NDO – Ngày 16/11, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đánh giá và triển khai Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam theo mô hình của Cộng hòa Liên bang Đức”.
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 80 đại biểu là các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nhân đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sinh viên, học viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị và giải pháp về việc đào tạo, hỗ trợ sinh viên Việt Nam lập nghiệp và khởi nghiệp bền vững.
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Thời gian qua, nhà trường đã thực hiện chủ trương hài hòa giữa đào tạo tri thức chuyên sâu, nền tảng vững chắc với việc trang bị cho sinh viên tinh thần linh hoạt, chủ động, thích ứng nhanh với thực tế xã hội. Bên cạnh việc nghiên cứu các chính sách, nhà trường đặc biệt theo dõi xu hướng tốt nghiệp và cơ hội việc làm của sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng như các trường đại học khác.
Theo đó, sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không chỉ làm việc trong các lĩnh vực được đào tạo, mà còn làm việc ở nhiều lĩnh vực khác. Nhiều sinh viên đã có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ dựa trên nền tảng tri thức được trang bị tại nhà trường. Qua đó, nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, lập nghiệp và chuẩn bị cho các em sinh viên tâm thế sẵn sàng hội nhập, khởi nghiệp.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, phong trào khởi nghiệp trở thành một xu thế tất yếu tại Việt Nam, đặc biệt đối với thanh niên và sinh viên.
Tại Hà Nội, với vai trò là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước, các trường đại học đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào này. Số lượng dự án khởi nghiệp của sinh viên tại Hà Nội tăng gấp năm lần từ 2010 đến 2023. Từ chỉ 100 dự án vào năm 2010, con số này đã đạt mức 500 dự án vào năm 2023. Các dự án khởi nghiệp của sinh viên đã thu hút được tổng số vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ.
Mặc dù đã có nhiều quỹ hỗ trợ, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các dự án khởi nghiệp mới. Theo thống kê từ Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia, 80% các dự án khởi nghiệp của sinh viên gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư. Có khoảng 30% dự án nhận được hỗ trợ tài chính từ các quỹ đầu tư hoặc các tổ chức tài chính. Ngoài ra, sinh viên thường thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh, dẫn đến việc không thể duy trì hoạt động của dự án khi gặp khó khăn. Các khóa học và chương trình đào tạo thực tế cần được tăng cường để cải thiện vấn đề này.
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, cả nước hiện có khoảng 3.800 startup đang hoạt động. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng khuyến nghị: Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý về chính sách khởi nghiệp, hỗ trợ lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp với thanh niên; hoàn thiện chính sách, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền trong quá trình khởi nghiệp. Việc xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần phân chia rõ các lĩnh vực cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương; các chính sách trước khi ban hành cần tham vấn của nhiều bên.
Giám đốc Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm khẳng định: Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Các trường đại học mạnh là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp.
Việc giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho người học đã được các trường đại học, cao đẳng quan tâm để triển khai đa dạng về nội dung, hình thức nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ sinh viên có thể biến ý tưởng thành dự án kinh doanh khả thi, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách để củng cố niềm tin, tăng cường mối liên kết hữu cơ, bền chặt giữa đại học-doanh nghiệp cũng như tăng cường công tác biên soạn khung chương trình, tài liệu, giáo trình, học liệu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên được chất lượng, hiệu quả, thực chất.
Người sáng lập Quỹ Đào Minh Quang, Tiến sĩ Đào Minh Quang cho biết: Để bảo đảm các doanh nghiệp được thành lập và có thể tồn tại, phát triển bền vững, người lập nghiệp, khởi nghiệp phải có kiến thức chuyên môn, thái độ cầu thị và ham học hỏi…
Tại hội thảo, ban tổ chức đã công bố và giới thiệu Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn do Quỹ Đào Minh Quang, Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, gồm một số nội dung chủ yếu như: các hoạt động chuyên môn, tiến độ thực hiện và sản phẩm của từng hoạt động nhằm sử dụng vào thực tiễn đào tạo và thực hành khởi nghiệp cho sinh viên và học viên trong các trường đại học và cao đẳng. Điểm mới và trọng tâm của dự án này là việc đào tạo thực hành theo mô hình Lập nghiệp bền vững của Cộng hòa Liên bang Đức cho những người muốn đi lập nghiệp và khởi nghiệp, thường ở độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi.
Nguồn: https://nhandan.vn/lan-toa-tinh-than-doi-moi-sang-tao-lap-nghiep-va-khoi-nghiep-trong-sinh-vien-post845291.html