Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi.
Chiều 13/11, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức tổng kết Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và chương trình Careme 2024; Tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh”.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi. |
Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức từ tháng 5-2024.
Theo GS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, hành trình đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thanh, thiếu nhi và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Cụ thể, đã có 21.217 thầy thuốc trẻ cả nước tham gia hành trình trực tiếp và trực tuyến; số lượng người dân được tư vấn, khám bệnh trực tiếp là 1.136.135 lượt người; số lượng người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) là hơn 1.000.000 người; 2.997 người dân, bệnh nhân và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ y tế miễn phí…
Trong khuôn khổ chương trình, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh”.
Chia sẻ tại Tọa đàm, anh Nguyễn Hữu Tú, Phó ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết tại Việt Nam, xu hướng trẻ hóa của các bệnh mạn tính đang trở thành mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Trước đây, các bệnh như đột quỵ, cao huyết áp, đái tháo đường và suy thận thường xuất hiện chủ yếu ở người cao tuổi. Tuy nhiên, những bệnh này ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi.
Cụ thể, về bệnh đột quỵ, theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, có đến 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18 – 35. Tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi mắc cao huyết áp đang gia tăng, chiếm khoảng 5 – 12%.
Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường gặp ở người từ 45 – 65 tuổi, nhưng hiện nay, nhiều trường hợp dưới 20 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh này. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi.
Cũng theo anh Tú, có sự gia tăng và biến đổi của các yếu tố nguy cơ, trong đó có tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 – 15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023). Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 – 24 tuổi) với tỷ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25 – 44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45 – 64 tuổi là 1,4%.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Đưa ra kết quả nghiên cứu mới được công bố của Trường đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, anh Nguyễn Hữu Tú khẳng định, mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có hàm lượng đường cao gia tăng. Theo Bộ Y tế, từ năm 2002 – 2018, lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng từ 6,6 lít/người/năm lên 50,7 lít/người/năm, gấp 7 lần trong 15 năm. Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ trà sữa, với quy mô thị trường đạt khoảng 362 triệu USD.
Từ thực trạng trên, ngành Y tế đã đưa ra một số kiến nghị. Do tỷ lệ thanh thiếu niên gia tăng sử dụng thuốc lá mới, đề nghị Quốc hội kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn, bao gồm cấm sử dụng, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đồng thời, ngành Y tế đề xuất áp thuế 40% với các mặt hàng đồ uống có hàm lượng đường cao. Nếu áp dụng mức thuế trên, thu ngân sách là khoảng 17.400 tỷ đồng.
Còn nghiên cứu được tiến hành bởi Trường đại học Y tế công cộng cũng ước tính mức thuế suất 40% sẽ dẫn đến giảm tiêu dùng và giảm được 2% tỷ lệ thừa cân, 1,5% tỷ lệ béo phì, phòng tránh được hơn 81.000 ca đái tháo đường type 2, tiết kiệm được 24,55 triệu USD chi phí y tế.
Nguồn: https://baodautu.vn/ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-bi-suy-than-d229955.html