Đây là thông tin được ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam thông tin tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA).
Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN
Theo ông Lê Anh Sơn, 30 năm qua, ngành hàng hải Việt Nam đã không ngừng vươn mình ra biển lớn. Đội tàu Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế của mình. Ngày nay, đội tàu biển Việt Nam đã đứng thứ 3 trong ASEAN, thứ 22 trên thế giới.
Từ những ngày đầu Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực hàng hải, đến nay, các doanh nghiệp trong VSA đã có nhiều đổi mới, cải tiến và phát triển, góp phần đáng kể vào sự lớn mạnh của ngành hàng hải trong nền kinh tế.
Với tư cách là hiệp hội quốc gia của các chủ tàu Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác trong nhiều lĩnh vực có liên quan đến vận tải biển, VSA đã đóng vai trò ngày càng đáng kể trong việc kiến nghị, góp phần xây dựng chính sách, tư vấn cho Nhà nước.
Hiệp hội cũng tham gia vào các hiệp hội chủ tàu ở khu vực Đông Nam Á và châu lục, tăng cường liên hệ với các tổ chức quốc tế chuyên ngành, để cùng hình thành và phát triển một môi trường pháp lý, hợp tác kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho vận tải biển.
Ông Sơn thông tin, nhiều doanh nghiệp hội viên của VSA đã mở rộng phạm vi hoạt động, không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
Có những doanh nghiệp đang sở hữu và khai thác đội tàu container đứng hàng thứ 10 thế giới hay làm chủ kinh doanh những con tàu chở dầu thô cỡ lớn trọng tải hàng trăm ngàn tấn, cung ứng hàng chục ngàn thuyền viên cho các chủ tàu nước ngoài, đóng vai trò chủ chốt trong đào tạo nguồn nhân lực đi biển của Việt Nam.
Tính đến nay, đội tàu biển Việt Nam có khoảng 1.500 tàu với tổng trọng tải đạt 13,7 triệu tấn. Đáng chú ý, tuổi tàu bình quân của đội tàu vận tải biển chuyên dụng của Việt Nam là 15,5 tuổi, trẻ hơn 5,4 tuổi so với tuổi tàu thế giới. Đội ngũ thuyền viên cũng tăng mạnh từ 39.400 người năm 2018 lên 62.000 người năm 2023.
Riêng hội viên VSA sở hữu đội tàu với tổng trọng tải 4,2 triệu DWT. Trong đó, 25 hội viên là chủ tàu sở hữu đội tàu trên 10.000 DWT.
Hàng hải trước thách thức “xanh hoá”
Từng là thuyền viên trên những con tàu vận tải biển của Việt Nam, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa VN khẳng định, Việt Nam có điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi để phát triển vận tải biển.
Đánh giá sự đoàn kết của các doanh nghiệp và tiếng nói đóng góp của hiệp hội rất quan trọng, ông Thu cho rằng các doanh nghiệp và hiệp hội cần đồng hành cùng cơ quan quản lý Nhà nước để đưa các chính sách đi vào cuộc sống.
Thời gian qua, chính sự đồng hành đóng góp tiếng nói của các hiệp hội và doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách đã được tháo gỡ.
Tiêu biểu như việc TP.HCM đã miễn phí hạ tầng cảng biển với hàng hoá được vận chuyển bằng đường thuỷ trên tuyến đường thuỷ Hiệp định Việt Nam – Campuchia, và giảm 50% với các hàng hoá vận tải thuỷ tới cảng biển.
“Điều này đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy phát triển vận tải thuỷ, dịch chuyển vận tải bộ xuống vận tải thuỷ, góp phần phát triển vận tải xanh”, ông Thu nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, ngày nay, ngành hàng hải đứng trước nhiều thách thức với những yêu cầu khắt khe về an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường. Các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao, và ngành hàng hải không nằm ngoài cuộc cách mạng số.
Chủ tịch VSA thông tin, hiệp hội cùng các hội viên đã xây dựng các chiến lược hợp tác quốc tế, tiếp thu công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ lao động, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
“Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh của từng hội viên và hoạt động chung của hiệp hội, còn góp phần đưa ngành hàng hải Việt Nam tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới trên bản đồ hàng hải thế giới”, ông Sơn nói và cho biết, VSA sẽ phải không ngừng nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo hoạt động an toàn và bền vững với phương tiện, hàng hóa và nhân lực, hướng đến ngành công nghiệp vận tải biển xanh, thân thiện với môi trường.
Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN cho biết thế giới đã đóng những tàu mới, đa số là dòng tàu sử dụng nhiên liệu thay thế để giảm phát thải. Châu Âu cũng đã tiến hành thu thuế carbon. Đây là thách thức với ngành hàng hải trong tương lai.
“Khoảng 20 năm tới, ngành hàng hải phải có bước chuyển mình mạnh mẽ mới đáp ứng nhu cầu của thế giới. VSA phải đưa ra phương án để tiếp tục xây dựng và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển đội tàu Việt Nam đáp ứng các yêu cầu và xu hướng của thế giới”, ông Sơn chia sẻ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/doi-tau-bien-viet-nam-dung-thu-22-the-gioi-192241115144513507.htm