Một sinh viên sáng chế sản phẩm sáng tạo gặp khó khi tìm đường đưa sản phẩm ra thị trường Việt Nam. Nhưng cũng với nghiên cứu này, sinh viên đã nhận được học bổng du học của một trường nước ngoài.
Sáng 15-11, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo đổi mới và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM.
Nghiên cứu khoa học không thành sản phẩm ra thị trường
Tại hội thảo, TS Huỳnh Anh Lan – thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM – cho rằng hiện nay thành phố đang thiếu các cơ chế hỗ trợ đưa các nghiên cứu sáng tạo ra thị trường.
Bà Lan chia sẻ câu chuyện một sinh viên đã chế tạo xe lăn cung cấp đầy đủ các ứng dụng hỗ trợ người bệnh, được tuyên dương. Tuy nhiên sau đó, sinh viên này không thể tiếp cận được với các đơn vị để đưa sản phẩm ra thị trường.
“Sinh viên đó đã nhờ đến sự hỗ trợ của tôi. Mặc dù tôi có cố gắng giới thiệu sản phẩm đến nhiều nơi, nhưng không được. Sau đó, tôi đã viết giấy giới thiệu bằng tiếng Anh cho một trường đại học ở nước ngoài. Trường này khi thấy nghiên cứu của sinh viên này đã cho em học bổng du học”, bà Lan dẫn chứng.
Bà Lan cho rằng các giải thưởng sáng tạo của TP.HCM thời gian qua đã phát huy được kết quả trong việc thúc đẩy thi đua sáng tạo. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả các sản phẩm sáng tạo, TP.HCM cần có chính sách quảng bá, kết nối để các sản phẩm nghiên cứu khoa học được đưa vào thực tiễn.
Với những nhà sáng chế, thành công không phải là giải pháp được tuyên dương, được nhận tiền thưởng mà những kết quả nghiên cứu, sáng tạo được ứng dụng rộng rãi, tạo ra giá trị trong cuộc sống.
Đồng quan điểm với bà Lan, nhà sáng chế Trần Duy Hào – người từng đoạt Giải thưởng sáng tạo TP.HCM – đặt vấn đề sau khi các giải pháp được tuyên dương, khen thưởng thì hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn như thế nào, liệu các giải pháp đã được áp dụng, nhân rộng hay chưa.
Cũng theo ông Hào, hiện nay các giải pháp sáng tạo còn thiếu sự kết nối để nhân rộng. Ông Hào dẫn chứng như UBND quận 1 có ứng dụng “Hệ thống thông tin địa lý (WEBGIS) quản lý hộ kinh doanh theo thời gian thực”. Nhưng ông băn khoăn việc giải pháp này có được nhân rộng ra các địa phương khác hay không, hay mỗi địa phương lại tự nghiên cứu trong khi giải pháp đã có.
Nghiên cứu chính sách đưa các giải pháp sáng tạo vào thực tiễn
Ông Nguyễn Viết Tuấn, người tham gia chấm thi đề tài giải thưởng sáng tạo của TP.HCM, đề xuất TP.HCM cũng cần có hội đồng để đánh giá, tổng kết tính ứng dụng của các sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học, từ đó đề ra các giải pháp thúc đẩy đưa các giải pháp sáng tạo vào thực tiễn.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Võ Văn Hoan – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng sáng tạo phải là phong trào thi đua trong lao động. Sáng tạo phải đi trước, nếu không sáng tạo thì sẽ không tạo được sự đột phá trong hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.
Theo ông Hoan, hoạt động của cơ quan nhà nước là nhóm công việc khó sáng tạo vì phải làm theo quy định, nhất là trong bối cảnh quy định pháp luật còn chồng chéo. Nhưng thực tiễn cuộc sống thay đổi hằng ngày, không sáng tạo chính là khởi nguồn của sự trì trệ, mà cơ quan nhà nước trì trệ sẽ kéo theo sự trì trệ của xã hội, kéo lùi sự phát triển.
Ông Hoan yêu cầu đổi mới phương thức, nội dung, tiêu chí của giải thưởng sáng tạo của TP.HCM. Trong đó, cần phải xem xét đến hiệu quả thực tiễn của các giải pháp đoạt Giải thưởng sáng tạo TP.HCM.
Ông Hoan nhìn nhận hiện nay TP.HCM còn thiếu các chính sách toàn diện cho giải thưởng sáng tạo, từ khâu thúc đẩy nghiên cứu, bình xét, công nhận và đặc biệt là sau công nhận. TP.HCM cần nghiên cứu các chính sách để đưa các giải pháp sáng tạo ứng dụng vào thực tiễn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/sang-che-duoc-khen-tai-viet-nam-roi-thoi-dai-hoc-nuoc-ngoai-lai-trao-hoc-bong-20241115134311464.htm