Những kết quả đạt được sau gần 40 năm đổi mới là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình
Sáng nay (15.11), tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, PGS.TS Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – đã phát biểu tham luận về “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, sau gần 40 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ, trình độ nền kinh tế được nâng lên cao hơn, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỉ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN.
GDP bình quân đầu người đạt gần 4.300 USD, gần gấp 58 lần sau ba thập kỷ, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (theo chuẩn cũ) năm 1993 xuống còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều với tiêu chí cao hơn trước) năm 2023.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới. Năng suất lao động liên tục tăng, giai đoạn 2016 – 2020 tăng 6,05%, giai đoạn 2021 – 2023 tăng 8,94%. Tăng trưởng dựa nhiều hơn vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, những kết quả đạt được sau gần 40 năm đổi mới là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Phát huy tối đa vai trò kiến tạo và thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – trao đổi về nội dung quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo PGS.TS Lê Hải Bình, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây (Cloud), đã và đang làm thay đổi sâu sắc phương thức quản trị quốc gia và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với Việt Nam, sự thay đổi này mang lại cả cơ hội và thách thức, khi quốc gia không chỉ phải nâng cao hiệu quả quản trị mà còn phải nắm bắt thời cơ để đẩy nhanh tốc độ phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh này, khát vọng phát triển trở thành động lực thúc đẩy toàn xã hội, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao, xã hội thịnh vượng và sánh vai với các cường quốc năm châu.
“Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định dấu mốc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện khát vọng này, hệ thống quản trị quốc gia phải phát huy tối đa vai trò kiến tạo và thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực, đồng thời duy trì sự ổn định và đồng thuận trong xã hội” – PGS.TS Lê Hải Bình nói.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/co-do-tiem-luc-de-viet-nam-buoc-vao-ky-nguyen-vuon-minh-1421768.ldo