TP – Những chiếc hộp giữ điện thoại của học sinh khi tới trường không chỉ nhằm hạn chế việc học sinh sử dụng điện thoại vào những trò vô bổ mà còn giúp tăng kết nối giữa học sinh với nhau, học sinh với giáo viên.
TP – Những chiếc hộp giữ điện thoại của học sinh khi tới trường không chỉ nhằm hạn chế việc học sinh sử dụng điện thoại vào những trò vô bổ mà còn giúp tăng kết nối giữa học sinh với nhau, học sinh với giáo viên.
Khi học sinh không dùng điện thoại…
Giờ nghỉ giải lao, học sinh Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) ùa ra khoảng sân ở tầng 1 của dãy nhà chính để “xí chỗ” đánh cầu lông, lập nhóm kể chuyện tếu táo. Có nhóm chơi các trò đuổi bắt, đá cầu, cờ vua, đọc sách.
Tiếng cười đùa của học sinh râm ran cả khoảng không gian. Từ dãy học tầng 2, học sinh không xuống sân mà các em hoặc ở hành lang, hoặc trong lớp nói chuyện hoặc cùng chơi một trò vận động nho nhỏ, chấm dứt hoàn toàn tình trạng học sinh cầm điện thoại ở trường kể cả giờ nghỉ giải lao.
Cô Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường ao ước giá như sân trường rộng hơn thì học sinh ở tầng trên sẽ xuống chơi, không phải quanh quẩn hành lang nơi lớp học.
Một chiếc hộp đặc biệt tại lớp học. Ảnh: NGHIÊM HUÊ |
Cô Diệu Hằng cho hay, từ trước khi có văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội, Trường THCS Chu Văn An đã có quy định trong nội quy. Ban đầu thực hiện quy định này khá khó khăn. Cô Hằng kể, có học sinh khi bị thu điện thoại, em vật vã, khó chịu, thậm chí khóc.
Nhà trường phải lên kế hoạch phối hợp cùng gia đình “cắt nghiện” điện thoại cho em theo lộ trình giảm dần thời gian dùng điện thoại mỗi ngày, thay vì thu luôn điện thoại đến khi rời trường mới trả như những học sinh khác.
Ngày 11/10/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản số 3550 gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP về việc quản lí, sử dụng điện thoại trong nhà trường. Văn bản nêu rõ: tùy điều kiện thực tế, Ban Giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lí điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lí theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp. Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép, học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng.
Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép.
Dương Minh Khuê, học sinh lớp 7A4, Trường THCS Chu Văn An cho biết, vì đã quen dùng điện thoại trong giờ nghỉ giải lao nên khi không sử dụng em cảm thấy lạ lẫm, khó khăn một chút. Nhưng giờ Khuê đã quen.
“Em có thời gian hòa đồng với bạn, nói chuyện với bạn nhiều hơn, chuẩn bị bài cho tiết học mới”, Khuê nói.
Em cho biết thêm rằng, về nhà cũng nên đặt kế hoạch sử dụng điện thoại khá nghiêm khắc với bản thân. Em chỉ sử dụng 1 tiếng/ngày để xem phim hoặc xem clip dạy ngoại ngữ.
Nguyễn Quốc Hiếu, học lớp 9A7, Trường THCS Chu Văn An khẳng định không sử dụng điện thoại giúp con cải thiện được kết quả học.
Ở nhà, bố mẹ không cấm sử dụng điện thoại nhưng từ thói quen ở trường nên Hiếu tự giác, chỉ dùng điện thoại khi cần tài liệu tham khảo các môn học.
Nghỉ giải lao Hiếu lựa chọn nói chuyện hoặc đứng dậy vươn vai để cơ thể được thư giãn trước khi vào tiết học mới. Ở trường, Hiếu cũng đăng kí tham gia hoạt động thể thao như bóng rổ, bóng đá.
Trong lớp học 9A7 của Hiếu, chiếc tủ học sinh có một ngăn đặc biệt, có khóa cẩn thận. Chìa khóa được giao cho bạn nữ cán bộ lớp cất giữ. Nó mở ra đầu giờ sáng rồi khóa lại cho đến khi hết buổi học. Đó là ngăn tủ đựng toàn bộ điện thoại của học sinh trong lớp.
Còn tại lớp 7A11, chiếc hộp đặc biệt này lại chính là ngăn tủ trên bàn giáo viên. Ngăn tủ này được coi là an toàn nhất, vì chỉ có thầy cô mới có quyền được mở khóa.
Không dùng điện thoại, giờ giải lao học sinh có nhiều thời gian dành cho bạn bè. Ảnh: NGHIÊM HUÊ |
Hiệu quả rõ rệt
Cô Nguyễn Quỳnh Nga, giáo viên chủ nhiệm 7A5, Trường THCS Chu Văn An chia sẻ, đây là chủ trương đúng đắn của ngành cũng như nhà trường. Mỗi khi lên lớp, cô Nga thường nhắc học sinh tự giác cất điện thoại vào tủ.
“Việc này giúp học sinh không xao nhãng việc học trên lớp và có nhiều thời gian giao tiếp với nhau, đặc biệt giúp tránh tình trạng học sinh bị phụ thuộc vào điện thoại, internet (nghiện điện thoại – PV)”, cô Nga nhận định.
Ở Trường THCS Chu Văn An, giáo viên tuyên truyền, gửi văn bản, lời khuyên tới phụ huynh với mong muốn cùng phối hợp cùng nhà trường quản lí con sử dụng điện thoại khi ở nhà. Đa số phụ huynh đều hưởng ứng. Các thầy cô cũng hướng dẫn phụ huynh có thể sử dụng các phần mềm quản lí thời gian sử dụng điện thoại.
Cô Trịnh Diệu Hằng cho biết, việc không sử dụng điện thoại ngoài phục vụ mục đích học tập mang lại hiệu quả rất rõ. Thời gian qua, học sinh trong trường đã có sự gắn kết với nhau, các em cũng giao tiếp, hỏi giáo viên nhiều hơn về bài vở. Các thầy cô cũng yên tâm giảng dạy trên lớp, không bị phân tâm, ức chế khi đang giảng dạy mà có học sinh lướt điện thoại chơi.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, nguyên tắc dạy học là tạo chú ý cho học sinh. Nếu học sinh không tập trung sẽ khó hoàn thành được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra; bởi vậy việc đưa ra quy định cấm sử dụng điện thoại trong tiết học là vô cùng cần thiết.
Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, vào đầu giờ sáng, mỗi học sinh sẽ bỏ điện thoại cá nhân vào chiếc hộp quản lí chung của lớp, cán bộ lớp có nhiệm vụ giám sát việc này.
Bên cạnh đó còn có thầy cô giám thị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm; tránh trường hợp học sinh quên hoặc cố tình không cất dẫn đến mất tập trung trong giờ học.
Nguồn: https://tienphong.vn/chuyen-cai-dien-thoai-trong-truong-hoc-post1691237.tpo