(MPI) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2023 trên cơ sở tổng hợp báo cáo báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2023 của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Trong đó, về tình hình thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, báo cáo nêu rõ, căn cứ quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP và Thông tư số 05/2023/TT-BKHĐT ngày 30/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (Thông tư số 05/2023/TT-BKHĐT), ngày 26/01/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 738/BKHĐT-GSTĐĐT gửi các cơ quan đề nghị lập và gửi báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2023; cập nhật báo cáo trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (Hệ thống thông tin) theo quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP và Thông tư số 05/2023/TT-BKHĐT.
Đồng thời, trên cơ sở kết quả rà soát sơ bộ việc báo cáo của các cơ quan trên Hệ thống thông tin, ngày 05/6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 4294/BKHĐT-GSTĐĐT yêu cầu các cơ quan báo cáo chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ báo cáo theo đúng quy định.
Tình hình báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trực tuyến của các cơ quan theo từng kỳ báo cáo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai tại Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư tại địa chỉ http :// giamsatdautuquocgia.mpi.gov.vn.
Theo quy định tại Thông tư số 05/2023/TT-BKHĐT, các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước sau khi được quyết định đầu tư, các chủ đầu tư đăng ký tài khoản và cập nhật thông tin về các dự án đầu tư vào Hệ thống thông tin.
Theo số liệu tổng hợp trên Hệ thống thông tin, số dự án sử dụng vốn nhà nước thực hiện trong năm 2023 là 67.517, trong đó có 51.953 dự án đầu tư công, 15.564 dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công; phân theo nhóm dự án: có 28 dự án quan trọng quốc gia (27 dự án đầu tư công và 01 dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công), 201 dự án nhóm A, 5.197 dự án nhóm B và 62.091 dự án nhóm C (chi tiết tại các Biểu 1.1 và Biểu 1.2 kèm theo).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện công khai số lượng dự án của từng cơ quan trên cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư tại địa chỉ: http :// giamsatdautuquocgia.mpi. gov.vn/Pages/tongsodachitiet.aspx.
Báo cáo cũng đưa ra các kết quả cụ thể về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư, trong đó về tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiên cứu ban hành, đề xuất ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; đánh giá, nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành để tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư bảo đảm phù hợp hơn với điều kiện thực tế, qua đó để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án đầu tư.
Đồng thời, để triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư và các quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có các quyết định về giao kế hoạch vốn cụ thể cho các cơ quan, dự án; một số cơ quan đã xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình quản lý dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý, hướng dẫn công tác đấu thầu, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác giám sát và đánh giá đầu tư,…
Theo báo cáo của các cơ quan, nhìn chung, việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền đã được thực hiện kịp thời, theo quy định pháp luật, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn giúp cho công tác quản lý đầu tư của các cơ quan đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật; đồng thời, giúp các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan kịp thời nắm bắt, cập nhật các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của nhà nước; góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đầu tư.
Báo cáo cũng đưa ra các kết quả đạt được, tồn tại, khó khăn, đề xuất kiến nghị đối với các lĩnh vực cụ thể về công tác quy hoạch; về các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); về các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; về tình hình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); về tình hình giám sát đầu tư của cộng đồng;…
Trong đó, về công tác quy hoạch: các quy hoạch được phê duyệt, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển của các bộ, ngành, địa phương; là công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; góp phần hoàn thiện căn cứ pháp lý để triển khai hoạt động đầu tư; đồng thời, là căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, các chương trình, đề án của các cơ quan.
Các quy hoạch sau khi được phê duyệt đều được công bố, tuyên truyền, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng nhu cầu thông tin cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân địa phương nắm rõ chủ trương, quan điểm, mục tiêu phát triển, tiềm năng, cơ hội khai thác đầu tư.
Về các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (công tác quản lý kế hoạch vốn đầu tư; về các dự án đầu tư; Việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định; Tình hình thực hiện các dự án trong năm 2023; Tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản), theo báo cáo, công tác quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước nói chung từng bước có chuyển biến tích cực.
Đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đã phát huy vai trò tích cực trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức và còn bị ảnh hưởng, hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19, đã thực sự là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng,…
Vốn NSNN năm 2023 được bố trí bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới.
Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công.
Công tác chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên, liên tục, kịp thời giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư theo quy định.
Về tình hình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), theo báo cáo, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn rất hạn chế so với nhu cầu đầu tư, việc thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã và đang góp phần quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và của cả nước.
Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác, theo báo cáo của các địa phương, nhìn chung các dự án đầu tư kinh doanh sử dụng các nguồn vốn khác đã được tích cực triển khai thực hiện để đưa vào khai thác, sử dụng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm, thu ngân sách,… tại các địa phương.
Công tác quản lý các dự án đầu tư kinh doanh được tăng cường thông qua việc quản lý, theo dõi, kiểm tra, đánh giá dự án của các cơ quan quản lý đầu tư các cấp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư và đóng góp của các dự án vào phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác giám sát đầu tư của cộng đồng đã góp phần phản ánh đến các cơ quan chức năng những vụ việc cần phải chấn chỉnh, xử lý, kiến nghị những vụ việc làm ảnh hưởng chất lượng công trình, an toàn, vệ sinh môi trường, đời sống của nhân dân, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực, lãng phí ngân sách, tiền của của nhà nước và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư các dự án.
Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số kiến nghị cụ thể như Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, UBND các tỉnh, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nghiêm túc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định pháp luật. Cập nhật đầy đủ, chính xác các báo cáo, thông tin, số liệu trên Hệ thống thông tin theo các mẫu quy định.
Nghiên cứu, rà soát các tồn tại, hạn chế được nêu để xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ nhiệm vụ liên quan đến hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư; nghiêm túc khắc phục, không để tình trạng các tồn tại trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư tại cơ quan, đơn vị tiếp tục tái diễn và kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này.
Các cơ quan theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện trình cấp có thẩm quyền ban hành để tao khung pháp lý đầy đủ, kịp thời và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các hoạt động đầu tư triển khai nhanh chóng, thuận lợi.
Tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các đối tượng có liên quan. Bố trí nguồn lực phù hợp cho hoạt động giám sát và đánh giá đầu tư theo quy định.
Nghiên cứu triển khai các giải pháp thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư một cách thực chất, hiệu quả để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, phát hiện và chấn chỉnh những hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư.
Đối với các đơn vị còn nợ đọng xây dựng cơ bản hoặc có bố trí vốn trả nợ đọng xây dựng cơ bản trong kỳ, rà soát, làm rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản của đơn vị mình có đúng quy định tại khoản 2 Điều 106 Luật Đầu tư công năm 2014 hoặc khoản 4 Điều 101 Luật Đầu tư công năm 2019 hay không. Trường họp số nợ đọng phát sinh từ ngày 01/01/2015 trở đi là không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trái quy định để xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin trên Hệ thống thông tin (theo quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021) về các dự án sử dụng vốn nhà nước thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các dự án nhóm A, dự án quan trọng quốc gia. Chủ động phát hiện các dự án phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-12/Bao-cao-giam-sat-danh-gia-tong-the-dau-tu-nam-2023rzn3u9.aspx