Tính đến hết phiên sáng 12/11, phiên chào sàn Upcm của cổ phiếu MZG, ghi nhận mức tăng gần 7%, đạt 12.700 đồng/cp.
Tính đến hết phiên sáng 12/11, phiên chào sàn Upcm của cổ phiếu MZG, ghi nhận mức tăng gần 7%, đạt 12.700 đồng/cp.
Sáng 12/11/2024, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã diễn ra lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu Công ty Cổ phần Miza trên sàn UPCoM. Mã chứng khoán của Miza là MZG, giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 11.900 đồng/cp, tương đương mức vốn hoá 1.189 tỷ đồng.
Công ty thành lập năm 2010 với số vốn điều lệ là 10 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty đã thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ 8 lần. Hiện nay, Công ty có vốn điều lệ hơn 999 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Miza là một trong những doanh nghiệp phát triển lĩnh vực tái chế giấy, đang vận hành 2 nhà máy tại Đông Anh Hà Nội và Nghi Sơn Thanh Hóa với công suất tái chế hàng năm khoảng 200 nghìn tấn giấy nguyên liệu thu gom phế thải bao bì cartong.
Hiện tại, dự án Nhà máy sản xuất giấy bao bì Miza Nghi Sơn giai đoạn 2 đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất giấy bao bì số 2 tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn với công suất 120.000 tấn/năm, giúp nâng tổng công suất dây chuyền sản xuất giấy tại Miza Nghi Sơn lên 240.000 tấn/năm đang được triển khai. Dự án được đầu tư với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, lựa chọn các thiết bị phù hợp, dây chuyền sản xuất đồng bộ, kiểm soát và điều khiển tự động hóa tạo ra sản phẩm giấy bao bì cao cấp, cung cấp cho thị trường nội địa, thay thế lượng giấy bao bì nhập khẩu hàng năm.
Đồng thời, dự án Nhà máy sản xuất giấy bao bì Miza Nghi Sơn giai đoạn 2 sẽ góp phần nâng cao năng lực tái chế rác thải, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ tài nguyên rừng.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Miza cho biết, giấy tái chế giúp giảm lượng rác thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bằng cách hạn chế khai thác gỗ, giảm thiểu lượng giấy thải ra môi trường và tiết kiệm nước, năng lượng, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành công nghiệp giấy đến môi trường, giảm khí thải nhà kính và bảo tồn nguồn tài nguyên rừng. Theo số liệu công bố của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam: tái chế 01 tấn giấy đã qua sử dụng tiết kiệm được khoảng: 38,84 lít nước, 17-24 cây xanh không bị chặt làm nguyên liệu cho sản xuất bột giấy, 4.000 kWh điện và 605 lít dầu thô.
Bằng cách tái chế giấy cũ thành các sản phẩm giấy có giá trị, Miza không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế từ nguồn tài nguyên có sẵn, theo ông Minh.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-phieu-mzg-cua-cong-ty-chuyen-ve-giay-tai-che-chao-san-upcom-d229803.html