Theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Genetics, hai nhà di truyền học dân số Linda Ongaro và Emilia Huerta-Sanchez của Đại học Trinity ở Dublin (Ireland) phát hiện nhiều cá thể của loài người Denisova thích ứng với môi trường trên khắp lục địa Á châu và xa hơn nữa.
Trong thời gian tồn tại, họ không ít lần “quan hệ” với các tổ tiên gần đây của loài người và truyền lại gien di truyền cho người hiện đại.
“Một quan niệm sai lầm phổ biến là con người tiến hóa một cách đột ngột từ một tổ tiên chung, thế nhưng càng nghiên cứu chúng tôi càng nhận ra tổ tiên loài người từng giao phối với những loài người khác và giúp nhào nặn ra con người như chúng ta hiện nay”, theo tác giả Ongaro.
So với 1 hoặc 2 thế kỷ giới khoa học đã dành ra để nghiên cứu về người Neanderthal, quá trình khám phá về người Denisova diễn ra mới gần đây và nằm trong phạm vi giới hạn. Trong vài thập niên qua, các chuyên gia chỉ có thể dựa vào một số ít mẩu vật là vài cái răng và xương cốt để tìm hiểu về loài người đã tuyệt chủng.
Hóa thạch răng bé gái thuộc loài người bí ẩn Denisova được phát hiện ở dãy Trường Sơn
Theo sau một loạt các cuộc phân tích gien di truyền bắt đầu từ một xương ngón tay nữ giới vào năm 2010, chúng ta biết được người Denisova đã tách biệt về gien di truyền với người Neanderthal khoảng 400.000 năm trước.
Người Denisova đã để lại di sản to lớn, trải rộng từ Siberia đến Nam Đông Á và xuyên Châu Đại Dương và thậm chí đến châu Mỹ.
Trong số những gien xuất phát từ người Denisova còn truyền đến ngày nay có thể kể đến dân số Tây Tạng, cho phép họ sinh tồn trong môi trường dưỡng khí thấp, gien giúp tăng cường năng lực miễn dịch của người Papua và các gien ở cộng đồng Inuit cho phép chống lạnh tốt.
Nguồn: https://thanhnien.vn/loai-nguoi-bi-an-da-tuyet-chung-tung-cay-gien-cho-nguoi-hien-dai-185241115112042874.htm