Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên) là mái nhà chung của con em người dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn các tỉnh miền núi phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra).
Mái ấm “đại đoàn kết”
Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc có khoảng 2.000 học sinh nội trú, đến từ hơn 30 DTTS vùng cao. Trong đó, có một số dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Clao, La chí, La hủ, Bố y…
Với đặc thù của trường giáo dục và đào tạo cho con em người dân tộc, nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cả kỹ năng sống, lý tưởng sống tốt đẹp, khát khao học tập và khát vọng cống hiến xây dựng quê hương, đất nước. Mục đích để học sinh có cơ hội phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và phát huy tính tự lập.
Để Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc luôn là mái nhà chung cho các thế hệ học sinh, nhà trường tổ chức các chương trình ngoại khóa, sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, Tết của các dân tộc khác nhau, Tết cổ truyền, Hội xuân, giao lưu thể thao… Các sự kiện được diễn ra thường xuyên, xuyên suốt trong năm, từ đó giúp các em hiểu biết về văn hóa, tập quán của các DTTS, giúp đỡ lẫn nhau, tạo dựng tinh thần Đại đoàn kết các dân tộc.
Em Chúng Thị Thu Liên, dân tộc Pu Péo, học sinh lớp 10C6, đến từ bản Cháng Lô, xã Sủng Cháng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), một xã nghèo đặc biệt khó khăn. Mới 15 tuổi, em đi qua quãng đường hơn 300 km rời xa gia đình để đến với mái trường vùng cao Việt Bắc, ăn chung, ở chung và học cùng với bạn mới của nhiều dân tộc khác nhau.
Em Liên tâm sự rằng, ban đầu em nghĩ sẽ mất nhiều thời gian để làm quen với môi trường nơi đây, nhưng thực tế thì ngược lại. Với sự chỉ bảo, chăm sóc tận tâm của các thầy, cô giáo và sự giúp đỡ của các bạn, em đã hòa nhập và tự tin học tập, sinh hoạt tại trường.
Em Tô Hà Chuyên, học sinh lớp 11C1 chia sẻ: “Em vẫn nhớ tiết học đầu tiên khi nhập trường năm lớp 10, được học Bộ môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với chủ đề “Tìm hiểu truyền thống Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc”. Em rất tự hào vì trở thành một thành viên của đại gia đình Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Điều đó thôi thúc em phải cố gắng học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa”.
Được thành thành từ năm 1957, đến nay nhà trường đã đào tạo, nuôi dưỡng hơn 40.000 học sinh DTTS. Các thế hệ học sinh ra trường cơ bản đã trưởng thành, có việc làm và địa vị trong xã hội. Nhiều người giữ các chức vụ cao, là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh thành, thành phố trên cả nước.
Trái ngọt của sự nỗ lực
Cô Trần Thị Thanh Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thầy, cô nhà trường luôn đề cao trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; thực hiện “vừa dạy chữ, vừa dạy người”. Để giúp học sinh mới nhanh chóng làm quen, hòa nhập với môi trường, nhiều thầy cô đã tự học thêm tiếng dân tộc để có thể trò chuyện, nắm bắt tâm tư, tình cảm giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, học tập.
Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc có tổng số 235 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trường có 157 giáo viên, có 70% có trình độ thạc sỹ, còn lại là trình độ đại học.
Mặc dù chất lượng đầu vào của học sinh nhà trường không cao như các trường điểm, trường chuyên, nhưng số lượng học sinh của trường đoạt giải Học sinh giỏi Quốc gia hàng năm vẫn luôn được duy trì và phát triển, cao hơn các trường THPT chuyên trong khu vực.
Tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh của học sinh nhà trường luôn dẫn đầu trong khối không chuyên của tỉnh Thái Nguyên, với số lượng đoạt giải duy trì từ 250 – 300 học sinh mỗi năm. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm của nhà trường đều đạt 100%, cơ bản đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Tập thể Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc và nhiều cá nhân đã nhận được nhiều khen thưởng, phần thưởng cao quý như: Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm học 2020 – 2021; Cờ thi đua của Ủy ban Dân tộc năm học 2022 – 2023; Bằng khen của Bộ GDĐT năm học 2019 – 2020; Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc năm học 2022 – 2023…
Nguồn: https://daidoanket.vn/co-mot-mai-truong-dai-doan-ket-cac-dan-toc-viet-nam-10294622.html