Đảm bảo thu nhập nhưng vẫn tròn vai “ông bố bỉm sữa”
Buổi sáng, khi nhiều người vội vã rời khỏi nhà, chật vật di chuyển qua những con đường kẹt cứng xe cộ, ô nhiễm, bụi bặm ở Hà Nội để đến công ty, Nguyễn Việt Dũng thảnh thơi pha một ly cà phê ngồi thưởng thức. Anh tranh thủ xem lại video giới thiệu sản phẩm nhóm cộng tác viên gửi đêm qua trước khi chuyển cho khách hàng ở Trung Quốc.
Khoảng 8h, khi con gái thức giấc, vợ đến công ty, Việt Dũng nhanh chóng vào vai một ông bố bỉm sữa. Vệ sinh cá nhân cho con xong, ông bố trẻ cho con ăn sáng, sau đó 2 bố con cùng nhau xuống sảnh chung cư để cô bé thoải mái vui chơi, tắm nắng.
Buổi trưa, khi con gái ngủ, anh mới dành thời gian cho công việc, xử lý yêu cầu của khách hàng từ các công ty trong và ngoài nước.
Suốt 5 năm nay, Nguyễn Việt Dũng, 32 tuổi, ở Hà Nội duy trì mức thu nhập 20-50 triệu đồng/tháng trong khi vẫn dư dả thời gian dành cho gia đình.
Đặc biệt, khi hai vợ chồng có con nhỏ, Dũng đảm nhận nhiệm vụ ở nhà chăm con để vợ có cơ hội thăng tiến. Thu nhập của Dũng vẫn ổn định hàng tháng nhờ lựa chọn làm freelancer (người làm việc độc lập, tự do).
Dũng vốn theo học ngành ngân hàng ở Đại học Thăng Long, Hà Nội. Tuy nhiên, từ năm thứ ba, anh nhận ra mình thích marketing (hoạt động quảng bá, truyền thông đưa hàng hóa hoặc dịch vụ tới người tiêu dùng) nhiều hơn nên tìm hiểu về lĩnh vực này và bắt đầu đi làm thêm.
Nhờ sớm tích lũy kinh nghiệm nên Dũng đảm nhận vị trí trưởng phòng marketing của một công ty du học quy mô vừa. Thu nhập của anh thời điểm đó (năm 2016) ở mức khá, khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Được làm công việc yêu thích, lãnh đạo tâm lý, môi trường làm việc thân thiện, tuy nhiên, nhiều buổi sáng thức giấc, Việt Dũng cảm thấy “ngại đến cơ quan”.
Anh kể: “Tôi sống ở Hà Đông nhưng lại đi làm ở Hoàng Cầu, cách nhà gần 10km. Mỗi buổi sáng, tôi thường mất một tiếng di chuyển trên đường, khi đến cơ quan thường mất nửa tiếng để tỉnh táo lại, loanh quanh một lúc thì đến trưa đi ăn cùng đồng nghiệp, nghỉ ngơi làm được vài ba tiếng là đến chiều. Trục đường về nhà luôn tắc cứng khiến tôi ám ảnh, nhiều hôm 19-20h mới về đến nhà”.
Ngoài lý do đi lại vất vả, Việt Dũng nhận thấy việc quản lý hành chính với một số vị trí trong văn phòng chưa thực sự đem lại hiệu quả.
“Thời gian ấy, tôi muốn có thể đến cơ quan làm lúc 10-11h, nhưng về muộn hẳn, làm việc một cách tập trung”, Dũng nói.
Sau gần 2 năm làm ở công ty du học, Dũng quyết định nghỉ việc để mở một trang web và kinh doanh online.
Nhờ thế mạnh về xây dựng trang web, marketing, Việt Dũng có khởi đầu khá thuận lợi. Nhưng về lâu dài, việc cân đối tài chính, nhập hàng… khiến anh gặp khó.
Lợi nhuận không đột phá, Dũng quyết định đóng cửa trang web. Khoảng thời gian vận hành hơn 6 tháng giúp anh nhận ra những ưu điểm của việc được làm chủ chính mình, làm chủ thời gian.
Trước khi quyết định làm freelancer, Việt Dũng có một năm rưỡi sinh sống, làm việc ở Trung Quốc. Anh kể: “Năm 2018, vợ tôi sang Trung Quốc làm việc cho công ty game. Tôi cũng xin vào làm việc cho công ty về ứng dụng phần mềm. Nhờ vậy, sau này khi về nước, chúng tôi có thêm nhiều quan hệ để bổ trợ cho công việc hiện tại”.
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với việc vợ mang thai, Việt Dũng quyết định lựa chọn làm freelancer.
Sau khi vợ sinh con, nhận thấy cơ hội thăng tiến của vợ tốt hơn, anh Dũng động viên vợ nên đi làm đúng thời hạn. Anh có thể vừa làm việc đảm bảo thu nhập, vừa ở nhà chăm con.
Ông bố trẻ đồng hành cùng con những năm tháng đầu đời.
Hàng ngày, Việt Dũng làm tròn các nhiệm vụ của một ông bố bỉm sữa từ cho con ăn, cho con ngủ, chơi với con, chăm sóc vệ sinh cá nhân… Suốt 3 năm đầu khi con chưa đi học, anh ưu tiên xử lý công việc vào những lúc con ngủ, buổi trưa hay buổi tối.
Những khi con ốm phải nằm viện, anh ôm máy tính vào viện trông con và làm việc mà không phải xin nghỉ làm hay chú ý đến thái độ của sếp.
Trốn được khói bụi nhưng không chỉ thấy màu hồng
Công việc của Việt Dũng là sản xuất các content (nội dung, thông điệp được truyền tải qua các hình thức như bài viết, video, hình ảnh), chạy quảng cáo, lập trang web, đào tạo marketing… Các đầu việc đến từ công ty trong nước và Trung Quốc.
Năm năm “ngồi ở nhà làm cho công ty nước ngoài”, ông bố trẻ nhận ra nhiều cái lợi khi làm freelancer.
Anh chia sẻ, Hà Nội ngày càng ô nhiễm. Đặc biệt những ngày qua, Hà Nội luôn trong top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Vậy nên, việc không phải di chuyển trên đường mỗi sáng giúp anh tiết kiệm được 1-2 tiếng, đầu óc không căng thẳng khi lái xe, sức khỏe được bảo vệ vì hạn chế được khói xe, bụi mịn…
Anh có thời gian đồng hành bên con, nuôi con theo kiểu mình muốn, có thời gian gần gũi với gia đình. Vợ anh Dũng làm giám đốc sản phẩm của một công ty nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam nên thi thoảng, vợ có công việc gấp cần xử lý, anh Dũng có thể hỗ trợ từ xa.
“Điểm lợi nhất có lẽ là thời gian tôi làm việc không quá nhiều, chỉ khoảng 4-5 tiếng mỗi ngày nhưng vẫn có mức thu nhập như nhiều người đi làm trực tiếp ở các công ty”, Việt Dũng cho hay.
Nhờ những ưu điểm này mà ngày càng có nhiều người trẻ chọn freelancer. Tuy nhiên theo Việt Dũng, việc gì cũng có hai mặt. Làm freelancer không phải chỉ có màu hồng.
Cụ thể, thu nhập của một người làm tự do sẽ không ổn định. Thời gian nghe có vẻ linh động nhưng trong nhiều trường hợp, người làm nghề tự do không có ngày nghỉ bởi những yêu cầu cấp bách của khách hàng hay khi cần trả sản phẩm trong một thời gian ngắn.
Vì đóng góp công sức một cách thầm lặng và gần như “giấu mặt” nên các freelancer sẽ khó tạo ra một hồ sơ đẹp hay chuỗi thăng tiến trong sự nghiệp.
“Người làm nghề tự do như tôi sẽ đem lại cảm giác không yên tâm cho bố mẹ bởi lúc nào, bố mẹ cũng thấy con cái không có sự nghiệp, thiếu sự ổn định, sau này không có lương hưu…”, Việt Dũng nói.
Đặc biệt, anh cho rằng, một người làm tự do nếu không có kỷ luật, dễ thỏa hiệp với bản thân khi muốn nghỉ ngơi, muốn chọn những công việc dễ… thì sẽ khó duy trì được lâu dài, thu nhập nhì nhằng thậm chí không đủ sống.
Những người thiếu kinh nghiệm có thể còn đối mặt với việc bị “ăn quỵt” khi bàn giao sản phẩm nhưng không được khách hàng thanh toán.
“Tôi thường dùng các phần mềm để quản lý dateline (hạn bàn giao công việc, sản phẩm), kết hợp làm cùng các freelancer khác để kiểm soát chéo tiến độ, làm việc dựa vào các mối quan hệ hoặc qua trung gian (nếu chọn việc qua các chợ online)…”, ông bố trẻ cho hay.
Việt Dũng còn thường tìm cách gìn giữ các mối quan hệ công việc như tăng cường sự tương tác với khách hàng trên các nền tảng, tư vấn miễn phí cho khác hàng cũ.
Anh còn tham gia mua bảo hiểm, trích một phần thu nhập mua chứng chỉ quỹ đầu tư… để có khoản tiền lo cho sau này.
Từ kinh nghiệm bản thân, ông bố trẻ đưa ra lời khuyên cho những người đang băn khoăn giữa việc đi làm công ty và làm tự do tại nhà: “Lựa chọn nào cũng có cái được, cái mất. Trước khi quyết định, mỗi người nên tính toán một cách rõ ràng, xem xét tới lĩnh vực mình làm, tính cách của bản thân…
Có những người phù hợp làm việc ở nhà nhưng có những người phải đến môi trường công sở, nếu chỉ làm việc một mình, họ sẽ bị trầm cảm hoặc không phát huy được tối đa năng lực…”.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/ha-noi-ong-bo-lam-viec-o-nha-luong-nghin-usd-van-ranh-cham-con-20241115152446463.htm