(Dân trí) – Cô Mã Thị Thanh Xuân – giáo viên giáo dục công dân Trường phổ thông liên cấp Olympia – nhận định, học sinh hào hứng hơn với môn học này khi áp dụng mô hình phiên tòa giả định.
Học sinh thành luật sư tranh tụng, học luật qua nhập vai
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn giáo dục công dân ở bậc THPT có tên gọi mới là giáo dục kinh tế và pháp luật.
Sự thay đổi đáng kể về nội dung môn giáo dục công dân cũng đặt ra yêu cầu bức thiết về phương pháp học tập mới giúp học sinh lĩnh hội được kiến thức và kỹ năng của hai lĩnh vực đặc thù nhưng liên quan mật thiết tới cuộc sống.
Giáo viên tổ bộ môn Kinh tế và Pháp luật Trường phổ thông liên cấp Olympia đã đưa ra mô hình phiên tòa giả định vào dạy học với sự hỗ trợ và tư vấn chuyên môn của các giảng viên Đại học Luật Hà Nội.
Theo đó, học sinh sẽ thực hành tư duy pháp lý IRAC (mô thức quốc tế để phân tích và giải quyết các tình huống pháp lý) để phân tích vụ việc, viết kịch bản biện hộ, tiến hành các thủ tục tranh tụng tại tòa và tham gia vào phiên tòa giả định xét xử một vụ án dân sự hoặc hình sự.
Thông qua mô hình này, học sinh có cơ hội hiểu sâu về luật, rèn kỹ năng phân tích – so sánh – tổng hợp và vận dụng tư duy pháp lý trong các vấn đề của cuộc sống.
Phiên tòa giả định tiếp tục được tổ chức dành cho học sinh khối 11 và được nâng lên thành cuộc thi với vòng chung kết của trường được tổ chức sáng 15/11. Các học sinh đóng vai nguyên đơn, bị đơn, luật sư trong một vụ kiện dân sự giữa hai doanh nghiệp. Vai trò thẩm phán, hội thẩm nhân dân do các luật sư, giảng viên luật đảm trách.
Trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ, học sinh “nhập vai” tranh luận hăng say. Trước đó, giáo viên chỉ đặt ra đề bài, học sinh phải tự đọc các bộ luật liên quan, viện dẫn luật, củng cố chứng cứ, tìm ra điểm yếu của đối phương và bảo vệ tối đa lợi ích hợp pháp của mình trước khi bước vào phiên tòa giả định.
Phạm Nguyễn Minh Anh – học sinh lớp 11SS1, một trong các luật sư của phiên tòa giả định – cho biết nhóm của em đã phải tìm hiểu hơn 400 điều của Bộ luật Dân sự và hơn 300 điều Luật Thương mại để có thể giải quyết vấn đề đặt ra.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã nắm được cơ bản các điều luật và thảo luận kỹ lưỡng những gì sẽ nói ở phiên tòa, các “luật sư” vẫn gặp nhiều vấn đề phát sinh.
Tình huống thực tế tại phiên tòa khiến các em bắt buộc phải tư duy, phân tích luật ngay tại chỗ để áp dụng chính xác nhất nhằm giành ưu thế, hoặc ít nhất không đẩy thân chủ của mình vào tình huống bất lợi.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Lê Đình Quyết – Giảng viên khoa Pháp luật thương mại quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội – đánh giá cao việc đưa mô hình phiên tòa giả định vào dạy môn học này.
“Có rất nhiều phương pháp truyền đạt một nội dung kiến thức, song đây là phương pháp rất hữu hiệu.
Khi phải giải quyết một tình huống thực tế, học sinh cần chuẩn bị rất nhiều kiến thức liên quan. Đồng thời, các em buộc phải rèn giũa, tích lũy nhiều kỹ năng như kỹ năng phân tích, lập luận, kỹ năng tranh biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy pháp lý.
Bên cạnh đó, một trong các mục tiêu về năng lực và cũng là giá trị của môn học này là học sinh có được sự nhìn nhận đa chiều đối với các vấn đề xã hội.
Hình thức phiên tòa giả định sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc giúp học sinh rèn thói quen tư duy, phân tích, lật mở mọi khía cạnh để có góc nhìn nhiều chiều trước mọi sự việc, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống”, ông Quyết nhận định.
Em Phạm Nguyễn Minh Anh chia sẻ thêm, em đã quyết định chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật là môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù có nhiều môn em giỏi hơn và dễ dàng với em hơn, Minh Anh vẫn muốn thử thách bản thân ở môn học này.
Minh Anh cũng xác định rõ ràng việc sẽ theo học luật kinh tế. “Cùng với định hướng từ gia đình, môn học đã truyền cảm hứng rất lớn cho em theo đuổi ngành Luật kinh tế trong tương lai”, nữ sinh chia sẻ.
Giáo dục công dân sẽ không còn là môn cứu điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
“Với chương trình giáo dục công dân năm 2006, kiến thức tương đối dễ tiếp cận với đại đa số học sinh.
Còn với chương trình phổ thông mới năm 2018, nội dung của bộ môn giáo dục kinh tế và pháp luật đã có sự thay đổi lớn, không chỉ ở việc tăng thời lượng của học phần kinh tế ngang bằng với phần pháp luật mà còn định hướng lựa chọn ngành nghề rõ ràng,” cô Mã Thị Thanh Xuân khẳng định.
Đề minh họa môn giáo dục kinh tế và pháp luật thi tốt nghiệp THPT 2025 thể hiện rõ nét sự thay đổi này.
Cô Xuân cho biết, trước đây đề thi chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12 với nội dung chủ đạo là pháp luật. Nội dung kinh tế nằm trong chương trình lớp 11 chỉ chiếm khoảng 10%.
Đề thi năm nay thay đổi hoàn toàn, gồm kiến thức của cả 3 lớp 10-11-12 và chia đều nội dung kinh tế với nội dung pháp luật.
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT ở bộ môn năm 2025 đã cơ bản thay đổi so với cấu trúc đề cũ, có sự thay đổi số lượng câu hỏi, lệnh hỏi, độ khó tăng lên rất nhiều so với đề các năm trước, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện
Đây là những yếu tố khiến môn giáo dục công dân có thể sẽ không còn là môn cứu điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, theo dự đoán của nhiều giáo viên.
Trải qua nhiều năm giảng dạy giáo dục công dân của chương trình giáo dục phổ thông 2006, cô Xuân nhận định học sinh hứng thú hơn với môn học theo chương trình 2018.
“Kiến thức môn học cập nhật hơn, nâng cao hơn, thử thách người học hơn. Có những dịp nhà trường tổ chức sự kiện hướng nghiệp liên quan tới khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, luật, nhiều học sinh của tôi sau khi tham dự thì rút ra kết luận: “Hóa ra những cái nghề “hot” nhất đều liên quan đến môn của cô à?”.
Kinh tế và pháp luật là hai lĩnh vực mà các em càng có hiểu biết sâu càng có ưu thế và làm chủ cuộc sống, cho dù các em làm nghề gì”, cô Xuân chia sẻ.
Thống kê kết quả tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 3 năm trở lại đây cũng cho thấy nhóm ngành kinh doanh – quản lý – pháp luật có lượng thí sinh nhập học đạt trung bình 500.000 sinh viên theo học mỗi năm, áp đảo so với đa số các khối ngành còn lại.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-hao-hung-nhap-vai-luat-su-de-hoc-giao-duc-cong-dan-20241115192458444.htm