(Dân trí) – Năm 2025, kỳ thi riêng được mở rộng, một số trường công bố điểm mới. Đặc biệt, khối trường quân sự cũng đang lên phương án tổ chức thi riêng.
ĐH Quốc gia Hà Nội
Theo công bố của Đại học Quốc gia Hà Nội hồi tháng 8, kỳ thi đánh giá năng lực (HAS) năm 2025 sẽ có 6 điểm mới gồm: Cấu trúc đề thi mới (phần khoa học hoặc ngoại ngữ); Số lượng câu hỏi và cách đặt câu hỏi trong mỗi chủ đề;
Câu hỏi gắn với tình huống thực tiễn, tác phẩm ngoài SGK; Câu hỏi chùm xuất hiện trong tất cả các phần thi; Thí sinh được lựa chọn phần thi thứ ba; Điều chỉnh lịch thí sinh đăng ký dự thi lần đầu để giảm nghẽn mạng như năm ngoái.
Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực, diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5. Mỗi đợt thi, nhà trường dự kiến có khoảng 15.000 thí sinh.
Đợt thi đánh giá năng lực sớm nhất dự kiến được nhà trường tổ chức ngày 15-16/3/2025. Thí sinh bắt đầu tiến hành đăng ký dự thi từ ngày 8/2.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có từ 3-4 kíp thi tại 30 điểm.
Ngoài các điểm thi trước đây, Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) Hà Nội sẽ mở thêm điểm thi mới để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc (điểm thi tại tỉnh Lào Cai).
Kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi. Thông tin cụ thể các đợt thi như sau:
Đợt 1: Ngày thi 18-19/1/2025, ngày mở đăng ký 1-6/12/2024
Đợt 2: Ngày thi 8-9/3/2025, ngày mở đăng ký 1-6/2/2025
Đợt 3: Ngày thi 26-27/4/2025, ngày mở đăng ký 1-6/4/2025
Hệ thống đăng ký thi TSA tại: https://tsa.hust.edu.vn
Bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề. Đây là 3 phần thi độc lập.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Khác với một số đơn vị khác, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ tổ chức kỳ thi này duy nhất một lần trong năm, tại 3 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn.
Ngoài Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi giúp cung cấp kết quả thi để các trường đại học khác sử dụng làm căn cứ xét tuyển đại học hệ chính quy.
Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ghi nhận số thí sinh đăng ký dự thi tăng đột biến, gấp 2,5 lần.
Mỗi bài thi ĐGNL của trường đều có phần trắc nghiệm và phần tự luận.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Năm 2025 ngoài các phương thức tuyển sinh như trước đây, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có thêm kỳ thi riêng do trường tổ chức.
Các phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy năm 2025 như sau:
Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP TPHCM.
Đại học Quốc gia TPHCM
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM là kỳ thi đánh giá năng lực có quy mô lớn nhất trong cả nước.
Đến nay, khoảng 105 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của đại học này để xét tuyển đầu vào.
Năm 2025, nhà trường vẫn giữ nguyên cấu trúc đề thi đánh giá năng lực gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, tại phần thi giải quyết vấn đề, thí sinh được quyền lựa chọn thực hiện 3 trong số 6 nhóm vấn đề trong quá trình làm bài.
Trường Đại học Sư phạm TPHCM
Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã công bố đề thi minh họa cho kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường từ năm 2025, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới). Theo đó, phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm 70-80%, còn lại là nội dung kiến thức của chương trình lớp 10 và 11.
Dự kiến năm 2025, trường sẽ không dùng điểm học bạ ở phương thức sử dụng học bạ kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Phương thức này chiếm 30-50% chỉ tiêu trong năm 2024.
Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết đến nay trường vẫn chưa ban hành Đề án tuyển sinh chính thức.
Kế hoạch trên nhằm định hướng thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ trở thành một phương thức tuyển sinh độc lập và phần trăm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tăng lên khoảng 40-50%.
Kỳ thi riêng của khối trường Công an
Mặc dù chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025 nhưng năm ngoái, khối trường Công an cơ bản ổn định thông qua ba phương thức tuyển sinh.
Đối với kỳ tuyển sinh riêng của Bộ Công an sử dụng gồm cả bài thi trắc nghiệm và tự luận, được tổ chức sau ngày thi tốt nghiệp THPT.
Theo Bộ Công an, kỳ thi đánh giá năm ngoái có khoảng 18.000 thí sinh tham gia, tăng 20% so với năm 2023. Đây là năm thứ ba kỳ thi được Bộ Công an tổ chức để làm căn cứ xét tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân.
Phần trắc nghiệm ngoài nội dung môn học còn kiểm tra tư duy logic, kỹ năng phán đoán, xử lý tình huống, gắn với yêu cầu đào tạo đặc thù của ngành công an. Phần tự luận kiểm tra kiến thức hai môn toán và ngữ văn.
Dự kiến thi riêng của các trường quân đội
Khối trường quân đội đang xây dựng phương án thí điểm tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng riêng từ 2025 theo hướng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực riêng sẽ thực hiện trên máy tính.
Bài thi sẽ bao gồm kiến thức tổng hợp các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, tổ hợp môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thí sinh sẽ sử dụng kết quả bài thi xét tuyển vào các trường, học viện quân đội với số chỉ tiêu khoảng 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Mở rộng kỳ thi V-SAT
Mùa tuyển sinh năm 2025, có tổng cộng 18 trường đại học sử dụng kỳ thi V- SAT. Lý do bài thi V-SAT được đánh giá bám sát Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao.
V-SAT là kỳ thi đánh giá đầu vào do các trường đại học phối hợp với Trung tâm khảo thí quốc gia (Bộ GD&ĐT) tổ chức.
Các trường tổ chức thi V-SAT tự chủ trong việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT; đồng thời ưu tiên công nhận và sử dụng chung kết quả của các kỳ thi V-SAT.
Hiện có 18 trường thỏa thuận tổ chức thi và sử dụng chung kết quả thi V-SAT để tuyển sinh năm 2025.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nhung-dai-hoc-du-kien-to-chuc-ky-thi-rieng-nam-2025-20241115160227114.htm