Trang chủNewsVăn hóa - Xã hộiĐừng đổ lỗi của đạo đức học đường cho cơ chế thị...

Đừng đổ lỗi của đạo đức học đường cho cơ chế thị trường

Nổi tiếng là người giảng bài say mê, hấp dẫn trên bục giảng với nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ Văn (ĐH Tổng hợp Hà Nội nay là ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), tên tuổi thầy Trần Hinh không gắn với danh hiệu học hàm, học vị nào. Ông từng du học ở Pháp, giảng cực hay về văn học phương Tây, khai mở ngành nghệ thuật học và điện ảnh cho khoa Văn.

Với gần 40 năm dạy học, mấy chục đầu sách dịch thuật và nghiên cứu, từng là Phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Văn học phương Tây và Nghệ thuật học, nhưng về mình ông đã nói thật nhẹ nhõm: Tôi chỉ là một giảng viên chính.

Gần đến ngày 20-11 năm nay, chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn với ông về đạo lý thầy và trò, vấn đề không còn bằng phẳng như những năm tháng xa xưa nữa. Học đường thời nay đã phát sinh những câu chuyện mới, trong sự thay đổi của mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội. Khi mà phụ huynh – học sinh phải trả tiền (mà học phí giờ còn được tính đúng, tính đủ) cho sự học thì thầy – trò liệu có còn “nhất tự vi sư”?

Một thế hệ thầy cô đã lan truyền cái tên “Tổng hợp Văn” như một huyền thoại

PV: Thưa ông, có một đặc điểm là nhiều thầy giáo khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, là học ở đó rồi gắn bó cả đời với công việc giảng dạy ở đó. Ông cũng không là ngoại lệ?

3.jpg
Nhà giáo Trần Hinh.

Nhà giáo TRẦN HINH: Đúng rồi. Nhưng tôi xin được cải chính một chút: điều đó chỉ đúng với một vài khóa trước, sau và khóa của tôi thôi. Bởi lẽ, trước đó, thời điểm Đại học Tổng hợp Hà Nội được tách khỏi Sư phạm Văn khoa vào năm 1956, thì phần lớn các giáo viên đều được điều động từ nhiều nơi khác nhau, có thầy học khóa 1 được giữ lại, có thầy đã từng là giáo viên Văn khoa, có người từ những nguồn khác nữa, thậm chí có thầy từ giảng dạy phổ thông. Phải bắt đầu từ khóa 14, khóa của các thầy Bùi Việt Thắng, Mai Ngọc Chừ, Nguyễn Văn Cảnh, do muốn tăng cường lực lượng giảng dạy, khoa mới giữ người ở lại. Khóa tôi (16) là đông nhất. Tôi vừa nhìn thấy tờ quyết định của trường (anh Nguyễn Hữu Việt Hưng khoa Toán, còn giữ lại được cho xem), thì năm 1976, trường Đại học Tổng hợp tuyển tới gần 30 giảng viên. Quả là một con số kinh khủng. Đa phần chúng tôi được giữ lại ngày ấy, đều gắn bó với trường cho đến tận lúc nghỉ hưu. Mặc dù đời sống, lương bổng ngành giáo dục hồi đó thấp, nhưng phần lớn các thầy cô đều vui vẻ gắn bó với nghề. Thế hệ chúng tôi hồi đó yêu nghề và ít có “tham vọng” vật chất. Tôi không ngoại lệ.

“Không nên vin vào cơ chế thị trường để đổ lỗi cho hiện tượng này. Vấn đề của giáo dục phức tạp và nhạy cảm hơn rất nhiều. Nó là của mọi nhà, và ai cũng có thể vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của một hiện tượng giáo dục xấu nào đó.”

Nói đến một thế hệ các thầy cô khoa Văn Tổng hợp là nói đến những người rất giỏi, như GS Đỗ Đức Hiểu, PGS Đặng Thị Hạnh, NGND Lê Hồng Sâm, rồi các thầy Phan Cự Đệ, Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Trần Đình Hượu (nhiều lắm không thể nói hết), cá nhân mình, ông nhận được gì từ những nhà giáo ấy?

– Tôi nhận được rất nhiều từ mỗi thầy cô những tri thức, tư chất, phong cách, thái độ cư xử, tình cảm đối với đồng nghiệp và học trò. Với nghề dạy học, biết bao nhiêu là kinh nghiệm, bài học, tất cả đều khá giống nhau, nhưng mỗi người lại có một nét độc đáo riêng. Tôi nói ví dụ, với thầy Đỗ Đức Hiểu, đó là sự làm việc miệt mài, vô tư, nghiêm túc trong chuyên môn. Thầy Hiểu có một câu dặn dò, khuyên nhủ chúng tôi, khiến tôi nhớ mãi không bao giờ quên, là “đừng biến mình thành các bản sao của người khác”. Mỗi người phải là cá tính sáng tạo riêng mình, phải luôn là mình. Cô Lê Hồng Sâm lại là thái độ ân tình, lời nói dịu dàng, duyên dáng, một tấm gương dịch thuật không biết mệt mỏi. Với PGS Đặng Thị Hạnh, người thầy trực tiếp của tôi, thì nghiêm khắc, không bao giờ khoan nhượng với học trò. Tôi nhớ, trước khi chuyển giao bài giảng cho tôi, bà dặn đi dặn lại rằng, trước khi làm nghiên cứu văn chương, phải đọc thật nhiều triết học, dạy văn mà không biết triết thì khó lắm…

Nói chung tất cả các thầy cô khoa Văn hồi đó, có thể tính cách tài năng khác nhau, nhưng họ đều giống nhau là tận tình, chu đáo với học trò. Họ đã lan truyền cái tên “Tổng hợp Văn” như một huyền thoại trong suốt nhiều năm, thành một địa chỉ đáng tin cậy trong đào tạo văn học. Thật khó nói rành rọt, đến lượt mình, tôi đã thực hiện những bài học từ họ như thế nào. Tôi chỉ biết làm một cách tự nhiên như vốn tính cách của mình thôi. Tôi không thể nào so sánh với các thầy cô về tài năng và sức làm việc. Ở thế hệ của tôi, nhiều thứ đã thay đổi. Chẳng hạn, thế hệ chúng tôi không chấp nhận khó khăn gian khổ như các thầy cô trước. Chúng tôi bằng nỗ lực phải tạo cho mình một cuộc sống tạm ổn. Nhưng về mối quan tâm đến học trò, thì cũng giống các thầy cô chúng tôi.

2(1).jpg
Nhà giáo Trần Hinh (giữa) trong buổi tọa đàm về điện ảnh.

“Không có một học trò xấu. Chỉ có một giáo viên tồi”

Dù thầy không dạy phổ thông bao giờ nhưng là một nhà giáo, chắc cũng không thể không quan tâm đến những sự cố của giáo dục vừa rồi. Chẳng có bao giờ việc “bóc phốt” thầy cô lại dễ như bây giờ. Ông nghĩ gì về việc thầy cô dễ bị quay clip đưa lên mạng nếu có hành xử nào đó chưa phù hợp. Về phương pháp giáo dục, thầy cô mà bị học trò “rình rập” cho dù có ứng xử sai thì có nên không?

“Trong nhiều năm giảng dạy, tôi còn kém xa các thầy cô của tôi rất nhiều điều. Nhưng lại tự hào mình là người đầu tiên trong các thầy cô khoa Văn mở được lối thoát cho khoa bằng việc mở chuyên ngành đào tạo điện ảnh.”

– Ở bậc đại học mà tôi dạy, quả thực rất ít khi xảy ra hiện tượng này. Các thầy cô đại học có lẽ cũng không giống với bậc phổ thông, lên lớp không nhiều, chỉ chủ yếu theo các chuyên đề, sự gắn bó với học trò rất ít. Nhưng thử đặt mình vào trường hợp như vừa nêu, bản thân tôi thuộc lớp người cũ, nên quả thực rất khó chấp nhận hiện tượng này. Tôi quan niệm rằng, một học sinh trong lớp học chỉ có một việc duy nhất là tập trung vào việc nghe giảng, không nên làm những việc gì bên ngoài hoạt động này. Thầy cô giáo dù có thế nào cũng không nên bị coi là đối tượng “theo dõi” để “bóc phốt” của học trò, còn có nhiều cách để phản ánh về hành xử chưa đúng mực của thầy cô. Suy nghĩ của cá nhân tôi là như vậy.

Những vấn đề của học đường ngày nay, sự rạn nứt của quan hệ thầy trò hiện nay do tác động của cơ chế thị trường khiến ông có suy nghĩ gì?

– Tất nhiên tôi rất buồn. Làm nghề dạy học mà không buồn trước thực trạng đó thì mới lạ. Nhưng tôi cũng nghĩ, không nên vin vào cơ chế thị trường để đổ lỗi cho hiện tượng này. Vấn đề của giáo dục phức tạp và nhạy cảm hơn rất nhiều. Nó là của mọi nhà, và ai cũng có thể vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của một hiện tượng giáo dục xấu nào đó. Điều quan trọng là ta phải tìm ra nguyên nhân cốt lõi của sự rạn nứt trong mối quan hệ thầy trò ngày nay để có cách khắc phục. Trong trường hợp nếu diễn ra một mối quan hệ xấu nào đó, thì tôi lại thấy lỗi của người thầy lớn hơn. Tôi vẫn nhớ câu nói của nhà giáo dục học người Nga Makarenko: “Không có một học trò xấu. Chỉ có một giáo viên tồi”. Đúng vậy đấy ạ.

Vấn đề không phải học phí cao mà là sinh viên ra trường không có việc làm

Nhìn sinh viên ngày nay với việc học phí ngày càng tăng, giá phòng trọ tăng, giá cả mọi thứ tăng, ra trường chật vật tìm việc, ông nghĩ gì?

“Tôi có dịp quan sát một số nền giáo dục bên ngoài (Pháp và Mỹ chẳng hạn), ở đó không thể nói là không có cơ chế thị trường. Nhưng đạo thầy trò thì vẫn có. Tất nhiên, ở thời đại ngày nay, tiêu chí và chuẩn mực của đạo thầy trò cũng nên có sự điều chỉnh cho phù hợp.”

– Trước hết tôi thấy thương cảm họ. Quả là sinh viên ngày nay khác rất nhiều với chúng tôi ngày xưa. Tôi nhớ, hồi tôi vào học đại học, không phải đóng học phí, thuê nhà, lại được học bổng, tuy không nhiều nhưng cũng đủ chi tiêu trong tháng. Tất nhiên, dù vậy, hồi đó chúng tôi cũng khó khăn lắm. Ví dụ, ngày nào cũng có cảm giác đói. Sinh viên bây giờ không đói. Họ được gia đình giúp đỡ, họ đi làm thêm bằng mọi cách để kiếm thêm tiền. Họ phải đóng học phí cao, tất nhiên rồi. Nhưng nếu nhìn sang một số nước khác, học phí còn phải đóng cao hơn rất nhiều, ví dụ Mỹ, trung bình học phí hàng năm khoảng 50 ngàn đô (nhưng ở Séc hay Đức thì lại không phải đóng). Học phí ở nước ta thực ra không cao, do dân mình nghèo, nếu cao quá sợ không có người học, trong khi ra trường lại khó xin việc. Đây mới là điều đáng suy nghĩ. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề của riêng trường học. Cần phải xem nó là vấn đề xã hội. Xã hội phải chịu trách nhiệm trước các công dân tương lai của mình; phải cải thiện việc làm, chứ không phải vấn đề học phí cao hay thấp. Bởi nếu học phí thấp, các trường học lấy đâu kinh phí để trả lương giáo viên, mở mang ngành học mới, in ấn giáo trình, tài liệu, xây dựng cơ sở vật chất… Nói chung tôi không ngạc nhiên về mức học phí thấp hay cao, vì mỗi trường đều phải tự biết đề ra chính sách học phí của mình sao cho hợp lý. Tôi nói ví dụ trường Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, năm vừa qua mặc dù đã có nghị quyết nâng mức học phí lên gấp 2, 3 lần so với hiện nay, nhưng đến lúc quyết định thì buộc phải dừng lại (chỉ tăng vừa phải thôi). Nếu không học sinh sẽ không vào học. Nói chung xung quanh vấn đề này, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo đều không thể tự quyết định được. Nó là vấn đề của cả xã hội.

Đáng tự hào nhất là mở ra một chuyên ngành mới

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời đi dạy học của ông là gì?

– Nhiều lắm. Tôi có gần 40 dạy học, nên kỷ niệm dạy học của tôi nhiều không thể kể hết được. Kỷ niệm nhiều nhất là với học trò. Trong gần 40 năm dạy học, tôi có nhiều học trò, tất nhiên không phải kỷ niệm nào cũng êm đềm nhưng tôi thật sự trân trọng họ. Học trò sau khi ra trường, làm việc này việc kia, họ giúp tôi nhiều, mở cho tôi thêm những chân trời xa lạ khác. Tuy nhiên, nếu nói đến kỷ niệm đáng nhớ nhất, là phải nói tới sự chuyển đổi từ một người dạy văn học phương Tây sang điện ảnh như hiện nay. Tôi vốn là người dạy văn học phương Tây, cụ thể là văn học học Pháp. Với chuyên ngành này, tôi đã phải vượt qua khó khăn thế nào, chắc phải kể trong nhiều trang giấy. Vậy mà, những năm cuối đời dạy học, tôi bất ngờ chuyển sang giảng dạy và nghiên cứu điện ảnh, một chuyên ngành vốn không được đào tạo cơ bản. Tôi nhớ khoảng những năm 2000, khoa Văn chợt nhận ra, sinh viên của mình nếu cứ chỉ bó hẹp trong chuyên ngành văn chương, thì trong tương lai, tìm việc làm với họ sẽ rất khó. Từng có thời, sinh viên được đào tạo ở khoa Văn làm được rất nhiều nghề. Nhưng đó là thời điểm chưa có các trường chuyên ngành. Nhưng khi đã có, các trường chuyên ngành đã đủ năng lực đào tạo, sự khó khăn của sinh viên khoa Văn sau khi ra trường là khó tránh khỏi. Thế là khoa phải nghĩ mở mới các chuyên ngành. Trước đó, bên cạnh Văn đã có Hán Nôm. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Cần phải trang bị cho sinh viên một chuyên ngành mới, phù hợp hơn với nhu cầu xã hội Và thế là chuyên ngành Nghệ thuật học được mở ra.

Đúng thời điểm đó, Quỹ Ford cũng đã nghĩ đến việc tài trợ một dự án đào tạo điện ảnh cho sinh viên khoa Văn. Họ nghĩ, trên nền tảng kiến thức văn chương, nếu sinh viên được đào tạo tiếp biên kịch và phê bình điện ảnh thì rất tốt. Lúc ấy, có một số sinh viên của khoa nhờ quen biết Quỹ Ford đã giới thiệu dự án cho khoa Văn. Tôi được giới thiệu làm chủ nhiệm dự án (do tôi từng có một chuyên đề điện ảnh trong văn học lúc ấy đang dạy). Lúc đầu lấy lý do không biết nhiều về điện ảnh, nên tôi từ chối. Nhưng anh Michael DiGrigori, cán bộ phụ trách Quỹ kiên trì thuyết phục tôi. Anh ấy nói, bây giờ thầy có thể chưa biết nhiều điện ảnh nhưng cứ làm thì thầy sẽ biết. Thậm chí còn thích. Và thế là tôi nhận lời. Tôi không ngờ chỉ sau mấy năm, vào 2008 (dự án vận hành từ 2003) nhà trường đồng ý cho thành lập bộ môn Nghệ thuật học, song song với việc đào tạo biên kịch và lý luận phê bình điện ảnh (nhiều sinh viên viết biên kịch điện ảnh chúng tôi đào tạo ra từ đó, nay đang làm nghề). Bây giờ sau gần 20 năm từ ngày làm dự án điện ảnh, chúng tôi đã chính thức được mở ngành đào tạo. Đây là chuyên ngành thứ 3 trong khoa Văn: Điện ảnh và nghệ thuật đại chúng. Chúng tôi đã có cả một thư viện sách và phim điện ảnh, có phòng chiếu phim riêng, hàng tuần và hàng tháng đều có chiếu phim chuyên đề, giao lưu với nhiều trung tâm điện ảnh trong nước và trên thế giới. Tôi rất tự hào về điều đó. Quả là trong nhiều năm giảng dạy, tôi còn kém xa các thầy cô của tôi rất nhiều điều. Nhưng lại tự hào mình là người đầu tiên trong các thầy cô khoa Văn mở được lối thoát cho khoa bằng việc mở chuyên ngành đào tạo điện ảnh.

Kể cả cơ chế thị trường thì đạo thầy trò vẫn có

Sau này gặp lại nhiều học trò cũ trong những hoàn cảnh khác nhau, ông có khi nào thất vọng và nhận ra sự thất bại trong giáo dục khi chứng kiến hành xử của họ? Ông có bao giờ bị học trò phản bội không?

– Thú thực tôi gần như không gặp trường hợp nào như trên vừa nói. Cũng có thể do tôi là người thích sống hiền hòa, ngại va chạm, quan hệ bên ngoài vừa phải nên ít gặp chăng? Thực sự trong chừng ấy năm dạy học, tôi thấy học trò của mình ra trường cũng không đến nỗi nào. Họ làm việc tốt và sống cũng được. Có một số còn khá giả. Còn vấn đề có bị học trò nào phản bội không? Tôi nghĩ là không. Hoặc có thể có nhưng tôi không biết. Tôi sống đơn giản nên cũng thường hay bỏ qua những việc không hay ho với mình. Đơn giản vậy thôi.

Quan điểm của ông về việc giữ đạo thầy trò trong cơ chế thị trường hiện nay?

– Là người thầy, tôi nghĩ trong bất cứ hoàn cảnh nào, kinh tế thị trường hay không, thì đạo thầy trò vẫn cứ nên luôn được giữ gìn, trân trọng. Tôi có dịp quan sát một số nền giáo dục bên ngoài (Pháp và Mỹ chẳng hạn), ở đó không thể nói là không có cơ chế thị trường. Nhưng đạo thầy trò thì vẫn có. Tất nhiên, ở thời đại ngày nay, tiêu chí và chuẩn mực của đạo thầy trò cũng nên có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, quan niệm nhất nhất học trò phải nghe theo thầy, thì không phải trong hoàn cảnh nào cũng giữ nguyên vậy. Nhưng quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) thì không bao giờ sai. Mọi thứ đạo đức học đường cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với xã hội hiện đại. Tôi nghĩ thế!

Xin trân trọng cảm ơn thầy Trần Hinh! Chúc ông đón Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 trong hạnh phúc với sự quý mến và biết ơn của các thế hệ học trò!

Các công trình nghiên cứu của nhà giáo Trần Hinh:
– V.Hugo với chúng ta (1985, NXB Tác phẩm Mới, viết chung)
– V. Hugo ở Việt Nam (1985, Viện Văn học, viết chung)
– Lịch sử văn học Pháp thế kỷ 19 (1992, NXB Thế giới, viết chung)
– Lịch sử văn học Pháp thế kỷ 20 (1994, NXB Thế giới, viết chung)
– Những chân trời văn chương (1999, NXB Hội Nhà văn, viết chung)
– Tiểu thuyết A.Camus trong bối cảnh tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX (2005, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, viết chung)
– Một số vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học (2006, NXB ĐH Quốc gia HN, viết chung)
– Đặng Thai Mai – Tác giả và tác phẩm (2007, NXB Giáo dục, viết chung)
– Người đọc và công chúng nghệ thuật đương đại (2011, NXB ĐH Quốc gia HN, viết chung)
– Tiểu thuyết phương Tây thế kỷ XX: Khuynh hướng – Tác giả – Tác phẩm (2016, NXB ĐH Quốc gia HN, viết chung)
Ngoài ra, từ năm 1991 đến nay, ông có 5 công trình dịch thuật (dịch chung) đã được XB: Tuyển tập Văn học Pháp thế kỷ 19 & 20 (NXB Thế Giới, 1991, 3 tập), Tuyển tập truyện ngắn Francophone, (NXB Văn học, 1988, 2 tập), Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ 20 (NXB Trẻ, 1998), Đọc truyện ngắn (chuyên luận của Grojnowski, dịch chung với Phùng Ngọc Kiên, NXB Hội Nhà Văn, 2017), Thi pháp hiện đại – Một số vấn đề lý luận và ứng dụng (biên soạn và viết bài Tổng luận, NXB GD, 2012).
Ông có 30 công trình nghiên cứu khoa học thuộc chuyên ngành văn học và nghệ thuật điện ảnh đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành; 2 công trình viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh in tại Liên bang Đức và Cộng hòa Pháp (năm 2012 và 2013) và nhiều bài viết in trên các báo, tạp chí.
Ông còn tham gia biên soạn sách cho học sinh bậc giáo dục phổ thông.



Nguồn: https://daidoanket.vn/nha-giao-tran-hinh-dung-do-loi-cua-dao-duc-hoc-duong-cho-co-che-thi-truong-10294656.html

Cùng chủ đề

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Có một mái trường Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên) là mái nhà chung của con em người dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn các tỉnh miền núi phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra). ...

Khơi dậy tình đoàn kết từ mỗi khu dân cư

Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTƯ về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Mỗi năm, vào dịp này các khu dân cư lại tưng bừng không khí đoàn kết. ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil bắt đầu chuyến công tác dự Hội nghị G20

Đây là lần thứ năm Việt Nam được mời tham dự một Hội nghị thượng đỉnh G20 và là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Theo đặc phái viên...

Bản tin Mặt trận sáng 17/11

Bản tin Mặt trận sáng 17/11 của Báo Đại Đoàn Kết gồm một số nội dung chính như sau: Tưng bừng Ngày hội Đại đoàn kết bản Vều 1 (Nghệ An); Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Mỹ Tho; Khối thi đua II, Công đoàn Viên chức Việt Nam trao tặng 2 căn nhà Đại đoàn kết ở tỉnh Tuyên Quang; Giúp đồng bào...

Ngày hội ở khu phố Tân Nhất (Ninh Bình)

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu phố Tân Nhất, thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan (Ninh Bình) diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, thắm đượm tinh thần đoàn kết. Ngày 16/11, nhân...

Bài đọc nhiều

Kinh nghiệm chọn mua sim số đẹp phù hợp từng nhu cầu

Một sim số đẹp với những dãy số hài hòa, dễ nhớ, mang đến cho người sở hữu một đẳng cấp riêng, như một tấm danh thiếp vô hình, góp phần khẳng định vị thế và sự thành công của chủ nhân. Trong giao tiếp, một số điện thoại đẹp sẽ tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp, giúp người đối diện ghi nhớ lâu hơn. Đặc biệt, trong kinh doanh, một sim số đẹp còn là công cụ hữu...

Các tác phẩm trưng bày triển lãm Liên hoan Ảnh nghệ thuật Khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 26 năm 2024

Với chủ đề “Văn hóa đồng bằng sông Hồng – Nơi hội tụ và phát triển”, qua nhiều vòng chấm, Ban tổ chức Liên hoan Ảnh nghệ thuật Khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 26 năm 2024 đã chọn ra 135 tác phẩm được trưng bày triển lãm. ...

Hợp tác quốc tế để bảo vệ cơ sở hạ tầng số quan trọng của Việt Nam

Ghi nhớ hợp tác giữa Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) với Cơ quan An ninh mạng và an ninh cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ - CISA tiếp tục khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng số quan trọng. Ngày 14/11, tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin – AIS thuộc Bộ TT&TT Việt Nam và Cơ quan An ninh mạng và an ninh cơ sở hạ tầng...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà...

Cùng chuyên mục

Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc

Phó Chủ tịch nước khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng tại Séc đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng-phát triển đất nước, luôn hướng về quê hương. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Karel Havlicek bày tỏ vui mừng khi được tham dự sự kiện, khẳng định vai trò của người Việt tại Cộng...

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Tuần Đại đoàn kết các dân tộc

(Tổ Quốc) - Tối ngày 16/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản...

Chồng đạp xe 4.400km trong 100 ngày để hàn gắn với vợ sau 2 năm xa cách

Sau 2 năm ly thân, người đàn ông Trung Quốc đạp xe 4.400 km trong hơn 100 ngày để làm hòa với vợ tuy nhiên hành động này lại bị cộng đồng mạng chỉ trích. ...

Viết bằng nhịp đập của trái tim

Khi viết sách về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tác giả Cho Chulhyeon đã nhiều lần thay đổi văn phong theo những xao động của trái tim ông...

Mới nhất

Vietcombank ban hành Khung Trái phiếu xanh

Xây dựng Khung Trái phiếu xanh là hành động thiết thực nhằm hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ của Vietcombank về phát triền bền vững, ưu tiên tăng trưởng tín dụng xanh đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông...

Trung Quốc phóng thành công tàu chở hàng Thiên Châu-8 đưa “gạch Mặt trăng” lên vũ trụ

Trong sứ mệnh lần này, tàu Thiên Châu-8 mang theo các vật tư thiết yếu cho phi hành gia trên quỹ đạo, trong đó có nhu yếu phẩm sinh hoạt, vật tư y tế và vật liệu hỗ trợ cho các chuyến đi bộ ngoài không gian của các nhà du hành vũ trụ.

Kỳ Duyên và 29 người đẹp diễn bikini bốc lửa ở Miss Universe 2024

Top 30 thí sinh khoe thân hình nóng bỏng, kỹ năng trình diễn mãn nhãn trong phần thi áo tắm ở chung kết Miss Universe 2024 ngày 17/11 (giờ Việt Nam) tại Mexico. Top 30 thí sinh Miss Universe 2024 bước vào phần thi áo tắm trong tiếng cổ vũ cuồng nhiệt từ khán giả. Trên nền nhạc sôi động,...

Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc

Phó Chủ tịch nước khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng tại Séc đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng-phát triển đất nước, luôn hướng về quê hương. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Karel...

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Sau những thành công từ lô vaccine AVAC ASF LIVE nhập khẩu hồi tháng 8/2024, dự kiến, tháng 12 này, Philippines sẽ tiếp tục nhập khẩu 1 lô hàng nữa từ AVAC. Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam - đã trao đổi với phóng viên, báo chí...

Mới nhất