Xác định chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp căn cơ nhất để hỗ trợ hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) phát triển bền vững, thời gian qua, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) Chi nhánh Nam Định đã đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng dịch vụ ngân hàng số nhằm nâng tầm Co-opBank ngày càng hiện đại để dẫn dắt toàn hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh CĐS.
Sử dụng dịch vụ ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí khi giao dịch chuyển, nhận tiền. (Trong ảnh: Giao dịch tại quầy ở Quỹ tín dụng nhân dân Hải Phương, huyện Hải Hậu). |
Năm 2022, tại Co-opBank Chi nhánh Nam Định có hàng loạt các sản phẩm, tiện ích, ứng dụng của ngân hàng số được triển khai đồng loạt, bao phủ các hoạt động của ngân hàng như Co-opBank Mobile Banking, thẻ Co-opBank Napas, thẻ GenZ dành cho học sinh, sinh viên; chuyển khoản nhanh 24/7, nạp tiền và thanh toán hóa đơn tại quầy… Đặc biệt, hệ thống ngân hàng điện tử EBanking của Co-opBank được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2022 thay thế cho hệ thống CF-eBank trước đây đã cơ bản đảm bảo đầy đủ chức năng phục vụ cho toàn hệ thống và các QTDND, dần bắt kịp với xu thế CĐS nói chung của toàn ngành Ngân hàng. Khách hàng thành viên khi sử dụng dịch vụ sẽ chỉ cần 1 vài phút thao tác để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn… tiết kiệm thời gian từ 30-40 phút, công sức đi lại và không phải lo lắng các rủi ro trong chuyển tiền, thanh toán. Đây là giải pháp quan trọng, giúp khách hàng thành viên ở khu vực nông thôn không chỉ được thụ hưởng các dịch vụ tài chính mới mà còn gia tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng hiện đại, góp phần thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, Co-opBank Chi nhánh Nam Định đã mở rộng phát hành thẻ chip Co-opBank Napas tới khách hàng thành viên QTDND và đã hoàn thành việc kết nối thanh toán giao thông (Vinbus) và kết nối thanh toán thẻ với BC Card cho phép thẻ chip Co-opBank Napas có thể giao dịch thanh toán tại Hàn Quốc, cấp hạn mức thấu chi lên tới 100 triệu đồng cho khách hàng là thành viên QTDND… Nhất là các dịch vụ trên ứng dụng Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking ngày càng lan tỏa tới thành viên QTDND và khách hàng cá nhân. Các công nghệ mới nhất như xác thực đăng nhập bằng sinh trắc học (Touch ID và FaceID), xác thực giao dịch bằng Soft OTP (xác thực giao dịch bằng mã sinh tự động)… đều được tích hợp trên ứng dụng giúp đảm bảo an toàn trong mọi giao dịch.
Để đón đầu xu hướng phong cách tiêu dùng, ngân hàng đã triển khai dịch vụ mở tài khoản thanh toán số đẹp đáp ứng nhu cầu khách hàng và gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn. Hệ thống thanh toán chuyển tiền được duy trì an toàn, hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác điều hành vốn trong hệ thống và công tác điều hòa vốn giữa Co-opBank với QTDND. Hiện tại, Co-opBank Chi nhánh Nam Định đã mở và kích hoạt được 3.626 tài khoản, vượt 200% chỉ tiêu kế hoạch trụ sở chính giao, riêng các QTDND đã mở được 913 tài khoản. Hết năm 2022, có 30/32 QTDND đã tham gia chuyển tiền điện tử; 20/30 QTDND đã lắp đặt thiết bị quẹt thẻ POS. Năm 2022, doanh số chuyển tiền đi 24/7 liên ngân hàng đạt 934 tỷ đồng với 6.979 lệnh, chuyển tiền đến 24/7 liên ngân hàng đạt 677 tỷ đồng với 13.586 lệnh. Riêng trong hệ thống, doanh số chuyển tiền đi là 196 tỷ đồng với 1.483 lệnh và chuyển tiền đến là 68 tỷ đồng với 1.889 lệnh. Chia sẻ trải nghiệm về dịch vụ Co-opBank Mobile Banking, bác Nguyễn Tuấn, 52 tuổi, khách hàng của QTDND Thọ Nghiệp (Xuân Trường) hào hứng cho biết: “Từ nay tôi chỉ cần ngồi tại nhà để giao dịch chuyển tiền hay thanh toán các hóa đơn điện, nước; kể cả việc nạp tiền điện thoại cũng được thanh toán trực tuyến, không phải chạy ra điểm giao dịch như trước đây nữa. Tôi sẽ giới thiệu cho các hội viên khác trong hợp tác xã cùng sử dụng các tiện ích này”.
Cùng với đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại khác được triển khai tới các QTDND như: dịch vụ chi lương cho cán bộ, nhân viên QTDND; chia sẻ doanh thu dịch vụ, trả phí tư vấn thành viên với các QTDND; chuyển tiền bằng mã VietQR; thanh toán dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia… đặc biệt, dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7 tại quầy đang được các QTDND đón nhận và đạt hiệu quả. Trong vai trò hỗ trợ QTDND chuyển đổi số, Co-opBank Chi nhánh Nam Định đã thực hiện miễn phí toàn bộ các loại phí triển khai, hỗ trợ vận hành các dịch vụ thanh toán; miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển tiền cho QTDND thành viên tham gia hệ thống ngân hàng điện tử; miễn phí các giao dịch trên ứng dụng Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking… Đồng thời, tiếp tục duy trì thanh toán qua các kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán đa phương nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển tiền ngày càng tăng của QTDND và khách hàng. Co-opBank Chi nhánh Nam Định đã thực sự trở thành “cầu nối” hỗ trợ các QTDND chuyển đổi số, là cổng thanh toán cho QTDND góp phần chuyển đổi hệ thống QTDND phát triển an toàn và bền vững.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công cuộc CĐS tại Co-opBank Chi nhánh Nam Định và các QTDND cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn. Nguyên nhân chính là do hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của các QTDND vẫn còn lạc hậu, hạn chế so với xu hướng phát triển của xã hội và chưa tương xứng với các hệ thống ngân hàng thương mại khác hiện nay. Các QTDND chưa có đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất trong hệ thống QTDND toàn quốc để đáp ứng nhu cầu quản trị điều hành của QTDND và yêu cầu quản lý của các cơ quan Nhà nước. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại chưa được khách hàng đón nhận do còn thói quen sử dụng tiền mặt khi giao dịch.
Thời gian tới, Co-opBank Chi nhánh Nam Định sẽ mở rộng phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán. Đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ hiện đại để phục vụ lượng khách hàng hiện có và mở rộng, phát triển khách hàng mới nhằm tăng thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh. Từng bước cung cấp cho QTDND, các thành viên của QTDND và người dân trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn các dịch vụ ngân hàng hiện đại với chi phí hợp lý thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn chiến lược phát triển tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Đức Toàn