các cấp để đảm bảo chất lượng cuộc sống và khả năng tiếp cận y tế toàn diện cho người dân.
Tại chương trình hôm nay, hơn 2.000 người dân trên địa bàn thành phố, gồm người có công, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do, đã tham gia khám sàng lọc bệnh với các hạng mục: khám bệnh, xét nghiệm máu cơ bản, chụp X-quang phổi, siêu âm, điện tim, khám sàng lọc các bệnh phổi, ung thư phổi, tiểu đường, các bệnh lý tim mạch, xét nghiệm chức năng thận nếu có dấu hiệu bệnh lý, và chụp cắt lớp vi tính khi phát hiện bất thường ở phổi.
Người dân trên địa bàn thành phố cũng được tiếp tục khám sàng lọc bằng AI trên nền tảng khám của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Cũng trong chương trình, nhiều gia đình chính sách và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Tây Hồ đã nhận được những phần quà hỗ trợ ý nghĩa từ Ban tổ chức hành trình. 14 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai hành trình đã được Ban Bí thư Trung ương Đoàn biểu dương và trao tặng bằng khen.
Nguồn: https://baodautu.vn/ha-noi-hon-2000-nguoi-dan-duoc-kham-benh-mien-phi-d230188.html