NDO – Sáng 15/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, với 137 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 27 lượt phát biểu ý kiến tại hội trường và 5 ý kiến bằng văn bản.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các nội dung lớn của dự thảo Luật cơ bản đã đạt được sự đồng thuận của các cơ quan tham gia tiếp thu, chỉnh lý.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, dự kiến Điều 12 của dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các đối tượng được quy định trong Luật hiện hành; bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định, trong đó có các luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này như Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đồng thời, bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố.
Bên cạnh đó, chưa bổ sung vào dự thảo Luật thân nhân của dân quân thường trực do Luật Dân quân tự vệ không quy định chế độ bảo hiểm y tế cho đối tượng này mà giao Chính phủ quy định các đối tượng khác sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau một thời gian thực hiện ổn định và có đánh giá đầy đủ sẽ nghiên cứu bổ sung khi sửa đổi toàn diện Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. (Ảnh: DUY LINH) |
Điều 13 của dự thảo Luật đã điều chỉnh các quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để đồng bộ với việc sửa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Trong đó, quy định đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để bảo đảm tính ổn định khi tham gia bảo hiểm y tế của nhóm đối tượng này.
Đối với quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ các hình thức khám bệnh, chữa bệnh mới được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; khám bệnh, chữa bệnh tại nhà.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, điểm e khoản 3 Điều 12 đang quy định, người có công với cách mạng, cựu chiến binh thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung thêm đối tượng cựu công an nhân dân vào diện do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
Quan tâm đến hiệu lực thi hành của luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương. Đối với dự án Luật này, với một số nội dung có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thì sẽ không bảo đảm tuân thủ đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy cần nghiên cứu phương án xử lý, giải trình đầy đủ.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần khẩn trương, tích cực, sự phối hợp của Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế cùng Ủy ban Pháp luật, các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã cơ bản đáp ứng được những mục tiêu, quan điểm đặt ra, từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về bảo hiểm y tế, đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội.
Để bảo đảm tính khả thi, nhất là những nội dung mới của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cán bộ y tế và các cơ quan tổ chức liên quan hiểu rõ, thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật, thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình thực thi để có giải pháp xử lý ngay khi cần thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp thu các ý kiến phát biểu, hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhan-vien-y-te-thon-ban-duoc-ho-tro-muc-dong-bao-hiem-y-te-post845069.html