Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh dễ gặp thời hiện đại. Tỉ lệ mắc nhiều đối với những người làm việc công sở, văn phòng. Hiện nay, nhiều bệnh viện đã đưa ra các phương pháp điều trị tiên tiến. Tuy nhiên, có vẻ như trị liệu bằng các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, kéo dãn… vẫn đang được áp dụng phổ biến.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức, thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm ở giữa các đốt sống thoát ra khỏi những thớ sợi bao quanh bên ngoài. Hay nói một cách khác, đĩa đệm bị ép lồi, lệch ra khỏi vị trí bình thường gây chèn ép lên tủy sống hoặc các rễ dây thần kinh.
Triệu chứng của bệnh là cơ thể luôn bồn chồn, chân tay động đậy trong khi ngủ. Xuất hiện đau nhức tại vùng bị thoát vị đĩa đệm. Những cơn đau nhức, có thể lan sang cánh tay, mông và chân dọc theo dây thần kinh khiến người bệnh vô cùng khó chịu, đứng ngồi không yên. Cơn đau có thể kéo dài liên tục và theo từng đợt. Đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
Đối với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Gây đau dây thần kinh liên sườn, đau tăng khi nằm nghiêng, ho, đại tiện. Bệnh nhân sẽ thấy đau vùng cột sống lưng, tê, mất cảm giác từng vùng ở mông, chân, bàn chân, trường hợp nặng có thể bị liệt.
Đối với thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Người bệnh có biểu hiện đau ở vùng cổ và đau vai gáy. Đau tê, mất cảm giác các vùng, bao gồm tê bàn tay, cổ tay, bàn chân… Bệnh nhân nặng có thể bị yếu cơ và cử động kém hơn do bị mất lực.
Nguyên nhân
Đĩa đệm như một bộ phận giảm xóc, có chức năng hỗ trợ cột sống chuyển động linh hoạt, nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, chính các động tác thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày, tuổi tác hay trọng lượng cơ thể đều gây áp lực lên cột sống và làm gia tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm. Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình:
Chấn thương hoặc sai tư thế: Lao động quá sức, nâng vác, nhấc vật nặng ở tư thế không phù hợp hoặc ngồi, cúi, xoay người sai tư thế đều là nguyên nhân có thể gây thoát vị đĩa đệm.
Những người ở độ tuổi từ 30-60 tuổi có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cao nhất. Đó là do khi tuổi ngày một cao, đĩa đệm bị mất dần nước và trở nên khô. Từ đó, vòng bao xơ bên ngoài nhân nhầy bị thoái hóa, bên trong nhân nhầy sẽ phình ra. Khi đĩa đệm ngày càng suy yếu, sẽ làm tăng áp lực lên cột sống, các nhân nhầy bên trong có thể sẽ bị vỡ ra và được xem là thoát vị đĩa đệm.
Thừa cân, béo phì: Cơ thể có trọng lượng quá nặng sẽ làm tăng sức nặng cho cột sống và gây thoát vị đĩa đệm.
Một số nguyên nhân khác: Việc ăn uống thiếu hụt chất dinh dưỡng, sử dụng chất kích thích hoặc di truyền từ bố mẹ sang con cái cũng là những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức, cũng như bao căn bệnh xương khớp khác, thoát vị gây ra các cơn đau buốt. Tình trạng đau kéo dài khiến người bệnh khó cử động, mệt mỏi ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, nếu khối lượng thoát vị đĩa đệm quá to, gây chèn ép tủy sống và dây thần kinh xuất phát từ vùng chóp tủy sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hậu quả là người bệnh sẽ phải đối mặt tình trạng bị đau rễ dây thần kinh phản ánh, teo cơ, mất kiểm soát khi đi vệ sinh hay thậm chí là tàn phế suốt đời.
Các phương pháp điều trị
Ngoài vấn đề bệnh thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không thì việc trị liệu chính là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay bao gồm:
Dùng thuốc Tây:
Các cơn đau của bệnh thoát vị đĩa đệm có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm …Tuy nhiên, thuốc giảm đau chỉ có tác dụng tức thời chứ không thể trị liệu bệnh hiệu quả. Nếu bệnh nhân lạm dụng thuốc quá nhiều có thể gây ra các tác dụng phụ: Viêm loét dạ dày, hành tá tràng, suy gan, suy thận, loãng xương sớm…
Phẫu thuật:
Khi thoát vị nặng gây biến chứng như bí đại tiểu tiện, liệt chi thì các bác sỹ sẽ khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật. Tỷ lệ thành công của phương pháp này chỉ là 50/50 và cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro vì người bệnh có thể bị nhiễm trùng, viêm sau khi mổ…. Mặt khác, chi phí phẫu thuật tuy cao nhưng hiệu quả chỉ được 1-2 năm lại có thể tái phát bệnh.
Phương pháp phẫu thuật bằng sóng Viba cao tần:
Tác động trực tiếp vào vị trí nhân nhày đĩa đệm tổn thương sẽ làm giảm áp lực trong lòng đĩa đệm, co hồi khối thoát vị trở về vị trí bạn đầu, giải phóng dây thần kinh và mạch máu bị chèn ép. Phương pháp điều trị này có những ưu điểm như: Bảo tồn được nguyên vẹn đĩa đệm; không gây ảnh hưởng đến độ bền vững của cột sống; không gây biến chứng; không gây mê toàn thân; thời gian phẫu thuật ngắn, chỉ khoảng 20 phút… Tuy nhiên, tỷ lệ thành công không phải là 100%.
Vật lý trị liệu vẫn là phổ biến:
Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, sử dụng máy trị liệu và các bài tập là phương pháp được khá nhiều bệnh nhân áp dụng. Thông thường, bệnh nhân được châm cứu kết hợp vật lý trị liệu. Sau khi giảm đau, bệnh nhân có thể tập vận động trị liệu, dưỡng sinh kết hợp kéo giãn cột sống. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là điều trị triệu chứng, vì thế nhanh tái phát trở lại.
Biện pháp phòng ngừa
Chúng ta nên tránh ngồi quá lâu hoặc sai tư thế. Khi khiêng vật nặng, tránh cúi người xuống mà phải hạ hai chân rồi từ từ nâng vật nặng lên và luôn giữ cột sống thẳng. Ngoài ra, nên chú ý giữ lưng thẳng khi đẩy xe lên và xuống dốc, tránh tăng cân, béo phì và điều trị kịp thời các bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, vẹo cột sống. Nên tập thể dục mỗi ngày.
Với người đã có triệu chứng thoát vị đĩa đệm, cần nghỉ ngơi hợp lý, chơi các môn thể thao nhẹ như đi bộ, bơi lội. Tránh các động tác cúi ngửa, nghiêng xoay cột sống quá mức, tránh mang vác trọng lượng trên 5kg và nên chia đều 2 tay.
Nguồn: https://daidoanket.vn/thoat-vi-dia-dem-hieu-biet-de-phong-tranh-va-dieu-tri-10294432.html