Những ân tình, những kỷ niệm về tình thầy trò dưới mái trường xưa dù bình dị nhưng cũng đủ là điểm tựa đi về phía trước, để khi nhớ lại vẫn còn rưng rưng
Sáng 14-11, Báo Người Lao Động tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần 3 và vinh danh các nhà giáo tiêu biểu bước ra từ trang viết. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động, để lại ấn tượng khó quên
Cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần 3 năm 2023-2024 đã thu hút hơn 200 bài dự thi của các tác giả khắp mọi miền đất nước, kể cả ở nước ngoài. Ban Tổ chức đã chọn đăng hơn 40 bài, từ đó tuyển lựa các tác phẩm vào chung khảo và từ đó chọn ra 7 tác phẩm hay nhất để trao giải.
Xúc động giây phút xướng tên
Các tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần 3 đã phần nào khắc họa nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ thầy cô giáo cả nước trong sự nghiệp đưa đò thầm lặng. Họ không ngừng vượt qua khó khăn, đóng góp rất lớn cho nền giáo dục nước nhà, cho hoạt động truyền thụ tri thức và truyền cảm hứng tích cực, là điểm tựa cho bao thế hệ học trò.
Khi kết quả cuộc thi được công bố, cả khán phòng vỡ òa. Những nụ cười, những giọt nước mắt, những vòng tay của tác giả và nhân vật ôm lấy nhau. Các tác giả phần lớn là học trò viết về người thầy đặc biệt nhất của mình, vì vậy đấy là phút giây đặc biệt.
Giải nhất cuộc thi đã được trao cho tác giả Ngô Thị Thu Vân (TP HCM) với bài “Người giáo viên quả cảm”. Tác phẩm viết về nhà giáo Nguyễn Thị Kim Dung – nữ cảm tử quân trong trận tập kích Majestic lẫy lừng năm 1948, nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM. Trên chiếc xe lăn, dù tuổi đã rất cao nhưng cô Dung nở nụ cười rất tươi và nắm chặt tay học trò – tác giả Thu Vân.
Khi tác phẩm “Kình ngư khuyết tật miệt mài gieo chữ miễn phí” được xướng tên nhận giải nhì, tác giả Đặng Hoàng An (Long An) như muốn bật khóc. Anh nắm chặt tay nhân vật của mình – cô giáo Nguyễn Thị Sa Ri, ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An; một vận động viên bơi lội khuyết tật – cũng đang ngồi xe lăn. Khoảnh khắc vô cùng xúc động khi trên xe lăn, cô giáo thân hình gầy nhỏ cố nhướn lên vẫy tay để mọi người nhìn thấy mình.
Ở một góc khán phòng, hình ảnh người cha ôm di ảnh con trai khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Ông Thái Văn Mùi cho biết con trai ông là Thái Đặng Nhật Tân, tác giả của bài “Miệt mài gieo yêu thương” (đoạt giải khuyến khích), không may đã qua đời vài tháng trước.
Ngày 14-11, ông Mùi chạy xe máy từ Đồng Nai lên TP HCM. Mục đích chính của ông tại buổi lễ là có thể gặp được cô giáo – nhân vật chính trong bài viết của con – để trực tiếp nói lời cảm ơn.
“Nhật Tân là cậu con trai rất ngoan. Cháu ước mơ sau này có thể trở thành phóng viên. Do phải đi làm xa nên tôi không có nhiều thời gian tâm sự với con. Đây là điều tôi rất tiếc nuối. Chỉ khi Tân mất đi, tôi mới dành thời gian ngồi xem lại điện thoại của con. Khi đó, tôi mới thấy những dòng tin nhắn con trai tâm sự với cô Kim Phụng những ngày cuối đời. Cô Phụng chắc chắn là một người rất quan trọng với con” – ông Mùi nghẹn ngào.
Nhắc về cậu học trò của mình, cô Nguyễn Thị Kim Phụng, Trường ĐH Tài chính – Marketing TP HCM, rưng rưng nước mắt. Cô cho biết giữa mình và Nhật Tân có một sợi dây gắn kết rất bền chặt và thân tình. “Nhật Tân rất chăm chỉ, thời gian rảnh em hay viết bài cộng tác cho các báo. Chỉ còn vài tháng nữa là Tân tốt nghiệp ra trường, thế mà biến cố ập đến, em đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ” – cô Phụng xúc động. Thông qua bài viết của học trò và giải thưởng vinh danh lần này, cô Phụng cảm thấy như được thêm động lực để có thể hỗ trợ, giúp đỡ thêm nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Sâu sắc thêm truyền thống “tôn sư trọng đạo”
Bày tỏ tình cảm, sự xúc động trước các nhân vật trong những bài viết, với các tác giả đã gửi bài tham dự cuộc thi, với tất cả niềm trân trọng, tin yêu, TS – nhà báo Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần thứ 3 – đúc kết: Các bài đăng đã tạo được sự lan tỏa rất lớn về tình nghĩa thầy trò, truyền thống “tôn sư trọng đạo”; về những tấm gương nhà giáo ngày đêm bám trường, bám lớp, tận tụy với nghề, hy sinh vì tương lai của học trò.
Ngoài những nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải, còn rất nhiều thầy cô tiêu biểu khác được thể hiện trong các tác phẩm dự thi. Đó là thầy giáo Vũ Văn Tùng, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), người đã vận động các giáo viên cùng chung tay để mỗi tuần 3 ngày phát 200 suất bánh mì và sữa cho học trò vùng cao được ăn sáng. Đó là vợ chồng thầy Nguyễn Văn Diện – cô Trần Thị Lan, công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp tỉnh Hà Giang, đã đứng ra nuôi dưỡng, giáo dục 30 em nhỏ thiếu may mắn ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Đó là cô Võ Thị Tuyết Nga, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP HCM, tình nguyện xung phong về công tác tại Trường THCS-THPT Bắc Sơn – một ngôi trường ở miền núi ở Quảng Bình – để gieo chữ vì cô nghĩ “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”.
Những ân tình, những kỷ niệm về tình thầy trò dưới mái trường xưa dù bình dị nhưng cũng đủ là điểm tựa đi về phía trước, để khi nhớ lại vẫn còn rưng rưng. Đó là tấm áo mới thầy tặng trò nghèo dự lễ bế giảng khiến trò mãi bồi hồi, xúc động. Đó là hơi ấm bàn tay của thầy nắm chặt trong những lúc trò khó khó khăn; là câu nói của cô giáo Lê Thị Trúc với một nữ sinh trường giáo dục thường xuyên đang muốn bỏ học giữa chừng: “Em dừng lại là không còn gì hết, mọi cánh cửa đến ước mơ của em sẽ đóng sầm. Ngày mai em trở lại trường, phần còn lại cô lo” – đã giúp trò tiếp tục đến trường viết tiếp ước mơ thay đổi số phận…
“Chúng tôi đánh giá rất cao chất lượng các tác phẩm tham dự cuộc thi lần này. Tinh thần xuyên suốt của mọi tác giả – tác phẩm đến với cuộc thi là “Tôn sư trọng đạo” – truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc ta, xã hội ta. Xin cảm ơn tất cả các tác giả đã gửi tác phẩm dự giải để độc giả được gần hơn với chân dung các nhà giáo đặc biệt khắp cả nước đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người”- nhà báo Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
Trao giải 7 tác phẩm, vinh danh 4 nhà giáo
Giải nhất: “Người giáo viên quả cảm” – tác giả: Ngô Thị Thu Vân (TP HCM). Giải nhì: “Kình ngư khuyết tật miệt mài gieo chữ miễn phí” – tác giả: Đặng Hoàng An (Long An). Giải ba: “Người gieo ước mơ thay đổi cuộc đời” – tác giả: Nguyễn Thị Lành (TP HCM); “Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và những dự án vì cộng đồng” – tác giả: Tuyết Mai (Hà Nội). Giải khuyến khích: “Chọn vùng xa để giúp học trò nghèo” – tác giả: Cao Thị Huế (TP HCM); “Miệt mài gieo yêu thương” – tác giả: Thái Đặng Nhật Tân (Đồng Nai); “Nghẹn ngào nhớ ân tình thầy cô” – tác giả: Lê Hoàng Ngọc Thạch (TP HCM).
Trong đó, giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 15 triệu đồng/giải, giải khuyến khích 7 triệu đồng/giải.
Ban Tổ chức cuộc thi cũng vinh danh 4 nhà giáo, gồm: Cô Nguyễn Thị Kim Phụng – nhân vật trong bài viết “Miệt mài gieo yêu thương”; cô Nguyễn Thị Sa Ri – nhân vật trong bài viết “Kình ngư khuyết tật miệt mài gieo chữ miễn phí”; nhà giáo Nguyễn Thị Kim Dung – nhân vật trong bài viết “Người giáo viên quả cảm”; nhà giáo Nguyễn Xuân Khang – nhân vật trong bài viết “Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang và những dự án vì cộng đồng”.
Phát động cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần 4
Nhà báo – TS Tô Đình Tuân cho biết cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” được tổ chức 3 lần đã có sự lan tỏa lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc, bạn viết trong và ngoài nước với nhiều tác phẩm sâu sắc.
Tiếp nối sự thành công đó, Báo Người Lao Động tiếp tục phát động cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu” lần 4. “Chủ đề này chắc chắn sẽ tiếp tục chạm vào mạch cảm xúc của nhiều người” – nhà báo Tô Đình Tuân nhận định. Ông cho biết những tác phẩm xuất sắc và những tấm gương thầy cô tiêu biểu sẽ được trao giải và vinh danh nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, tháng 11-2025.
Nguồn: https://nld.com.vn/trao-giai-cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-lan-3-dong-day-cam-xuc-ve-dao-nghia-thay-tro-196241114213501982.htm