Từ ngày 14 đến ngày 16/11, tại Ninh Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lập Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và theo dõi thi hành pháp luật của Bộ TN&MT.
Tập trung hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn về công tác pháp chế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết, thực hiện Chương trình công tác năm 2024, Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) là đầu mối phối hợp với Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và theo dõi thi hành pháp luật của Bộ TN&MT. Hội nghị nhằm mục đích trao đổi, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về một số công tác pháp chế cho công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ.
Trong quá trình diễn ra Hội nghị, hơn 80 đại biểu tham dự sẽ được tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính và lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, kiểm tra, xử lý, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật và hợp tác quốc tế về pháp luật… Đồng thời, các đại biểu tham gia sẽ trực tiếp trao đổi, hỏi – đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác pháp chế của Bộ.
Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Hà Thu Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị thuộc Bộ TN&MT đã đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 là 41 văn bản. Trong đó, có Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản về hoạt động khoáng sản; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản về điều tra cơ bản địa chất và điều tra địa chất về khoáng sản; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động viễn thám; Thông tư quy định về tiêu chí theo dõi và đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai; Thông tư hướng dẫn về đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ; Thông tư ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật công tác công tác điều tra, đánh giá địa chất môi trường khu vực có khoáng sản độc hại; Thông tư ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật công tác lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ lớn hơn; Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng tài liệu khí tượng bề mặt; Thông tư quy định kỹ thuật vận hành công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám…
Theo đề xuất của các đơn vị, hầu hết các văn bản sẽ trình thẩm định vào quý IV/2025, chính vì vậy, Phó Vụ trưởng Hà Thu Trang đề nghị các đơn vị rà soát lại, tập trung đẩy sớm tiến độ trình thẩm định cũng như đảm bảo chất lượng văn bản.
Đối với dự thảo Quy chế công tác pháp chế của Bộ, Phó Vụ trưởng Hà Thu Trang cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 246/QĐ-BTNMT ban hành Quy chế công tác pháp chế của Bộ. Quy chế đã quy định rõ, minh bạch trình tự, thủ tục, nội dung, trách nhiệm của các đơn vị trong công tác pháp chế; Quy chế đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế của Bộ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quy chế đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế nhằm đổi mới, đơn giản hóa trình tự, thủ tục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác xây dựng pháp luật; đồng thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và cập nhật một số thay đổi quy định của pháp luật.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất của các đơn vị trực thuộc Bộ, Vụ Pháp chế đã hoàn thiện dự thảo Quy chế công tác pháp chế của Bộ gồm một số nội dung chính như: Đổi mới và sửa đổi quy định lập, điều chỉnh Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lồng ghép và tích hợp Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Bộ vào Chương trình công tác hàng năm của Bộ; Sửa đổi quy định về thẩm định dự thảo Thông tư quy định quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật theo hướng thẩm định chuyên môn và thẩm định pháp lý được thực hiện đồng thời, đồng thời chỉnh lý, làm rõ hơn quy trình thẩm định của từng loại thông tư;
Bổ sung quy định về phân công đơn vị chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cập nhật và dẫn chiếu một số nội dung theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành…
Theo dõi thi hành pháp luật
Theo TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một trong những hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong quá trình các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm bảo đảm thực thi có hiệu quả việc sử dụng pháp luật để quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Thông qua hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, các cơ quan nhà nước tổ chức triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để thực thi đầy đủ và hiệu quả hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan mình nói riêng và công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói chung.
Mục đích của theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Bám sát các mục tiêu đó, TS. Nguyễn Thị Minh Phương đã tập trung tập huấn, hướng dẫn cho các đại biểu tham dự Hội nghị các nội dung quan trọng về hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Nội dung và hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và phối hợp, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động này.
Trong đó, pháp luật hiện hành quy định khá chi tiết về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, cụ thể, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở xem xét, đánh giá ba nội dung như: Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; Tình hình tuân thủ pháp luật.
Về huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, TS. Nguyễn Thị Minh Phương nhấn mạnh, cá nhân là chuyên gia, nhà khoa học được huy động tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo cơ chế cộng tác viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định.
Cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật có thể huy động sự tham gia của cộng tác viên trong các hoạt động như: Xây dựng mẫu phiếu khảo sát, xử lý kết quả điều tra, khảo sát, tổng hợp, phân tích, xây dựng báo cáo kết quả điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật và các hoạt động khác về điều tra, khảo sát; Thu thập thông tin, rà soát, đối chiếu tính chính xác, phù hợp của thông tin; Đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá trong việc xử lý thông tin; Xây dựng báo cáo kết quả xử lý thông tin. Báo cáo phải đưa ra nhận định, đánh giá khách quan, chính xác về tình hình thi hành pháp luật và đưa ra nhưng kiến nghị phù hợp đối với thông tin thu thập được.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/xay-dung-van-ban-phap-luat-nam-2025-va-theo-doi-thi-hanh-phap-luat-bo-tn-mt-383210.html