Việc xử phạt vi phạm trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Phóng viên báo Dân trí đã phỏng vấn ông Đặng Sĩ Dũng – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
–Ông đánh giá thế nào về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này?
-Luật số 69/2020/QH14 – Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực 1/1/2022 có những thay đổi căn bản, toàn diện so với Luật số 72/2006/QH11 năm 2006 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động tham gia thị trường.
Trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; điều kiện cấp giấy phép đối với doanh nghiệp dịch vụ; các quy định về tài chính theo hướng giảm chi phí cho người lao động.
Thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật số 69/2020/QH14 và các văn bản hướng dẫn cho các cơ quan lao động địa phương (cấp tỉnh), các doanh nghiệp dịch vụ trên cả nước. Ngoài ra, còn thông qua các phương tiện thông tin truyền thông như: đài, báo, truyền hình, trang thông tin điện tử của Cục, Bộ.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Luật số 69/2020/QH14, nhìn chung đại đa số các doanh nghiệp đã chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn có doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ các nội dung của Luật nên trong quá trình thực hiện còn lúng túng, dẫn đến xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
-Các vi phạm mà doanh nghiệp thường mắc phải hiện nay trong quá trình thực hiện hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là gì, thưa ông?
– Hành vi vi phạm về công tác chuẩn bị nguồn lao động, cụ thể: không cam kết bằng văn bản ưu tiên tuyển chọn người lao động đã tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn; không đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp văn bản chấp thuận việc chuẩn bị nguồn; danh sách người lao động tham gia chuẩn bị nguồn.
– Không cập nhật thông tin người lao động trên hệ thống cơ sở dữ liệu; Không cập nhật khi có sự thay đổi trên trang thông tin điện tử về danh sách nhân viên nghiệp vụ.
– Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không chính xác hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không đúng mẫu; Thanh lý hợp đồng không đúng quy định; Đóng quỹ hỗ trợ việc làm không đúng thời hạn; Không hướng dẫn người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
– Không tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động; Không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài; Thực hiện không đúng các nội dung hợp đồng cung ứng lao động đã đăng ký, được chấp thuận.
-Các vi phạm này đã và đang gây ảnh hưởng thế nào đối với người lao động, thưa ông?
-Có thể nói, hành vi vi phạm về cập nhật thông tin người lao động ảnh hưởng đến công tác thống kê, tổng hợp số liệu người lao động. Hành vi vi phạm không duy trì bộ máy theo quy định của Luật có thể dẫn tới việc khi xảy ra tranh chấp quyền lợi của người lao động không được giải quyết kịp thời.
Lợi dụng công tác chuẩn bị nguồn lao động, doanh nghiệp có thể sơ tuyển quá số lượng, đào tạo ào ạt nhằm thu tiền đào tạo của người lao động. Thanh lý hợp đồng không đúng quy định có thể gây thiệt hại về kinh tế cho người lao động.
-Xin ông cho biết việc thanh tra, giám sát quản lý nhà nước đối với các Doanh nghiệp dịch vụ thời gian qua ra sao? Và xử phạt có tác dụng như thế nào trong chấn chỉnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài?
– Năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch tại 41 doanh nghiệp, (trong đó, Thanh tra Bộ thanh tra 23 doanh nghiệp, Thanh tra Cục thanh tra 18 doanh nghiệp), phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là gần 2,5 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay (10/2024), Cục Quản lý lao động ngoài nước và Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch tại 32 doanh nghiệp, (trong đó, Thanh tra Bộ thanh tra 20 doanh nghiệp, Thanh tra Cục thanh tra 13 doanh nghiệp) phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 890 triệu đồng;
Kiến nghị Bộ thu hồi giấy phép đối với 1 doanh nghiệp, đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động đối với 2 doanh nghiệp.
– Thông qua việc thực hiện thanh tra giám sát quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, Cục đã hướng dẫn nghiệp vụ, giải thích, trả lời các câu hỏi về nghiệp vụ để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Qua công tác thanh tra, quản lý, giám sát phát hiện các hành vi vi phạm Cục tiến xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Với mục tiêu không chỉ đảm bảo tính minh bạch và lành mạnh cho thị trường lao động quốc tế, mà còn tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu lao động toàn diện và thường xuyên hơn. Thông qua việc giám sát chặt chẽ, cơ quan chức năng kỳ vọng sẽ kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp lý gây thiệt hại về tài chính và quyền lợi cho người lao động khi họ ra nước ngoài làm việc. |
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/xu-ly-nghiem-cac-vi-pham-ve-dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-20241115232430228.htm