Với cá dìa thì nấu kiểu gì cũng ngon: Nướng, hấp, canh chua lá me, cà chua dọc mùng… Riêng với canh chua cá dìa nấu với lá é trắng thì rất đặc trưng.
Có thể thuở xa xưa, những người nông dân ven biển trên miền cát chưa trồng trọt được các loại gia vị đặc trưng của thường ngày.
Đơn giản ngày xưa cà chua phải mùa đông mới có, quả thơm trên rẫy mùa hè…, đâu có quanh năm như hôm nay, thế nên trong cái khó sẽ ló cái khôn.
Bát canh cá liệt, cá dìa, cá cơm chỉ xoay sở trong vạt vườn bé nhỏ đơn sơ của mình như ít hành hoa, lá giang, dọc mùng…, trong đó có vạt lá é, rau quế, rau ngò. Món ăn quê nhà giản dị, đơn sơ mà ngon mãi để lưu tới tận hôm nay.
Cá dìa là loại cá trước đây cũng có nhưng bị đánh đồng là loại cá ăn tạp ven bờ nên tôi thấy chợ xưa thập niên 80 ít có người ăn.
Thuở đó, do ít người, cá phong phú, người ta còn chê cá mó xanh, cá đuối – cá gim, cá nhám, cá liệt…, đương nhiên có cả cá dìa. Nay thì khác, tất cả đều đã thành đặc sản ngon.
Cá dìa nguyên liệu chuẩn bị cho việc nấu nồi canh cá dìa lá é.
Cá dìa có mấy loại như cá dìa bông, cá dìa đen, ngon hơn là cá dìa bông. Cá dìa sống ven bờ ăn cỏ rong, mùn nên thịt có vị đặc trưng: Mùi rong biển, vừa thơm vừa ngái nên ăn riết rồi nghiền. Kể từ khi có nghề nuôi hải sản bằng lồng bè thì cá dìa càng nhiều.
Chúng cứ bám quanh lồng ăn ké, khi nhỏ chui qua mắt lưới vào ăn chung với cá lồng, rồi lớn nên ở luôn, thịt ngon hơn, béo hơn.
Dù có mùi đặc trưng ngon nhưng cá dìa có vị tanh nên thích hợp với nướng ớt hay hấp với gia vị nặng. Với canh chua, phải kết hợp bằng loại rau thơm mạnh về mùi vị và lá é là ứng viên số 1.
Canh cá dìa nấu lá é tạo vị rất ấn tượng. Cá mềm thơm được vị lá é tẩm mùi làm bát canh, miếng cá thơm lừng. Bát canh cá lá é ngon, ngọt, đậm vị từ nước đến cá nên ai ăn một lần đều muốn ăn nữa.
Bạn hãy thử thưởng thức món canh cá dìa lá é mẹ nấu để biết hương vị biển quê hương đậm sắc thế nào.
Nguồn: https://danviet.vn/bat-canh-ca-dia-nau-la-e-ngon-ngot-dam-vi-tu-nuoc-den-ca-nen-ai-an-mot-lan-deu-muon-an-nua-20241116231048093.htm