Ảnh minh họa.
Vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 2 trường hợp học sinh là V.B.N và N.T.Q (17 tuổi) ở thành phố Hạ Long, nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn.
Các bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, sử dụng thuốc lá điện tử không thường xuyên. Cách vào viện khoảng 1 giờ, hai em hút thuốc lá điện tử, sau đó thấy nôn nao, bủn rủn tay chân, hoa mắt chóng mặt và buồn nôn.
Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cả hai bị ngộ độc thuốc lá điện tử, kíp trực nhanh chóng cấp cứu ban đầu và chuyển Khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị. Đến nay, 2 em đã ổn định và xuất viện.
Trực tiếp tiếp nhận 2 ca ngộ độc thuốc lá điện tử, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tiến Thắng, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngộ độc thuốc lá điện tử thường hay xảy ra ở lứa tuổi học sinh cấp 2-3, vị thành niên, bởi đây là độ tuổi bộ não còn đang phát triển, rất dễ bị tác động bởi các loại chất kích thích. Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi này còn có nhu cầu thể hiện bản thân, thử cảm giác mới lạ.
Biểu hiện chung thường gặp khi ngộ độc thuốc lá điện tử là cảm thấy choáng váng, khó thở, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, hôn mê, mất ý thức.
“Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn đã cấp cứu nhiều trường hợp học sinh ngộ độc thuốc lá điện tử. Như 2 trường hợp học sinh trên, dù tình trạng ngộ độc không quá nặng nề và được chúng tôi cấp cứu kịp thời, song nếu các em vẫn tiếp tục sử dụng thì chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe, tinh thần về sau”, bác sĩ Thắng cho hay.
Thuốc lá điện tử là một thiết bị mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá điếu, cho phép hít nicotine ở dạng hơi mà không phải khói như thuốc lá thông thường.
Nhiều loại thuốc lá điện tử được thiết kế tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói với hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine vào cơ thể và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.
Hơn nữa, đây là loại thuốc lá có tỷ lệ giới trẻ sử dụng cao hơn nhiều so với những lứa tuổi khác, vì vậy nguy cơ ngộ độc thuốc lá điện tử ở trẻ sẽ ngày càng gia tăng và thực tế hiện nay đang chứng minh điều đó.
Trước những mối nguy tiềm ẩn, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, chú ý tới con cái, đặc biệt là các dấu hiệu bất thường ở trẻ như: Thường xuyên trong tình trạng lơ mơ, chậm chạp, mất tập trung, nói lảm nhảm… cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Gia đình và nhà trường cần tăng cường truyền thông, giáo dục cho trẻ vị thành niên để các em hiểu rõ những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cùng các bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ mắc phải.