Bằng cách “chế tạo” những công thức dạy học riêng, cô Ninh Thị Ngọc Sen – giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Sơn Động số 1 (Bắc Giang) đã thành công khơi dậy sự tò mò và khám phá môn học của học trò, thúc giục các em thắp sáng ước mơ của riêng mình.
Là người con dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại thôn Phe, xã Vân Sơn – một bản làng xa xôi, nghèo khó của huyện vùng cao Sơn Động, tuổi thơ cô Sen gắn liền với những ngày tháng chăn trâu cắt cỏ, làm nương rẫy trên những triền núi cao. Cô kể, làng khi đó nghèo lắm, luôn thiếu nước vào mùa đông và người dân chỉ được đón ánh điện lưới đầu tiên vào năm 2004.
“Tôi đã từng nghĩ, cuộc sống sẽ chỉ quanh quẩn trong bản làng nhỏ bé ấy cho đến khi tôi được đi học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Sơn Động. Lần đầu tiên ngắm nhìn cuộc sống thành thị, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về quê hương mình – nơi cuộc sống còn quá khó khăn, nơi ước mơ được đến trường còn ngoài tầm với của những đứa trẻ miền núi.
Nghĩ về điều ấy, tôi đã quyết tâm học tập thật tốt để mai này làm cô giáo, trở thành “người truyền lửa”, chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng cao, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương” – nữ giáo viên hồi tưởng.
Những năm tháng cấp 3, việc học tiếng Anh đối với cô Sen là một thử thách bởi tài liệu học tập khan hiếm, trong lớp chỉ có duy nhất cô chọn thi khối D (Toán, Văn, Tiếng Anh) nên không có bạn đồng hành. Nhưng với sự yêu thích môn học, nữ sinh ngày ấy vẫn kiên trì, cần mẫn ôn thi với lòng quyết tâm cao “Mình phải đi học, phải trở thành cô giáo”. Ước mơ ấy đã cho cô sức mạnh và động lực thi đỗ khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Tháng 9.2011, sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo Sen được phân công giảng dạy tại Trường THCS Phì Điền (Bắc Giang). Ngôi trường nằm ở khu vực có điều kiện kinh tế phát triển, các thầy cô được tạo điều kiện rất thuận lợi để công tác. Nhưng mỗi khi nghĩ về quê hương còn nhiều khó khăn, một lần nữa ước mơ mà cô bé dân tộc thiểu số năm xưa luôn ấp ủ là trở thành cô giáo được dạy trên chính quê nhà đã thôi thúc cô trở về. Tháng 3.2013, cô Sen xin chuyển công tác về Trường THPT Sơn Động số 1, từ đó tới nay, cô đã có hơn 11 năm giảng dạy tại trường.
“Còn gì hạnh phúc hơn khi ước mơ của mình trở thành hiện thực, những năm đầu tiên mặc dù nhà cách xa trường hơn 10 km, đường nhiều dốc quanh co, hàng ngày tôi vẫn đều đặn đến trường với một tâm thế vui vẻ. Hoàn cảnh khiến tôi càng khao khát phấn đấu trở thành một giáo viên giỏi, trở thành niềm tự hào của gia đình và thôn làng mình” – cô Sen nhớ lại.
Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, cô Ninh Thị Ngọc Sen cho biết, tiếng Anh vốn là môn học “không được lòng” học sinh vùng khó. Đặc biệt với các em vùng cao Sơn Động – đa số là người dân tộc thiểu số thì việc học ngoại ngữ tốt rất khó khăn, thậm chí nhiều em sợ môn học do thiếu môi trường giao tiếp, sử dụng.
Nữ giáo viên đã trải qua những tiết học ám ảnh khi nhiều em ngủ gục xuống bàn, làm việc riêng, một số em chỉ nhìn cô cười, lắc đầu nói: “em không biết” khi được cô đặt các câu hỏi tiếng Anh. Thậm chí, rất nhiều em mang tâm lý đến kỳ thi sẽ khoanh bừa, các em nói: “có học em cũng không biết gì, không cần học tiếng Anh để làm gì, em chỉ mong đỗ tốt nghiệp có bằng cấp 3 để đi làm công ty”.
Lúc bấy giờ, nữ giáo viên nhận thức rằng, không phải học sinh mình chống đối, mà do các em chưa có sự yêu thích môn Tiếng Anh, nghĩ đó là môn học xa rời thực tế. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, cô giáo Sen đã gần gũi, động viên học sinh, luôn nghĩ cách tạo được sự yêu thích với môn học.
Cô giáo Sen được biểu dương, tôn vinh tại nhiều sự kiện. Ảnh: NVCC
Về mặt tâm lý, cô Sen thường xuyên động viên các em rằng, trong thời đại 4.0, biết tiếng Anh sẽ có lợi thế việc làm, đặc biệt với những em có định hướng đi xuất khẩu lao động. Về phương pháp dạy học, cô tích cực tổ chức các hoạt động dự án học tập như đóng kịch, viết báo, làm video tiếng Anh…; tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khóa như cuộc thi rung chuông vàng; hát tiếng Anh; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh trong nhà trường nhằm đa dạng hóa hình thức dạy và học khiến học sinh thích thú.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn tận dụng được công nghệ thông tin trong việc học ngoại ngữ, nữ giáo viên đã nghiên cứu và thực hiện các giải pháp chủ yếu nhấn mạnh việc khai thác công nghệ giúp giáo viên và học sinh dạy và học môn Tiếng Anh hiệu quả.
“Sau một thời gian áp dụng tích cực các biện pháp để nâng cao chất lượng và thúc đẩy sự hứng thú của học sinh dành cho môn học, tôi rất hạnh phúc khi nhận thấy sự tiến bộ của các em từng ngày. Các em chăm chú hơn trong giờ học, thích thú tham gia các hoạt động học tập, từ đó kết quả bài thi cũng như kỹ năng sử dụng tiếng Anh được cải thiện” – cô Sen cười rạng rỡ.
Mang trong mình khí thế của một thanh niên luôn muốn được bung sức trẻ, cô Sen tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn trường. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn cán bộ giáo viên, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Trường THPT Sơn Động số 1, cô Sen đã tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện như giúp đỡ, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ; quyên góp quần áo, tặng quà cho đồng bào Dao có hoàn cảnh khó khăn; tìm hiểu văn hóa người dân tộc Dao… cho giáo viên và học sinh tham gia nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Lá lành đùm lá rách” và tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc trên quê hương Sơn Động.
Cô giáo Sen và học trò của mình. Ảnh: NVCC
Trong công tác chủ nhiệm lớp, cô giáo Sen luôn gần gũi, làm bạn với học sinh, coi các em như những người em trong gia đình. Bởi cô tin rằng việc tạo dựng mối quan hệ thân thiện, tin cậy là điều cần thiết để học sinh có thể chia sẻ những lo lắng và khát khao của mình. Điều này không chỉ giúp các em cảm thấy được lắng nghe mà còn tạo điều kiện để xây dựng lòng tin và sự tôn trọng giữa thầy và trò.
Bên cạnh việc dạy kiến thức, cô Sen chú trọng vào việc giáo dục nhân cách. Cô thường tổ chức các hoạt động nhóm, thảo luận nhóm, giúp học sinh học cách làm việc đội nhóm, tôn trọng lẫn nhau và phát huy tinh thần hợp tác. Chính những trải nghiệm này đã giúp các em phát triển kỹ năng sống, giúp các em tự tin bước vào cuộc sống sau này. Đồng thời, cô cũng hướng dẫn học sinh tìm hiểu ngành nghề, phù hợp với sở thích, năng lực cá nhân, xu hướng của xã hội.
Cô giáo Sen trong màu áo đoàn. Ảnh: NVCC
“Hơn 13 năm trong nghề, nhận được sự ủng hộ của gia đình, sự tạo điều kiện của Ban giám hiệu, sự chia sẻ và hỗ trợ của các đồng nghiệp đã giúp tôi có cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tôi vinh dự nhận được nhiều giấy khen của các cấp, ngành, đoàn thể, nhận được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2022 và năm 2023. Đặc biệt sự quý mến của các em học sinh, sự tin tưởng của các bậc phụ huynh chính là nguồn động viên, khích lệ tôi tiếp tục hành trình thắp sáng ước mơ của học sinh vùng cao” – cô Sen bộc bạch.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/emagazine/nu-giao-vien-nguoi-tay-tien-phong-doi-moi-sang-tao-day-hoc-noi-reo-cao-1421643.ldo