Giá trị cốt lõi nhất của văn hóa là hình thành nhân cách con người và cốt cách của một dân tộc, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để đất nước phát triển bền vững.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV lần này, có các mục tiêu tổng quát gồm: Hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa; huy động sự tham gia của xã hội vào quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản; đưa văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân; xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao; phát huy tính dân tộc, khoa học và đại chúng, hội nhập quốc tế và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Tức là có nhiều mục tiêu được đặt ra với những con số cụ thể như: hướng đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ Trung tâm Văn hóa Thể thao, Bảo tàng, Thư viện. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Mỗi năm, ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam. Đến năm 2035, ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp 8% vào GDP của cả nước. 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.
Cụ thể, khi Chương trình được thông qua, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng khung chính sách và chuẩn bị đầu tư trong năm 2025. Giai đoạn 2026-2030, các cơ quan sẽ giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra. Giai đoạn thứ 2031-2035, văn hóa sẽ trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể, những mục tiêu về con số dù khó cũng có thể đạt được. Nhưng mục tiêu phát triển hệ giá trị con người Việt Nam có lẽ là khó nhất. Giá trị cốt lõi nhất của văn hóa là hình thành nhân cách con người và cốt cách của một dân tộc, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để đất nước phát triển bền vững.
Có thể nói những nhận thức và yêu cầu mới về xây dựng một nền văn hóa là cấp thiết trong bối cảnh cần cân bằng lại, định hình lại sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự đảo lộn các giá trị sống. Văn hóa trong chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và trong chiến lược phát triển, đã được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và thực hiện công bằng xã hội. Coi nhân tố con người là trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa vì sự phát triển toàn diện của con người.
Nghĩa là chúng ta đang mong muốn văn hóa phải thấm sâu vào mọi mặt của đời sống, trong từng chính sách, từng bước đi cụ thể của toàn bộ đời sống xã hội, là mục tiêu, động lực của phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ thể của văn hóa là con người. Động lực phát triển cho toàn xã hội, yếu tố đầu tiên, quyết định là từ văn hóa. Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa bao gồm cả việc tiếp nhận các yếu tố “ngoại sinh”, rồi bản địa hóa nó, biến nó thành của mình, thành nội sinh để tăng thêm nguồn lực cho phát triển.
Sau những chuỗi ngày vật lộn với kinh tế thị trường kể từ khi đổi mới đến nay, hẳn nhiều người trong chúng ta thấm thía cái giá phải trả khi mải mê chạy theo kinh tế mà lơi lỏng đạo đức xã hội. Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới, bước vào kỷ nguyên mới là tư tưởng xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng về văn hóa. Trong đó, nòng cốt của văn hóa, để hướng tới xây dựng con người Việt Nam mới là văn học nghệ thuật phải có ý nghĩa nâng cao con người.
Vẫn phải nhắc lại rằng nhờ Đề cương văn hóa 1943 mà chúng ta đã có một cương lĩnh soi đường cho đời sống tinh thần của cả dân tộc, tập hợp được đông đảo văn nghệ sĩ trí thức cùng hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc. Để thấy sức mạnh của văn hóa trong việc hình thành nguồn lực con người và có ý nghĩa lớn cho động lực phát triển tùy từng thời kỳ cụ thể.
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là tư tưởng lớn đồng thời cũng là một chân lý khoa học. Văn hóa luôn vận động, đổi mới, sản sinh những giá trị mới, đào thải những gì không hợp thời. Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay lý thuyết về văn hóa, nhất là văn hóa đương đại đang không được nghiên cứu kỹ lưỡng. Rất nhiều vấn đề của văn hóa không đem lại lợi ích trước mắt nhưng nó cần cho sự phát triển lâu dài đã không được chú ý. Việc chỉ chú ý đến khía cạnh thực dụng sẽ làm mất đi chiến lược văn hóa hướng về tương lai.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, trong đổi mới thì cải cách văn hóa đóng vai trò quan trọng hơn cả. Lý do là vì văn hóa là môi trường tinh thần, là lá phổi của đời sống mà sự lạc hậu của môi trường tinh thần sẽ là vật cản đối với tiến độ cũng như sự thành công của đổi mới.
Sự thăng trầm của lịch sử dân tộc phản ánh cụ thể ở nền văn hóa của mỗi một thời kỳ. Trong thời hội nhập hôm nay, văn hóa Việt Nam cũng đa dạng khi đồng nhịp với thế giới bên ngoài. Nhưng cùng với đó, nói như một nhà nghiên cứu, thì cũng phơi bày nhiều bất cập: “Khi thế giới thật gần với người Việt, kể cả với những đứa trẻ, thì cái bi kịch nó cũng có thể bắt đầu từ đó. Bởi chúng ta không còn là ốc đảo biệt lập nữa. Thế giới phẳng rồi. Soi lại, liệu chúng ta đã có một cơ thể khỏe mạnh đủ sức đề kháng trong cái thế giới phẳng đó chưa?”.
Để tiếp nhận tinh hoa loài người, cần một thể chất lành mạnh. Đó là đòi hỏi sống còn trong việc hình thành con người Việt Nam hôm nay đáp ứng được với yêu cầu của thời đại. Trong đó, không nghi ngờ gì nữa, phẩm chất con người vẫn là yếu tố quan trọng để quyết định đến nguồn lực xã hội.
Để có một nền văn hóa đủ sức trở thành nguồn lực phát triển, cần những chính sách vì con người, vì sự phát triển toàn diện của xã hội, của con người, làm cho con người được tự do, hạnh phúc. Đó là những chính sách sách phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, điều chỉnh hành vi con người hướng tới chân thiện mỹ, nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới.
Cơ quan thẩm tra – Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị Chính phủ xem xét tính phù hợp của một số mục tiêu cụ thể, trong đó có đến năm 2030, 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ủy ban cũng đánh giá mục tiêu đến năm 2030 có 100% học sinh, học viên, sinh viên được tiếp cận, tham gia giáo dục nghệ thuật, di sản văn hóa là khó khả thi. Nguyên nhân là ở vùng sâu, biên giới, hải đảo, nhiều học sinh còn phải học ở các điểm trường, khả năng tiếp cận, tham gia nghệ thuật rất khó khăn.
Qua lấy ý kiến, một số đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.
Nguồn: https://daidoanket.vn/phat-trien-van-hoa-can-nhat-la-he-gia-tri-con-nguoi-10294607.html