Một trong số những yếu tố thu hút chúng ta trải nghiệm cuộc sống nông thôn chính là những bữa ăn tươi mới với những nguyên liệu được lấy trực tiếp từ vườn tược, chuồng trại quanh nhà.
Một khoảng thời gian nghỉ ngơi tại vùng nông thôn, với phong cảnh thiên nhiên thanh bình và không khí trong lành luôn là niềm mơ ước của những người đã mệt mỏi với cuộc sống xô bồ nơi đô thị.
Và một trong số những yếu tố thu hút chúng ta trải nghiệm cuộc sống nông thôn chính là những bữa ăn tươi mới với những nguyên liệu được lấy trực tiếp từ vườn tược, chuồng trại quanh nhà.
Người Nga thậm chí còn có cả một từ riêng để chỉ cách sống gắn liền chặt chẽ với ẩm thực, đó là dacha. Và một điều rất bất ngờ, đó là những ám ảnh về cách sống dacha đã xuất hiện từ thế kỷ 19, khi mà đô thị chưa bao phủ Trái Đất nhiều như hiện nay.
Trước đây, dacha chỉ những điền trang rộng lớn được Sa hoàng ban tặng cho giới quý tộc. Nơi này thường có một nhà kính để trồng cây cảnh, được xây dựng từ gỗ và đá. Tại nơi mà phần lớn thời gian trong năm khí hậu khá lạnh, thậm chí cực kỳ lạnh giá, những nhà kính là nơi thích hợp để trồng các loại thảo mộc tươi, dưa chuột và cả những loại rau kỳ lạ để làm hàng xóm ngạc nhiên.
Và đặc biệt hơn, những nhà kính này thường do các nhà quý tộc đích thân chăm sóc chứ không thuê thợ làm vườn. Đối với nhiều nhà quý tộc, việc trồng rau là một sở thích nghiêm túc, và đôi khi còn là một thú vui trong cuộc sống. Họ không hề thấy xấu hổ khi làm việc trong vườn.
Công chúa Maria Volkonskaya (1804-1863) trong thời gian sống ở Siberia đã trở thành một trong những người đầu tiên ở Đông Siberia trồng cà rốt baby, đậu cove lùn, cà chua, ngô, cần tây, rau bina và rau sam. Bà trồng bốn loại dưa gồm “mật ong, cơ bản, dưa lưới, dưa lưới Ba Tư.” Bà và chồng thậm chí còn xây dựng một nhà kính nhỏ trong sân của trại Chita và dạy bạn bè cách trồng rau.
Công chúa đã tự tay gieo dưa chuột trên luống đất trong sân sau chuồng ngựa. Bà bảo vệ luống cây khỏi sương giá bằng “nỉ và thảm.” Trong lá thư gửi mẹ chồng vào năm 1829, bà viết: “Con có súp lơ, actiso, dưa lưới, dưa hấu và một kho rau ngon cho cả mùa đông.” Hồ sơ thời đó còn ghi chép lại là Maria đã tích trữ đến 50 thùng dưa chua.
Và khi lịch sử thay đổi, những điền trang quý tộc ngày xưa đã được thay thế bằng những ngôi nhà của người dân bình thường. Nhà văn A.P. Chekhov (1860-1904) đã từng mô tả hoạt động xây dựng thời kỳ đó trong tác phẩm mang tên “The New Dacha” (Điền trang mới) năm 1899: “Họ mua 54 mẫu đất, và trên một bờ đất cao, trong một khoảng đất trống nơi bò thường đi lang thang, họ xây một ngôi nhà hai tầng tuyệt đẹp với sân thượng, ban công, tháp và chóp nhọn, sau đó trồng những cây lớn trong suốt mùa Đông. Khi mùa Xuân đến và mọi thứ xung quanh đều xanh tươi, khu điền trang đã có những con hẻm rợp bóng cây, với một người làm vườn cùng hai người làm công mặc tạp dề trắng đang đào đất gần nhà.”
Vào cuối thế kỷ 19, hầu như những ai có thu nhập để có thể mua được một số loại dacha. Tuy nhiên không phải ai cũng mua hoặc xây nhà riêng. Các quan chức và nhân viên cấp thấp thường thuê những ngôi nhà ở nông thôn và dành trọn mùa Hè ở đó.
Văn hóa dacha đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người Nga xưa. Những bữa tối quanh bàn ăn với bạn bè và hàng xóm là hình ảnh của cuộc sống nông thôn. Và một phần quan trọng của dacha là ăn uống lành mạnh dựa trên các sản phẩm địa phương được trồng ngay tại điền trang đó hoặc trong các trang trại xung quanh. Những người vắt sữa người Phần Lan hoặc Estonia sẽ để lại sữa, bơ hoặc kem chua trước cửa nhà, và họ đã trở thành một nhân vật kinh điển trong ký ức của nhiều trí thức Nga đầu thế kỷ 20.
Đến cuối thế kỷ 19, nhiều điền trang của Nga đã mất đi “tính quý tộc.” Đây là thời điểm ăn uống lành mạnh và canh tác đúng cách là xu hướng thịnh hành trong xã hội của người Nga. Những vườn táo rộng lớn vẫn tô điểm cho các điền trang, và những cây actiso với những quả hình nón kỳ lạ vẫn chín gần nhà vào mỗi mùa Hè. Có thể nói hầu như không có thứ gì mà những trang trại nhỏ này không trồng được, kể cả dứa.
Những mùa Hè ở nông thôn ấy đã trở thành một truyền thống đối với người dân thành thị, một lối sống nhàn nhã, chừng mực hầu như không thể có giữa sự hối hả và nhộn nhịp của thủ đô. Đó là một cuộc sống đã đi sâu vào lịch sử, ăn sâu và tiềm thức những người Nga một thời, và ảnh hưởng đến cả phong cách ẩm thực của họ. Bởi ẩm thực Nga cũng không thể vội vã, thức ăn được nấu trong một thời gian dài, và những món ăn được thưởng thức một cách chậm rãi, vui vẻ giữa những cuộc trò chuyện bất tận.
Thức ăn luôn là một yếu tố đóng vai trò chính trong cuộc sống nghỉ dưỡng ở vùng quê. Hầu như mọi thứ đều có sẵn, trái cây và rau củ ở trong vườn, các loại thảo mộc thân mềm mọc khắp nơi, bắt cá vào buổi sáng để có nồi súp cho bữa trưa, thưởng thức bữa tối với những chiếc bánh nướng thơm ngon nhân nấm mà bạn đã hái được vào ngày hôm trước. Vào đầu thế kỷ 20, cuộc sống như vậy rất hấp dẫn đối với tầng lớp trí thức Nga.
Và ngày nay, sau một thời gian dài bùng nổ đô thị hóa, những điền trang kiểu cũ đang dần quay trở lại, với những thực phẩm được sản xuất tại trang trại, những món ăn địa phương cùng những người nông dân chất phác. Đối với nhiều người Nga, đó là một sự trở lại quá khứ rất dễ chịu./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dacha-cach-song-gan-bo-chat-che-voi-am-thuc-cua-nguoi-nga-xua-va-nay-post971063.vnp