Trong APEC, Việt Nam có thể vừa hợp tác vừa cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập đồng thời củng cố sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 diễn ra tại Lima (Peru) từ ngày 10-16/11 với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”. (Nguồn: Adina) |
Thành lập hơn ba thập niên trước, 21 nền kinh tế thành viên của APEC bao gồm ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, cùng Australia, Brunei, Canada, Chile, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam.
Củng cố vai trò trong “sóng gió toàn cầu”
APEC là cơ chế hợp tác kinh tế và thương mại đa phương hàng đầu khu vực, chiếm khoảng 62% GDP và 48% thương mại toàn cầu năm 2021. Diễn đàn này thúc đẩy các nền kinh tế hợp tác với nhau trên cơ sở cam kết không ràng buộc, đối thoại mở, đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận và tôn trọng bình đẳng các quan điểm của tất cả các nền kinh tế thành viên. Chính cơ chế không ràng buộc, khác với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay các tổ chức thương mại đa phương khác, đã tạo điều kiện cho những sáng kiến thúc đẩy hội nhập mạnh mẽ.
Việc kết nối các nền kinh tế, giảm các rào cản thương mại và thu hẹp các khác biệt trong quy định đã thúc đẩy thương mại trong khu vực với thuế quan trung bình giảm từ 17% vào năm 1989 xuống còn 5,3% vào năm 2021.
Tổng thương mại hàng hóa khu vực đã tăng hơn 9 lần, vượt xa các khu vực khác. Thương mại hàng hóa và dịch vụ trong thời gian này đã phát triển với tốc độ trung bình hằng năm là 7,1%, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP là 3,7% (theo Makin & Verikos năm 2021). Sự tăng trưởng thương mại đã thúc đẩy tăng trưởng GDP khu vực từ 19 nghìn tỷ USD vào năm 1989 lên 52,8 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng gần 4 lần.
TS. Lê Ngọc Bích, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam. (Nguồn: Đại học RMIT) |
Tuy nhiên, những năm gần đây, APEC đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ căng thẳng thương mại đến đại dịch Covid-19 và xung đột ở nhiều điểm nóng như cuộc xung đột Nga-Ukraine và chiến tranh Israel-Hamas. Những sự kiện này tạo ra một môi trường bất ổn, chia rẽ và phân mảnh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại với làn sóng bảo hộ ở Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế.
Hoa Kỳ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường đầu tư vào các đồng minh, theo xu hướng “friendshoring” – khi chính phủ thúc đẩy các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuyển dịch sản xuất khỏi các đối thủ địa chính trị sang các đồng minh. Mặt khác, Trung Quốc đang xây dựng mạng lưới các đối tác thương mại châu Phi và châu Âu thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường.
Thực tiễn này gây lo ngại về khả năng chia rẽ và thương mại toàn cầu bị cuốn vào cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Phân tích mới của IMF thực hiện năm 2023 chỉ ra, nếu thế giới chia thành hai khối riêng biệt với ít hoặc không có giao thương, GDP toàn cầu sẽ giảm hơn 1,5%, tương đương khoảng 1.500 tỷ USD.
Riêng tại châu Á, do sự phụ thuộc giữa các nền kinh tế trong khu vực, mức giảm này có thể gấp đôi lên hơn 3% GDP. Do đó, đòi hỏi tăng cường đối thoại, hợp tác, biến những thách thức thành cơ hội và vai trò của diễn đàn hợp tác đa phương như APEC trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
“Làm mới” hợp tác APEC
Trong khi các quy tắc thương mại toàn cầu của WTO đang trở nên lỗi thời trước những thay đổi nhanh chóng, APEC đã tích cực tập hợp sự ủng hộ và nguồn lực từ các chính phủ để xây dựng kế hoạch cải cách cho WTO ở những lĩnh vực còn thiếu sót, điển hình như thương mại dịch vụ, đầu tư và kinh tế số.
APEC còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các nguyên tắc thương mại đa phương. Bất chấp sự xung đột, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lợi ích trong khuôn khổ APEC. APEC tạo cơ hội đưa hai siêu cường đến bàn đàm phán. Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một cuộc gặp gỡ cấp lãnh đạo hiệu quả bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại San Francisco, bang California.
Đặc biệt, trong bối cảnh quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu đối mặt với cùng lúc nhiều thách thức như lạm phát leo thang, căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và đại dịch, APEC tập trung vào việc thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm, nhấn mạnh vai trò then chốt của mình như một diễn đàn cho các cuộc thảo luận mang tính xây dựng thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Hội nghị APEC 2023, với chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường bền vững cho tất cả”, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, biến đổi khí hậu. Các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực, y tế, chống tham nhũng, chuyển đổi số, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ cũng là trọng tâm trong các cuộc thảo luận.
Hướng tới Hội nghị 2024 ở Peru, APEC sẽ tiếp tục là nền tảng xây dựng lòng tin và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận khó khăn để giải quyết những vấn đề quan trọng chung.
Nắm bắt cơ hội vàng
APEC đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, hơn 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là với thị trường APEC, hơn 80% tổng vốn FDI vào Việt Nam đến từ các nền kinh tế APEC, và hơn 80% khách du lịch đến Việt Nam là từ APEC. APEC quy tụ 15/31 đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. 13/17 FTA Việt Nam đã ký kết là với thành viên APEC.
Từ khi gia nhập APEC năm 1998, Việt Nam đã tận dụng cơ chế hợp tác không chỉ để thúc đẩy hội nhập kinh tế và thu hút FDI mà còn để thúc đẩy cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, tham gia tích cực và có tiếng nói ngang hàng với nhiều trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới trong quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và hiệp định thương mại khu vực.
Sự tham gia của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay nhằm tăng cường tính hiệu quả và tận dụng tốt các cơ chế hợp tác.
Trong bối cảnh thách thức, Việt Nam hiện có cơ hội vàng để trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu khu vực bên cạnh Trung Quốc. Để khai thác tốt cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục tham gia tích cực vào các dự án và sáng kiến của APEC, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và phát triển nguồn nhân lực, nhằm định vị mình là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất trong mô hình “Trung Quốc +1”.
Thay vì đơn thuần điều chỉnh cho phù hợp với các cam kết quốc tế, chính phủ Việt Nam nên áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, nhạy bén trong việc xây dựng chính sách nhằm thích ứng với các thay đổi nhanh chóng trên thị trường. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Học hỏi từ mô hình thành công của các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, chính phủ Việt Nam nên triển khai các chương trình hỗ trợ, đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng công nghệ, thiết lập các khu công nghệ cao, và tăng cường kết nối giữa chính phủ, các trường đại học và doanh nghiệp để tập trung phát triển chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ củng cố vị thế của Việt Nam trên trường thế giới và tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tham gia vào những sân chơi rộng lớn hơn và các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao.
APEC không chỉ là nơi thúc đẩy hợp tác đa phương mà còn là kênh quan trọng để Việt Nam củng cố quan hệ song phương, tạo ra những lợi ích lâu dài và sâu sắc với các đối tác chiến lược lớn. Hơn nữa, Việt Nam có thể thông qua APEC để xây dựng các mối quan hệ chiến lược với các nền kinh tế tiềm năng đang chờ đợi để gia nhập APEC như Bangladesh, Colombia, Costa Rica và Ecuador. Hợp tác với các thành viên tiềm năng từ khu vực Mỹ Latinh không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới mà còn thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nước đang phát triển.
Với những bước đi đúng đắn duy trì sự mở cửa, kết nối, và cân bằng trong quá trình hợp tác tại APEC, Việt Nam có thể vừa hợp tác vừa cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập đồng thời củng cố sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.
Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-mo-cua-ket-noi-can-bang-trong-hop-tac-apec-293584.html