Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, các lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động.
Ứng dụng công nghệ số tập trung vào ý tưởng sáng tạo
Khai mạc Diễn đàn quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số được tổ chức lần thứ 2 tại Bình Dương, ngày 14/11, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Diễn đàn tập trung vào 2 định hướng, là phát triển kinh tế số bằng thúc đẩy cả cung và cầu về kinh tế số, và chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành, các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tham quan các gian hàng triển lãm ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế số |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay cũng là năm thứ 3, Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về Phát triển kinh tế số và xã hội số. Theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%. Và kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 25% vào năm 2025, đạt được mục tiêu của Nghị Quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năng suất lao động luôn là chỉ tiêu mà nhiều năm chúng ta không đạt được. Lời giải cho tăng năng suất lao động của Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, là chuyển đổi số toàn diện và toàn dân, là phát triển kinh tế số. Nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam, mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc, thì năng suất lao động Việt Nam chắc chắn sẽ tăng.
Khi ứng dụng công nghệ số, thay vì đặt trọng tâm vào công nghệ, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số hãy đặt trọng tâm vào việc muốn thay đổi gì cho doanh nghiệp mình để tạo ra giá trị mới. Chuyển đổi số là 2 câu chuyện tách bạch rõ ràng công nghệ và chuyển đổi. Trong đó, câu chuyện chuyển đổi là chính, chiếm 70%. Người lãnh đạo không nên bị cuốn vào câu chuyện công nghệ, vì đây không phải nghề của người lãnh đạo. Người lãnh đạo tập trung vào việc xác định các vấn đề, “nỗi đau” của tổ chức, hoặc một giải pháp mới trong kinh doanh, và ra lệnh dùng công nghệ số để giải quyết, sẵn sàng thay đổi quy trình, cách thức vận hành để đạt hiệu quả, đây mới là đúng nghề, đúng vai của người lãnh đạo.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một khi đã đúng vai, đúng nghề thì việc sẽ dễ đi rất nhiều… Để ứng dụng công nghệ số, những người ứng dụng công nghệ số hãy tập trung vào các ý tưởng sáng tạo hơn là tập trung vào công nghệ số.
Ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để đóng góp vào tăng trưởng kinht tế số |
Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số
Để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, trong đó đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP, ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm. Trước hết hoàn thiện thể chế và quy định pháp luật để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Kế đến, cần đầu tư vào hạ tầng số chiến lược, triển khai mạng 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo, nghiên cứu truyền dẫn vệ tinh để phục vụ các ngành công nghiệp chủ chốt.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ số trong các ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt trong nông nghiệp thông minh, sản xuất công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch, nhằm gia tăng hiệu suất và tạo ra những giá trị mới trong nền kinh tế. Xây dựng và thúc đẩy thị trường dữ liệu, để dữ liệu phải trở thành tài sản sản xuất, cần được tích hợp, tái sử dụng để tạo ra giá trị mới, đồng thời bảo đảm an ninh và quyền riêng tư; Phát triển nguồn nhân lực số, tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số trên diện rộng, đảm bảo người lao động có khả nguồn nhân lực số cần bao gồm các chương trình đào tạo kỹ năng số đa năng thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động, khuyến khích nghiên cứu khoa học – công nghệ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, blockchain, Internet vạn vật, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.
“Chuyển đổi số quốc gia là cuộc cách mạng toàn dân, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự phát triển vượt bậc của quốc gia làm đích đến. Chuyển đổi số tạo ra không gian sinh tồn mới (gọi là không gian số), không gian số càng toàn diện thì không gian thực càng phát triển. Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư cho động lực phát triển. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục là cơ quan tham mưu chiến lược, đồng hành cùng các bộ, ngành và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách kinh tế số, xã hội số”, ông Quý cho biết.
Ứng dụng công nghệ số trong các ngành, các lĩnh vực để thúc đẩy kinh tế số |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trục Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đồng thời là Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số cho biết, Chính phủ khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số, xã hội số đối với phát triển đất nước; sự ủng hộ và đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số. Chúng tôi cũng sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất, ban hành, thực thi những mô hình thí điểm, đặc thù để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy phát triển kinh tế số nói riêng.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. Cụ thể, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội; xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số; triển khai có hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, gắn với chủ đề của năm 2024: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số – Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững”; phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế số, xã hội số, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp; Xây dựng văn hóa trên môi trường số, kiến tạo môi trường số văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn; nhất là cho thế hệ trẻ là những con người đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…
“Tôi kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp tích cực hơn vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Tin tưởng rằng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cơ quan, người dân và doanh nghiệp, Việt Nam chúng ta sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số với phương châm “Rộng hơn – Toàn diện hơn – Nhanh hơn – Chất lượng hơn – Thiết thực hơn””, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/loi-giai-cho-tang-nang-suat-lao-dong-la-ung-dung-cong-nghe-so-157792.html