Giảm tình trạng thiếu thuốc
Là cơ sở y tế có lượng bệnh nhân đông nhất các tỉnh phía Nam, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mỗi ngày tiếp nhận 7.000-8.000 bệnh nhân ngoại trú và khoảng hơn 1.000 bệnh nhân nội trú.
PGS. TS Nguyễn Minh Anh, Phó giám đốc bệnh viện cho hay: Theo số liệu báo cáo mới nhất, tỷ lệ đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đến nay đạt 80%.
Khoảng 10-20% còn lại do nhà thầu do đứt gẫy nguồn cung; vướng mắc và kéo dài thời gian cung ứng do chờ xin gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc.
“Đây là những vướng mắc ngoài phạm vi của bệnh viện và Bộ Y tế. Tuy nhiên, số đó không ảnh hưởng nghiêm trọng tới bệnh viện.
Chúng tôi luôn có giải pháp thay thế thuốc tương đương về mặt công dụng điều trị, bệnh nhân được hưởng điều trị tương đối ổn”, TS Nguyễn Minh Anh cho biết.
BSCK 2 Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, thực trạng thiếu thuốc chủ yếu liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới.
Các đơn vị sản xuất thuốc trong nước cũng chậm trễ cung cấp do thiếu nguyên liệu nhập khẩu.
“Việc thiếu thuốc thực chất từ nguồn gốc chứ không phải từ nguyên nhân thiếu quy định pháp luật hay bệnh viện không có đủ năng lực mua cho bệnh nhân”, BS Việt nói.
Hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn có tình trạng thiếu thuốc, nhưng chủ yếu nằm ở khách quan, như giá thuốc quá rẻ không đơn vị nào tham dự thầu; hoặc thuốc hiếm chỉ có rất ít nhà cung cấp; hoặc có những đơn vị trúng thầu nhưng đến thời điểm giao thuốc, vật tư lại không thể nhập hàng do đứt gẫy nguồn cung, kéo dài thời gian cung ứng đến 4-5 tháng.
Còn theo TS Nguyễn Vũ Hữu Quang, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở địa phương chủ yếu diễn ra thời gian trước, thời điểm khi chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn, nhiều cơ sở y tế không dám mạnh dạn đấu thầu vì sợ lao lý.
“Thời gian qua, Sở Y tế tỉnh đang tiến hành làm danh mục khung trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đến năm 2024, cơ bản Đắk Lắk đáp ứng khá đủ thuốc cho các cơ sở y tế. Hiện đang phê duyệt 30 gói thầu cho các 20 cơ sở y tế”, ông Quang thông tin.
Vướng mắc ở đâu?
Ông Hoàng Cương, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện do đầu năm 2024, các bệnh viện áp dụng Luật
Đấu thầu mới nên còn chậm trễ. Một số gói thầu đưa ra những quy định chưa phù hợp dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu, phải hủy thầu để đấu thầu lại.
Bộ sẽ đồng hành cùng các địa phương, bệnh viện để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có) và tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
“Các vướng mắc từ phía cơ sở y tế trong quá trình thực thi chủ yếu do chưa có cách hiểu thống nhất.
Một số địa phương đã ban hành quy định phân cấp triệt để cho các cơ sở y tế, các bệnh viện quyết định việc mua sắm nhưng cũng có một số địa phương lại phân cấp ở mức vừa phải.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian mua sắm vì phải qua các bước trình duyệt, thẩm định trung gian.
Cạnh đó là khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm”, ông Cương nói.
Cũng theo ông Cương, Bộ Y tế đã tổng hợp xây dựng bộ câu hỏi bệnh viện thường gặp, dẫn dắt các quy định của luật, cách thức xử lý căn cứ vào luật.
Hiện Chính phủ giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền đối với nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng Sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.
Rà soát các quy định đấu thầu
Để tiếp tục đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp nghiên cứu thực hiện các hướng dẫn thể chế về đấu thầu, mua sắm để vận dụng trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định.
Xây dựng dự kiến kế hoach, nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư sát với cơ cấu bệnh tại cơ sở y tế. Khi tiến hành đấu thầu, mua sắm nếu lần đầu chưa đáp ứng, phải khẩn trương thực hiện tiếp lần 2 và các lần mua sắm tiếp theo đáp ứng đúng quy định.
Ông Xuân Tuyên cũng yêu cầu các vụ, cục liên quan của Bộ Y tế tiếp tục rà soát lại việc phân cấp mua sắm, đấu thầu cho các bệnh viện thuộc Bộ.
Đồng thời, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành phân cấp triệt để cho các cơ sở khám chữa bệnh trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nganh-y-te-no-luc-giai-bai-toan-thieu-thuoc-vat-tu-192241114222656381.htm