Bị ho kinh niên, gần đây thậm chí còn ho ra máu, người phụ nữ đi khám thì bác sĩ phát hiện nguyên nhân đến từ thứ trong nhà tắm.
Cô Lý 39 tuổi ở Trung Quốc lâu nay vốn bị ho kinh niên nhưng tình trạng cũng không nặng nên không chủ động đi khám vì nghĩ phiền phức. Tuy nhiên, gần đây, cô bỗng bị ho ra máu, hoảng sợ nên cô lập tức đi khám.
Cô Lý được chẩn đoán mắc bệnh giãn phế quản kết hợp nhiễm khuẩn. Xem xét cẩn thận hình ảnh chụp CT ngực của cô Lý, bác sĩ cho rằng cô không mắc bệnh lao. Sau khi kiểm tra thêm các mẫu đờm, người ta xác định được rằng cô nhiễm Mycobacteria avium.
Sau 2 tháng điều trị bằng kháng sinh kết hợp, cấy vi khuẩn Mycobacteria avium trong đờm cũng âm tính và việc điều trị được duy trì thêm một năm nữa trước khi ngừng dùng thuốc.
Nhưng không lâu sau, cô Lý bắt đầu ho trở lại và tiếp tục có máu trong đờm. Cô lại đến gặp bác sĩ để chụp CT ngực và cấy nhanh Mycobacteria avium trong đờm để xác định chủng. Đó vẫn là Mycobacteria avium.
“Kiên trì điều trị một năm, tại sao lại tái phát?”, bác sĩ vừa ngỡ ngàng vừa bất lực. Sau khi hỏi kỹ về thói quen sinh hoạt của cô Lý, bác sĩ phát hiện ra một chi tiết.
Bởi vì cô Lý sợ bị cảm nên thích xả nước nóng ra trước cho hơi nóng tràn ngập nhà tắm trước khi bắt đầu tắm. Đồng thời, hơn 10 năm nay, đầu vòi hoa sen của cô đã không được thay thế, đây cũng chính là nguyên nhân khiến cô bị nhiễm Mycobacteria avium nhiều lần!
Mycobacteria avium có thể phát triển trong nước mà không cần bổ sung chất dinh dưỡng hoặc ở nhiệt độ 15 đến 45°C và độ mặn từ 0 đến 2% nước muối. Do đó, nó có thể tồn tại lâu dài trong đường ống của hệ thống cấp nước. Cùng với môi trường tối và ẩm ướt ở vòi hoa sen lâu ngày không được thay thế, các hạt khí dung sinh ra khi tắm nước nóng sẽ chứa nhiều vi khuẩn hơn nếu hít phải, đặc biệt là đối với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi.
Bác sĩ nhắc nhở rằng người dân, những người có chức năng miễn dịch kém phải chú ý đến những chi tiết nhỏ trong việc tắm rửa hàng ngày, thay vòi hoa sen thường xuyên, giảm thời gian tắm hoặc chuyển sang tắm bồn để giảm hít phải khí dung có chứa vi sinh vật và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-ho-ra-mau-vi-1-vat-dung-quen-thuoc-trong-nha-tam-ngay-nao-cung-dung-toi-172241115224032038.htm