Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo thêm cơ hội cho các sản phẩm OCOP Quảng Ninh mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, đến nay, Quảng Ninh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao, như rượu ba kích Ba Chẽ, nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô, các sản phẩm từ dược liệu…
Trong đó, địa phương đã phát triển được 4 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia (ngọc trai Akoya, ngọc trai Tahiti, ngọc trai Southsea, trà hoa vàng Quy Hoa), 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, gồm trà hoa vàng Ba Chẽ, ruốc hàu, rượu mơ Yên Tử, nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chè giảo cổ lam Đông Bắc 7 lá, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên An đường Đông Bắc.
Đông đảo người dân địa phương tới tham quan, mua sắm tại Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản Quảng Ninh năm 2024. Ảnh: Quảng Ninh Portal |
Nhằm giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về các sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình kết nối, tuần xúc tiến thương mại, hội chợ. Thông qua các hoạt động, những chủ thể OCOP được quảng bá, kết nối sản phẩm hiệu quả với nhiều người tiêu dùng.
Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung hỗ trợ nông dân bằng cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn, trong đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Sendo… tổ chức nhiều buổi giới thiệu, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã cách thức đưa sản phẩm lên sàn, giúp người dân tận dụng sự phát triển của công nghệ số, nhằm mở rộng mô hình cũng như đa dạng loại hình kinh doanh.
Việc các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử đã giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu và mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đem lại nguồn doanh thu lớn cho bà con nông dân.
Cùng với xúc tiến trong nước, với mục tiêu đẩy mạnh thương mại xuyên biên giới, đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến với thị trường quốc tế, tỉnh đã tổ chức những gian hàng tại chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như Vietnam Expo 2024, Lễ hội Du lịch biên giới Trung – Việt 2024, Hội chợ Giao dịch hàng hoá xuất nhập khẩu Trung Quốc – ASEAN, Hội chợ triển lãm Trung Quốc – Nam Á lần thứ 8, Hội chợ Hàng hóa xuất nhập khẩu Côn Minh (Trung Quốc) lần thứ 28, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Lào 2024.
Các chương trình này mang lại những kết quả hết sức tích cực, giúp doanh nghiệp OCOP Quảng Ninh tìm kiếm được những hướng đi mới trong xuất khẩu.
Sản phẩm Trà Đường Hoa Việt Tú của Quảng Ninh được trưng bày giới thiệu tại Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Ảnh: Nguyễn Trang |
Thời gian tới, Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm OCOP, mở rộng đầu ra cho sản phẩm, như: Tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu Đông 2024, diễn ra từ ngày 14 đến 18/11 tại TP. Móng Cái; tham gia các hội chợ trọng điểm năm 2024 tại các địa phương như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ; tham gia Hội chợ ASEAN – Trung Quốc, Hội chợ hàng Việt Nam tại Campuchia 2024, Hội chợ Thương mại và Du lịch biên giới Trung – Việt 2024 tại Đông Hưng (Trung Quốc).
Theo ông Nghiêm Xuân Cường – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác kết nối, xúc tiến thương mại với các thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường lớn như Trung Quốc, ASEAN. Ngoài ra, việc tận dụng thế mạnh của các hiệp định thương mại tự do, lợi thế từ thương mại điện tử cũng sẽ được quan tâm đẩy mạnh, để các doanh nghiệp OCOP Quảng Ninh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa những giá trị đặc trưng, riêng có của địa phương ra các thị trường quốc tế.
Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thị hiếu của khách hàng, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo về kiến thức, kỹ năng phát triển thị trường cho các chủ thể OCOP; hỗ trợ, định hướng về bao bì, nhãn mác, thiết kế mẫu mã, hình thành các dòng sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với lịch sử, văn hóa địa phương.
Đồng thời, tăng cường việc khảo sát, mở rộng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, xây dựng các tour, tuyến đưa du khách đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm ngay tại cơ sở sản xuất, nơi trưng bày sản phẩm OCOP, nhằm tạo sự độc đáo, mới mẻ và thu hút du khách.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP. Tại các dự án khu dừng nghỉ du lịch đều kết hợp giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh, với phương châm “mỗi sản phẩm là một đại sứ du lịch”.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuc-tien-thuong-mai-mo-rong-thi-truong-cho-san-pham-ocop-quang-ninh-359193.html